Các đại biểu dự Đại hội Đảng bộ ĐH Đà Nẵng nhiệm kỳ IV |
Xuất phát từ nhận thức coi chất lượng đào tạo là mục tiêu, là biện pháp cơ bản để khẳng định vị thế, uy tín của ĐH Đà Nẵng, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2005 – 2010, Đảng bộ ĐH Đà Nẵng đã chỉ đạo triển khai thực hiện các biện pháp nâng cao chất lượng đào tạo, giáo dục toàn diện, đổi mới phương pháp dạy và học nhằm phát huy tư duy sáng tạo và năng lực tự đào tạo của người học.
Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng là trường thành viên đầu tiên thực hiện kiểm định chất lượng trường ĐH theo tiêu chuẩn và tiêu chí của Bộ GD&ĐT từ năm 2005; tiếp theo đó là trường ĐH Kinh tế, ĐH Ngoại ngữ. Bắt đầu từ năm 2006 – 2007, ĐH Đà Nẵng triển khai chuyển đổi phương thức đào tạo từ niên chế truyền thống sang đào tạo theo tín chỉ, áp dụng cho tất cả các trường thành viên ở cả hệ ĐH và CĐ.
Trong nhiệm kỳ qua, với chủ trương Mở rộng quy mô đào tạo sau ĐH kết hợp với phát triển nghiên cứu khoa học, nâng cao chất lượng đào tạo ĐH chính quy và giảm dần quy mô đào tạo các hệ khác, công tác đào tạo sau ĐH của ĐH Đà Nẵng đã có sự phát triển mạnh, đúng định hướng và vượt chỉ tiêu của Nghị quyết ĐH III đề ra.
Hiện nay, ĐH Đà Nẵng đang đào tạo 25 chuyên ngành cao học và 16 chuyên ngành nghiên cứu sinh. Số lượng tuyển sinh sau ĐH tăng bình quân 30% hàng năm. Công tác NCKH cũng được Đảng bộ trong nhiệm kỳ qua quan tâm và chú trọng lãnh đạo.
Trong 5 năm qua, ĐH Đà Nẵng có 12 đề tài cấp nhà nước, 231 đề tài cấp Bộ và nhiều đề tài cấp cơ sở hoặc thực hiện ở các tỉnh thành trong khu vực,... Kết quả nghiên cứu đã giúp các nhà khoa học nâng cao trình độ chuyên môn của mình, phục vụ tốt công tác giảng dạy...
Đảng bộ ĐH Đà Nẵng cũng đã thành lập thêm 02 chi bộ cơ sở và 13 chi bộ dưới cơ sở, tăng 242 đảng viên so với nhiệm kỳ trước.
Đồng chí Lê Tấn Duy - Bí thư Đảng bộ ĐH Đà Nẵng đọc báo cáo chính trị của BCH Đảng bộ ĐH Đà Nẵng khóa III |
Đảng bộ ĐH Đà Nẵng xác định, trong nhiệm kỳ 2010 – 2015, sẽ chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, coi trọng giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống cho HS, SV; tiếp tục triển khai thực hiện các mục tiêu cụ thể của đề án đổi mới toàn diện giáo dục ĐH đến năm 2020. Trong đó, ĐH Đà Nẵng sẽ thực hiện việc phân tầng ĐH và phân luồng sau ĐH. Cụ thể, sẽ đẩy mạnh việc phân tầng chương trình đào tạo bậc ĐH theo hướng tinh hoa và hướng nghề nghiệp cho số đông trên cơ sở các chương trình chất lượng cao, chương trình tiên tiến đã thực hiện. Chương trình thạc sĩ cũng sẽ phân luồng theo hai hướng: nghiên cứu và hướng chuyên nghiệp. Ưu tiên đầu tư phát triển các chương trình ĐH tinh hoa và chương trình sau ĐH nghiên cứu. Dự kiến đến 2015 có 20% chương trình ĐH tinh hoa và 25% chương trình thạc sĩ nghiên cứu.
Đảng bộ ĐH Đà Nẵng cũng đề ra mục tiêu đến hết năm 2010, tất cả các bài giảng, giáo trình, tài liệu giảng dạy của tất cả các môn học của các bậc CĐ, ĐH, sau ĐH đều được đưa lên mạng để SV tham khảo. Mỗi năm, ĐH Đà Nẵng cũng sẽ tuyển khoảng 120 giảng viên mới để đến năm 2015, phấn đấu đạt tỉ lệ sinh viên chính quy trên giảng viên đạt 22/1. Về diện tích sử dụng cho đào tạo, ĐH Đà nẵng xác định, đến năm 2015 sẽ tăng 1,5 lần so với hiện nay.
Đại hội Đảng bộ ĐH Đà Nẵng tiếp tục làm việc đến hết sáng ngày 29.5
Ánh Ngọc