Nhưng các trường khẳng định, đây là cách duy nhất để tồn tại trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế ngày càng trầm trọng.
Tình cảnh túng quẫn
Năm 2018, Manar Sleiman chuyển từ thành phố quê nhà Baalbek đến thủ đô Beirut, Lebanon để theo học ngành Kiến trúc tại Trường Đại học Notre Dame với học bổng trị giá 85%.
Dù ngôi trường này chưa phải nơi có học phí đắt nhất Lebanon, trong thời kỳ bình ổn, gia đình Sleiman đã phải chật vật đóng học phí lẫn chi phí sinh hoạt. Tuy nhiên, khủng hoảng kinh tế từ cuối năm 2019, theo sau là đại dịch Covid-19, vụ nổ cảng ở Beirut đã khiến cuộc sống của Sleiman hoàn toàn đảo lộn.
Nhiều trường đại học đang đồng loạt tăng học phí, trong đó có Trường ĐH Notre Dame. Trước cuộc khủng hoảng kinh tế, mỗi tín chỉ của Sleiman có giá 5.600 LBP (khoảng 86 nghìn đồng) nhưng hiện nay, nữ sinh phải trả 3,5 triệu LBP (khoảng 54 triệu đồng) cho một tín chỉ. Để tốt nghiệp, Sleiman cần tích lũy ít nhất 172 tín chỉ.
Chưa kể, nền kinh tế Lebanon đang trải qua quá trình “đô la hóa”, nghĩa là nhiều cá nhân, tổ chức chọn sử dụng USD vì tính chất ổn định để thực hiện các giao dịch hàng ngày thay vì sử dụng đồng nội tệ. Hiện nay, 29 nghìn LBP tương đương với 1 USD. Các trường đại học Lebanon không phải là ngoại lệ.
Ngoài trừ Trường Đại học Lebanon, 32 trường đại học trên cả nước đều là cơ sở tư nhân. Các trường đang yêu cầu sinh viên trả một phần hoặc toàn bộ học phí bằng USD. Đơn cử, lần lượt vào tháng 3 và tháng 5 năm nay, Trường ĐH Lebanon American và Trường ĐH Mỹ Beirut – những trường tốp đầu tại Lebanon, thông báo chỉ chấp nhận thanh toán học phí bằng USD từ học kì mùa thu 2022. Ngay cả trường công lập như Lebanon cũng dự kiến chuyển sang thu học phí cao học bằng đồng đô la Mỹ.
Lý giải điều này, các trường đại học cho biết thanh toán bằng USD là xu hướng chung của đất nước. Do đó, “đô la hóa” là giải pháp duy nhất để giữ các trường tồn tại và duy trì chất lượng giáo dục trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế ngày càng trầm trọng.
Nhưng việc tăng học phí nói chung, cộng với việc phải trả một phần hoặc toàn bộ học phí bằng USD có thể khiến hàng trăm nghìn sinh viên nước này mất cơ hội học đại học.
Trường Đại học Mỹ Beirut, Lebanon. |
Tương lai bấp bênh
Không chỉ giáo dục, lạm phát đang phủ bóng mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội của người dân Lebanon. Cục Thống kê Trung ương Lebanon cho biết, tỷ lệ lạm phát của nước này đã tăng lên 211% vào tháng 5/2022 nhưng mức lương của người dân không thay đổi. Vì lẽ đó, họ phải chật vật xoay xở trong sinh hoạt thường nhật.
Maya Hamadeh, 19 tuổi, sinh viên ngành Báo chí đa phương tiện, Trường ĐH Lebanon American, đang ở trong tình thế khó khăn. Nữ sinh có học bổng, được hỗ trợ tài chính và đang làm việc bán thời gian để trả học phí đại học. Nhưng như thế là chưa đủ để duy trì học tập khi trường chuyển sang thu học phí bằng USD.
Nữ sinh nhận định việc thu học phí bằng USD là không công bằng vì đe dọa tương lai của nhiều sinh viên Lebanon. Bản thân nữ sinh cũng không chắc chắn và lo ngại cho tương lai của mình.
“Tôi đang xin tài trợ và cố gắng nài nỉ trường đại học tăng hỗ trợ tài chính. Nếu không được, tôi sẽ không thể tiếp tục việc học của mình. Còn nếu học và chấp nhận đóng học phí như quy định hiện nay, tôi sẽ phải gánh một khoản nợ khổng lồ mà gia đình không đủ khả năng chi trả”, Maya bày tỏ.
Còn Sarah Al Asmar, 20 tuổi, Chủ tịch Hội Sinh viên Trường ĐH Lebanon American, chia sẻ, cuộc khủng hoảng kinh tế ảnh hưởng đến hầu hết sinh viên trong trường vì cha mẹ họ không được trả lương bằng USD. Ngay cả khi gia đình sử dụng USD, thu nhập của họ cũng không đủ để trang trải các hóa đơn, thực phẩm hay nhu cầu thiết yếu khác.
“Với cách thu mới, tôi sẽ phải đóng 20 nghìn USD (khoảng 316 triệu đồng) học phí mỗi năm, một con số quá lớn với gia đình tôi và trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Đô la hóa là một thách thức không nhỏ với tôi và bạn bè xung quanh. Trường đại học hứa sẽ hỗ trợ tài chính để không sinh viên nào phải bỏ học. Tôi không thể làm gì hơn ngoài tin vào điều đó”, nữ sinh ngành Khoa học Chính trị và Vấn đề quốc tế chia sẻ.
Đối với Teya Abou Zour, 20 tuổi, sinh viên Trường ĐH Lebanon American, là sinh viên giữa cuộc khủng hoảng kinh tế là một trải nghiệm kinh khủng.
“Chúng tôi phải đối mặt với nhiều thách thức bởi vì chúng tôi không thể tránh khỏi tình cảnh hiện nay. Tập trung học trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và khủng hoảng kinh tế rất khó khăn. Nhưng chúng tôi vẫn cố gắng học tập vượt qua những gián đoạn và khó khăn. Tôi tưởng như chúng tôi là những người hùng”, Teya nói và cho hay giáo dục là điều duy nhất có thể giúp em thoát khỏi những gì đang diễn ra.
Để tránh khỏi tình trạng bỏ học vì “đô la hóa” học phí, một số sinh viên Lebanon đang chuyển sang các trường đại học có chi phí hợp lý hơn. Tuy nhiên, họ vẫn lo ngại các trường này có thể sớm yêu cầu đóng học phí bằng USD bởi đây là xu hướng không thể tránh khỏi.
“Không gì có thể bảo đảm cho sinh viên hiện nay. Chúng tôi vừa chuyển trường, vừa lo sợ không biết ngôi trường sắp tới có tăng học phí hay bắt đóng tiền học bằng USD hay không. Chúng tôi rất lo sợ và tự hỏi không biết tương lai sẽ ra sao”, Teya nói thêm.