Do chủ quan mà ra!

GD&TĐ - Nhiều nhà quản lý ở các tỉnh miền Trung và Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn đều cho rằng, đợt mưa lũ vừa qua tại khu vực này là bất thường.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Trời đang cuối xuân chuyển sang hè nên mưa lũ như những ngày gần đây là điều hiếm gặp. Đúng là như vậy, vì thường thì vào cữ này ở các tỉnh miền Trung, nhất là các tỉnh Nam Trung Bộ chuẩn bị bước vào thời kỳ khô hạn khốc liệt nhất trong năm chứ không có mưa tầm tã như những ngày qua.

Nguyên nhân được chỉ ra là do hiệu ứng khí thải nhà kính, nạn phá rừng, Trái đất nóng dần lên… đã dẫn đến hiện tượng thời tiết cực đoan nói trên. Có thể nói, đây là những “nguyên nhân quen thuộc” mà ai cũng biết. Nhưng sẽ thiếu thuyết phục nếu như chúng ta lấy những nguyên nhân đó làm nơi trú ẩn để lẩn tránh trách nhiệm của các nhà quản lý lẫn những dự báo của cơ quan hữu quan.

Bởi vì thiệt hại của đợt mưa lũ bất thường vừa qua đối với các tỉnh miền Trung là rất đáng kể. Toàn bộ vụ lúa xuân hè và hàng chục nghìn hecta hoa màu, nhất là các loại ngô, đậu và dưa hấu được người dân trồng ở các bãi bồi ven sông coi như mất trắng sau trận lụt.

Mùa vụ thất bát, nhà đổ, các công trình giao thông, thủy lợi bị sạt lở là điều bất khả kháng nhưng trong báo cáo của các tỉnh bị thiệt hại còn có cả trên 100 chiếc tàu đánh cá bị nhấn chìm dù đã vào bến bãi neo đậu, hàng nghìn lồng tôm với cả triệu con tôm hùm bị trôi. Số tiền thiệt hại của mỗi tỉnh lên đến hàng trăm tỉ đồng do trận mưa lũ bất thường này.

Hình ảnh thường thấy qua mỗi trận bão hoặc lũ lụt là họp ban chỉ đạo. Nếu như bão lũ vào thời điểm “thường kỳ” thì các ban chỉ đạo sẽ họp trước đó một ngày, sau đó ra công văn hỏa tốc gửi các địa phương và các ngành, rồi phân công các thành viên về những nơi sẽ hứng chịu thiệt hại để “chỉ đạo quyết liệt”, như buộc dân chằng chống nhà cửa, người không được ở lại trên thuyền bè, thậm chí buộc họ  phải rời nhà để đến những nơi an toàn nhằm tránh thiệt hại.

Thế nhưng, đợt mưa lũ vừa rồi, ban chỉ đạo các tỉnh cũng họp nhưng nhiều tỉnh họp để… khắc phục hậu quả. Nếu “quyết liệt” như những lần bão thập thò ngoài Biển Đông thì sẽ không có 92 tàu thuyền của tỉnh Phú Yên bị sóng đánh cho tả tơi rồi chìm nghỉm trong lòng biển như thế.

Ngư dân thì nghĩ, chắc là có mưa gió nhưng cũng chỉ… giải nhiệt nên chằng buộc, neo đậu tàu thuyền làm gì cho kỹ! Trong khi đó, lãnh đạo ở các địa phương dưới cơ sở thì cũng… nghĩ như dân, thế là thiệt hại. Trời hại một phần nhưng một phần cũng do chủ quan mà ra.

“Thời tiết cực đoan” là cụm từ không xa lạ với người dân. Nhưng để hạn chế thiệt hại từ sự “cực đoan” kia là bài học không phải ai cũng thuộc. Chưa phải là “khúc dạo đầu” của mùa mưa lũ, song thiệt hại cả vật chất lẫn con người đã xuất hiện sau trận lũ vừa rồi. Ứng phó với bất thường không chỉ là những lời nói suông ở các diễn đàn, mà cần phải đi vào thực chất trong mỗi lần thời tiết trái tính trái nết như mới đây.

Đang xuất hiện áp thấp ở vùng biển Philippines và sẽ vào Biển Đông trong nay mai. Sẽ có những “bất thường” nữa đang chờ người dân nên việc ứng phó ngay lúc này là điều cần thiết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ