Lebanon: Năm học mới chìm trong hỗn loạn

GD&TĐ - Năm học 2021 - 2022 tại Lebanon rơi vào tình cảnh hỗn loạn do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính.

Học sinh Lebanon tựu trường ngày 29/9.
Học sinh Lebanon tựu trường ngày 29/9.

Hiện, hàng nghìn giáo viên phổ thông trên cả nước đã đình công, yêu cầu được điều chỉnh lương để đối phó với tình trạng lạm phát, đồng tiền rớt giá.

Nhiều giáo viên bức xúc bởi một tháng lương hiện nay chỉ đủ cho 2 lần đổ đầy xăng xe. Tuy nhiên, dù có tiền, họ cũng không thể làm vậy do tình trạng thiếu nhiên liệu trầm trọng.

Điều này cũng tác động đến ngành Giáo dục. Xe buýt đưa đón học sinh không còn hoạt động do thiếu nhiên liệu. Hệ thống sưởi ấm trong lớp học vào những tháng mùa đông lạnh giá sắp tới có thể bị cắt giảm vì nguồn cung thiếu đảm bảo.

Những vấn đề trên cộng với tác động từ dịch Covid-19 khiến giáo viên tại các trường công lập đình công. Chính phủ đã thương lượng với hiệp hội giáo viên để phân bổ gói hỗ trợ trị giá 500 triệu USD, song hai bên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung.

Do đó, ngày khai giảng trên cả nước, dự kiến diễn ra vào tháng 8, đã bị hoãn đến cuối tháng 9. Tuy nhiên, hàng loạt giáo viên đã xin nghỉ việc để tìm kiếm cơ hội việc làm tốt hơn.

Khi vấn đề nổ ra tại các trường công lập, phụ huynh đã chuyển con cái sang trường tư thục. Ước tính hơn 50 nghìn học sinh đã chuyển từ trường công sang trường tư vào năm 2020. Ông Alaa Hmaid, làm việc tại Tổ chức Cứu trợ Trẻ em, dự đoán con số này sẽ tăng cao trong thời gian tới.

Như vậy, hệ thống giáo dục công lập tại Lebanon đang đứng trước 2 áp lực là giáo viên đình công và học sinh nghỉ học. Chưa dừng lại ở đó, vụ nổ nghiêm trọng tại Beirut vào năm 2020 đã làm hư hại hơn 180 cơ sở giáo dục, đẩy hàng nghìn học sinh vào tình cảnh không trường học.

Ông Hmaid bày tỏ: “Chúng tôi không muốn khoét sâu vào khoảng cách giáo dục tại đất nước. Ngay lúc này, Lebanon rất cần được tăng cường các nguồn lực cho giáo dục”.

Giữa những khó khăn hiện nay, phụ huynh tìm mọi cách để con cái được đến trường. Chị Lara Nassar, 38 tuổi, có 3 con đang theo học phổ thông. Chị đã bị mất việc vì đại dịch Covid-19 nên hiện nay, thu nhập của cả gia đình phụ thuộc vào công việc văn phòng của chồng chị.

Gia đình chị Nassar phải sống nhỏ giọt để tiết kiệm nhưng người mẹ bày tỏ kiên quyết cho các con được đến trường. “Tôi tìm kiếm sách giáo khoa cũ tại các tổ chức từ thiện. Vá quần áo cũ, xin giày cũ cho những đứa trẻ miễn sao chúng vẫn được đến trường. Giáo dục sẽ thay đổi tương lai của các con”, chị Nassar bày tỏ.

Trong khi đó, nhiều gia đình có điều kiện đang rời đất nước để tìm kiếm cơ hội chất lượng. Chị Maya, bà mẹ có hai con, cho biết gia đình đã chuyển đến Síp đầu năm 2021. Hai con 6 và 8 tuổi của chị hiện đang theo học tại một trường phổ thông dạy bằng tiếng Anh ở nước này.

“Tại trường cũ của con tôi, ít nhất 50 giáo viên đã xin nghỉ việc. Tôi lo lắng tự hỏi ai sẽ dạy dỗ con tôi? Chất lượng đào tạo của các trường sẽ như thế nào trong thời gian tới? Chúng tôi muốn dành những điều tốt đẹp hơn cho các cháu”, chị Maya bày tỏ.

Theo AP

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

“Yêu chay” không có nghĩa là mối quan hệ thiếu tình yêu. (Ảnh: ITN)

Vì sao 'yêu chay' ngày càng phổ biến?

GD&TĐ - Có tới 40 triệu người Mỹ đang trong các mối quan hệ lãng mạn không quan hệ tình dục. Đáng nói,phần lớn những người này hoàn toàn hài lòng với điều đó.