Dịp Tết Nguyên đán: Cẩn trọng với liên cầu lợn

GD&TĐ - Bệnh liên cầu lợn thường xuất hiện rải rác trong năm, tuy nhiên vào những tháng cuối năm và dịp đầu năm mới bệnh có xu hướng gia tăng. Bởi trong khoảng thời gian này, nhiều nơi có tập tục mổ lợn ăn Tết với món tiết canh, tác nhân lây truyền căn bệnh chết người này.

Bệnh liên cầu lợn có thể dẫn tới tử vong
Bệnh liên cầu lợn có thể dẫn tới tử vong

Bệnh vào từ miệng

Bệnh liên cầu lợn có thể lây truyền trực tiếp cho người thông qua việc ăn thịt lợn và các sản phẩm từ lợn bệnh hay mang mầm bệnh chưa nấu chín (như tiết canh, nem chua, nem chạo…). Việc lây nhiễm bệnh còn do sự tiếp xúc với mầm bệnh thông qua các tổn thương, trầy xước trên da. Những người tham gia giết mổ, chăn nuôi, vệ sinh chuồng trại cũng có nguy cơ mắc bệnh. Ngoài ra phân, chất độn chuồng, các loại thức ăn và nước uống trong chuồng nuôi cũng có thể trở thành nguồn bệnh thứ cấp.

Bộ Y tế khuyến cáo: Nhiễm khuẩn do liên cầu lợnở người là bệnh truyền nhiễm cấp tính lây truyền từ động vật sang người, chủ yếu là từ lợn. Bệnh do vi khuẩn liên cầu (Streptococcus Suis) ký sinh ở lợn gây nên. Hiện chưa có vắc xin phòng nhiễm liên cầu khuẩn lợn cho người. Tuy nhiên, vi khuẩn gây bệnh liên cầu lợn hoàn toàn bị tiêu diệt khi thực phẩm được nấu chín kỹ. 

Theo nghiên cứu, ở nhiệt độ 25 độ C, liên cầu khuẩn lợn sẽ sống được 24 giờ trong bụi và 8 ngày trong phân. Điều tra, thống kê các ca nhiễm liên cầu lợn trên người là vào khoảng 70% người bệnh có ăn tiết canh lợn. Các ca mắc còn lại do ăn nem chạo sống, do tiếp xúc, giết mổ lợn bệnh. Một điều tra dịch tễ học của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương trước đó cũng cho thấy, gần 70% bệnh nhân liên cầu lợn có giết mổ, ăn thịt lợn tái, tiết canh. Hiện nay, chưa có bằng chứng bệnh liên cầu lợn có thể lây trực tiếp từ người sang người.

Trên thực tế, chỉ vì ăn một bát tiết canh, người bệnh phải trả giá hàng chục triệu đồng cho quá trình điều trị, thậm chí có khi là cả tính mạng. Bất chấp những nguy cơ cảnh báo lây nhiễm liên cầu khuẩn từ tiết canh, nhiều người vẫn ăn tiết canh lợn và phải nhập viện trong tình trạng nguy hiểm tính mạng.

Thực hiện tốt vệ sinh an toàn thực phẩm

Theo bác sĩ Hà Mạnh Hùng – Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh: Bệnh liên cầu lợn sẽ gây ra nhiễm trùng huyết, viêm màng não mủ hoặc kết hợp cả hai.Biểu hiện của bệnh thường sau vài tiếng đến 4 – 5 ngày, có trường hợp ủ bệnh tới 14 ngày tùy cơ địa mỗi người. Triệu chứng có thể nhẹ như đau bụng, sốt, buồn nôn, nôn và đi ngoài phân lỏng (số lần ít) dễ khiến nhiều người chủ quan là các rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm thông thường.

Các trường hợp nặng hơn với biểu hiện đau đầu, sốt cao, nôn, suy giảm ý thức, tri giác lơ mơ, cứng gáy, xuất hiện ban hoại tử trên da do nhiễm trùng huyết, viêm màng não mủ vì liên cầu lợn. Một số trường hợp nguy kịch có diễn biến nhanh và nặng với biểu hiện sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, rối loạn đông máu… Chi phí điều trị bệnh này tốn kém, thời gian điều trị kéo dài, di chứng để lại thường nặng nề, nguy cơ tử vong khi đã biến chứng rất cao. Bên cạnh đó, bệnh nhân từng bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn vẫn có thể mắc lại bởi căn bệnh này giống như nhiễm trùng liên cầu bình thường, không miễn dịch lâu dài.

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cảnh báo: Tỉ lệ tử vong do liên cầu lợn gây ra khoảng 7%. Đây là bệnh nguy hiểm, vì nếu nhiễm loại vi khuẩn này mà không được chữa trị kịp thời, người bệnh sẽ bị viêm màng não, nhiễm trùng huyết gây choáng và có thể để lại những di chứng nặng nề với 60% bị ù tai giảm thính lực, 20% điếc hoàn toàn không hồi phục.

Ông Phạm Hùng, Trưởng phòng kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Cục Y tế dự phòng cho biết: Hiện nay bệnh đã ghi nhận rải rác tại một số tỉnh, thành phố chủ yếu tại miền Bắc và một số tỉnh phía Nam. Dịp Tết này nguy cơ lây nhiễm là cao nếu người dân không tuân thủ đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Vì vậy, người dân không nên ăn tiết canh và các sản phẩm từ thịt lợn chưa được nấu chín; Không mua bán, vận chuyển, giết mổ lợn ốm, chết hoặc sản phẩm từ lợn không đảm bảo vệ sinh; Không sử dụng thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề; Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, sử dụng găng tay và dụng cụ bảo hộ cần thiết khi tiếp xúc với lợn, thường xuyên rửa tay với xà phòng; tiêu hủy lợn chết theo đúng quy định; Khi có biểu hiện mắc bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ diễu binh, diễu hành là điểm nhấn của Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Ảnh: ITN

Bài học giá trị cho thế hệ trẻ

GD&TĐ - Nhiều nhà khoa học, giảng viên đã thảo luận phương thức GD HSSV về ý nghĩa Chiến thắng Điện Biên Phủ, vận dụng trong GD quốc phòng và an ninh hiện nay.