Thông tư này đưa ra bộ 8 tiêu chuẩn bao gồm những tiêu chí và mức tối thiểu phải đạt được làm căn cứ để cơ quan chức năng đánh giá, công nhận cơ sở giáo dục đại học đạt chuẩn quốc gia và xây dựng chính sách phù hợp đối với cơ sở giáo dục đại học đạt chuẩn quốc gia.
Từ 22/3/2024, Thông tư số 01/2024/TT-BGDĐT ngày 5/2/2024 ban hành Chuẩn cơ sở giáo dục đại học có hiệu lực, làm công cụ quản lý Nhà nước để đảm bảo tính thống nhất của quốc gia trong việc tuân thủ các yêu cầu tối thiểu cho hoạt động giáo dục đại học.
Khác Chuẩn quốc gia đối với cơ sở giáo dục đại học, Chuẩn cơ sở giáo dục đại học là cơ sở để thực hiện quy hoạch, sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục đại học; đánh giá và giám sát các điều kiện bảo đảm chất lượng, việc thực hiện trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục đại học theo quy định của pháp luật. Căn cứ pháp lý ban hành Chuẩn cơ sở giáo dục đại học là Luật Giáo dục 2019; Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.
Chuẩn cơ sở giáo dục đại học gồm 6 tiêu chuẩn (Tổ chức và quản trị; Giảng viên; Cơ sở vật chất; Tài chính; Tuyển sinh và đào tạo; Nghiên cứu và đổi mới sáng tạo) với 20 tiêu chí. Các tiêu chuẩn, tiêu chí được đưa ra để bảo đảm quyền lợi các bên liên quan, đặc biệt là người học. Cơ sở giáo dục đại học cần bảo đảm yêu cầu tối thiểu theo quy định, nhưng hoàn toàn có thể phấn đấu vượt chuẩn.
Hoạt động và đánh giá theo chuẩn là việc phải làm để hướng tới chất lượng theo thông lệ quốc tế. Xây dựng chuẩn để từng bước đổi mới quản lý Nhà nước với mục đích quan trọng nhất là nâng cao chất lượng giáo dục. Với giáo dục đại học, chúng ta đã có Chuẩn chương trình đào tạo, nay là Chuẩn cơ sở giáo dục đại học.
Sẽ có nhiều bên được hưởng lợi: Cơ sở giáo dục, nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp..., đặc biệt là người học. Theo đó, thực hiện Chuẩn sẽ giúp cơ sở giáo dục đại học nâng cao chất lượng đào tạo theo chuẩn mực quốc tế để hội nhập, thu hút nguồn lực đầu tư và phát triển bền vững. Thông tin, dữ liệu của các cơ sở giáo dục đại học là nguồn tham khảo quan trọng của nhà quản lý để hoạch định chính sách. Thông tin này cũng hữu ích với doanh nghiệp trong tìm kiếm đối tác, hợp tác với cơ sở giáo dục, thực hiện tuyển dụng…
Một trong những nguyên tắc xây dựng Chuẩn là đặt trọng tâm vào lợi ích người học. Khi nhà trường gia tăng chất lượng, được hưởng lợi trước nhất chính là sinh viên. Bên cạnh đó, cơ sở giáo dục đại học phải công bố báo cáo thường niên đối với những yêu cầu tối thiểu theo các tiêu chuẩn, tiêu chí, chỉ số được quy định; Bộ GD&ĐT cũng sẽ công khai kết quả thực hiện chuẩn hằng năm của các cơ sở giáo dục đại học.
Sự công khai, minh bạch này giúp người học biết được “sức khỏe” các trường ra sao; đưa ra lựa chọn tốt, phù hợp nhất khi chọn ngành, trường. Nội dung Chuẩn (tại tiêu chuẩn 5 - tuyển sinh và đào tạo) cũng đưa ra tiêu chí về tỷ lệ người học hài lòng với giảng viên về chất lượng, hiệu quả giảng dạy (không thấp hơn 70%); tỷ lệ người tốt nghiệp hài lòng tổng thể về quá trình học tập và trải nghiệm (không thấp hơn 70%).
Nhà trường sẽ phải gia tăng các điều kiện bảo đảm, chất lượng để làm hài lòng người học; bởi điều này đã trở thành yêu cầu bắt buộc, một tiêu chí đánh giá cơ sở giáo dục.