Đố kỵ (ghen tị) là một cảm xúc xảy ra khi một người không có được đặc điểm tốt đẹp, thành tích hay vật sở hữu của người khác và luôn mong muốn có điều đó hoặc mong muốn người khác không có được điều đó.
Đố kỵ là một kinh nghiệm điển hình trong các mối quan hệ của con người, và nó đã được quan sát thấy ở trẻ sơ sinh khi mới 5 tháng tuổi. Một số nhà nghiên cứu cho rằng, sự đố kỵ được nhìn thấy trong tất cả các nền văn hóa và là một đặc điểm phổ quát. Tuy nhiên, những người khác cho rằng ghen tị là một cảm xúc đặc trưng văn hóa.
Theo như tôi quan sát thì đời sống này luôn có cái gì đó đối xứng trong sự khập khiễng hay tồn tại dựa trên “thuyết đôi đũa lệch”. Một bạn gái xinh đẹp nhất lớp thì thế nào cũng cặp kè với một đứa bạn xấu nhất lớp. Đứa cao lêu nghêu cặp kè với đứa lùn tịt. Đứa học giỏi chơi thân với kẻ khù nhờ. Đứa con nhà giàu lại thích chơi với đứa con nhà nghèo. Hầu như là vậy.
Hồi trẻ, tôi cứ nghĩ đó là quy luật bù trừ, bổ khuyết cho nhau. Nhưng càng lớn, càng chiêm nghiệm, tôi lại thấy đây là hệ quả của thói đố kỵ vốn tiềm ẩn trong mỗi con người, từ khi còn thơ dại.
Một người xinh đẹp thường có tâm lý đố kỵ với người đẹp hơn mình, mà câu chuyện mụ dì ghẻ trong truyện cổ tích “Nàng Bạch Tuyết và Bảy chú lùn” là một ví dụ kinh điển: “Gương kia ngự ở trên tường/ Thế gian ai đẹp được dường như ta?”.
Cho nên, những phụ nữ xinh đẹp có thể vui chơi cùng nhau, đọ khoe nhan sắc với nhau, nhưng để an toàn nhất, để cảm thấy thoải mái nhất, họ thường kết thân với một người có nhan sắc kém hơn mình. Thêm một khía cạnh nữa, khi chơi với người xấu xí hơn mình thì mình thường nhận được sự ngưỡng vọng hơn là ganh ghét, đố kỵ.
Như thế, lòng đố kỵ dường như có mặt khắp mọi nơi, từ sơ khai hồn nhiên tới trầm kha toan tính. Lòng đố kỵ, dẫu ít dẫu nhiều, ai ai cũng có. Nếu nói rằng “tôi là người không hề biết đố kỵ là gì”, e rằng đó là lời nói không thật lòng. Mà, giả dối, đôi khi còn tệ hại hơn cả đố kỵ.
Bệnh đố kỵ, rõ ràng là rất có hại cho “sức khỏe”, cho sự phát triển của bản thân cũng như xã hội. Vậy, chữa bệnh đố kỵ bằng cách nào? Có nhiều cách chữa bệnh đố kỵ nhưng theo tôi để có thể chữa dứt điểm căn bệnh này thì cần mấy “viên thuốc” đặc trị như sau:
Thứ nhất, mỗi người đừng cố chứng tỏ. Hãy hình dung, có người đang viết rất hay, không vì một lẽ gì, họ không viết nữa. Có người khác đang hát rất hay, rồi thì chợt dưng họ lặng lẽ cất tiếng hát vào lòng.
Cách vượt qua sự đố kỵ là dừng phán xét bản thân một cách gay gắt. Ảnh: wikiHow |
Có người đang danh tiếng, chợt lặng lẽ rời đi, không để lại một tiếng động, một dấu vết. Đó, có lẽ là những người tự biết mình một cách sâu sắc nhất. Họ cố xóa dấu vết, nhưng vẫn cứ để lại trong trần gian nhiều thương luyến, như sự rời đi của HLV Park Hang Seo chẳng hạn.
Mỗi người đừng cố chứng tỏ, vì khi đó thực chất lại là những người cố tạo dấu vết, muốn lưu danh hậu thế; điên cuồng và quay quắt; thì cuối cùng chẳng có gì ngoài sự huyên náo, tầm phào, nhạt nhẽo. Và đó chẳng phải là cái gốc rễ sinh ra bệnh đố kỵ đó sao?
Thứ hai, thay vì nói ra để cảm thấy được hả hê, được mọi người tung hô, ngưỡng vọng… thì nên im lặng mà cảm thấy an vui. Vì biết đâu, trong sự hả hê của mình lại gây ra sự tổn thương, gieo mầm mống ganh tị cho người khác.
Và trong sự hả hê ấy, biết đâu lại đang “khuếch đại” những căn tính xấu khác như sự tự cao, tự đại… Chọn cách im lặng, bình tâm trước thành công của chính mình cũng là viên thuốc quý để chữa khỏi căn bệnh đố kỵ.
Thứ ba, chúng ta phải biết cách chấp nhận thành công của người khác. Trước mỗi thành công của người khác, trong tâm lý chúng ta thường xuất hiện sự ghen tị.
Nhưng chúng ta cần hiểu rằng, để thành công phần lớn trong số họ đã phải nỗ lực, cố gắng vượt lên trên mọi thất bại. Họ - những người thành công đã phải làm việc chăm chỉ, cần mẫn… Bởi thế, thay vì đố kỵ chúng ta phải biết chia vui, chúc mừng với họ, hoặc chí ít là lặng lẽ dõi theo để cố gắng.
Thứ tư, tận tụy với nghề nghiệp của mình cũng là một viên thuốc trong đơn thuốc chữa bệnh đố kỵ. Khi bản thân tâm huyết với nghề nghiệp thì những thành công của người khác lại là động lực để mình thêm yêu nghề hơn.
Mình nhiệt huyết, đam mê với công việc đang theo đuổi thì chắc chắn đồng nghiệp, khách hàng, học trò, phụ huynh… sẽ yêu quý. Khi đó, lòng đố kỵ sẽ chẳng còn nơi để phát triển trong mỗi chúng ta.
Bệnh đố kỵ, tôi nghĩ ai cũng có, nói rằng mình không có e rằng đó là lời nói chưa thật tâm. Vấn đề đáng bàn đó là căn bệnh này cần phải chữa trị, chữa trị dứt điểm, bởi đố kỵ chỉ gây ra đau khổ mà không bao giờ đem lại hạnh phúc.