"Dính" nhiều sai phạm, 2 cựu Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa lĩnh bản án nghiêm minh

GD&TĐ - Sau thời gian xét xử, Hội đồng xét xử TAND tỉnh Khánh Hòa đã tuyên phạt các bị cáo trong vụ án Vi phạm các quy định về quản lý đất đai xảy ra tại tỉnh này.

Các bị cáo tại phiên tòa xét xử.
Các bị cáo tại phiên tòa xét xử.

Ngày 13/4, TAND tỉnh Khánh Hòa tuyên án sơ thẩm 2 cựu Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cùng đồng phạm do Vi phạm các quy định về quản lý đất đai xảy ra tại dự án sinh thái tâm linh Cửu Long Sơn Tự và dự án biệt thự sông núi Vĩnh Trung (thuộc khu vực núi Chín Khúc).

7 bị cáo bị đưa ra xét xử gồm: Nguyễn Chiến Thắng và Lê Đức Vinh (cùng là cựu Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa); Đào Công Thiên (cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa); Lê Mộng Điệp và Võ Tấn Thái (cựu Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Khánh Hòa); Lê Văn Dẽ (cựu Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa); Trần Văn Hùng (cựu Chi Cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai - Sở TN-MT tỉnh Khánh Hòa).

Sau thời gian xét xử, Hội đồng xét xử TAND tỉnh Khánh Hòa đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Chiến Thắng mức án 5 năm 6 tháng tù; bị cáo Lê Đức Vinh; bị cáo Đào Công Thiên bị tuyên cùng mức án 4 năm 6 tháng tù.

Bị cáo Lê Mộng Điệp bị tuyên phạt 3 năm 6 tháng tù; bị cáo Võ Tấn Thái bị tuyên phạt 3 năm tù; bị cáo Lê Văn Dẽ bị tuyên 3 năm tù. Cuối cùng, bị cáo Trần Văn Hùng bị tuyên phạt 2 năm 6 tháng tù. 

Theo nội dung cáo trạng, trong quá trình cho phép triển khai thực hiện 2 dự án sinh thái tâm linh Cửu Long Sơn Tự và dự án biệt thự sông núi Vĩnh Trung, các bị can trên đã có nhiều sai phạm trong việc giao đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Chi tiết hơn, đối với dự án sinh thái tâm linh Cửu Long Sơn Tự, Viện KSND tỉnh Khánh Hòa xác định bị can Nguyễn Chiến Thắng với vai trò là người đứng đầu UBND tỉnh Khánh Hòa đã thực hiện nhiều chỉ đạo xuyên suốt bằng văn bản trong quá trình thực hiện chủ trương đầu tư và triển khai dự án.

Bị can này đã trực tiếp ký các văn bản chỉ đạo về chủ trương và ký quyết định giao đất cho chủ đầu tư để thực hiện dự án khu biệt thự và du lịch sinh thái trong khu kinh tế trang trại Đất Lành - khu B trái quy định của pháp luật.

Các bị cáo tại phiên tòa xét xử.
Các bị cáo tại phiên tòa xét xử.

Viện KSND tỉnh Khánh Hòa cáo buộc trong việc giao, cấp dự án trên, các bị can Nguyễn Chiến Thắng, Đào Công Thiên, Lê Mộng Điệp, Võ Tấn Thái, Trần Văn Hùng đã vi phạm các quy định về quản lý đất đai theo quy định.

Đối với dự án biệt thự sông núi Vĩnh Trung, Viện KSND tỉnh Khánh Hòa xác định bị can Vinh ký các quyết định giao đất vi phạm pháp luật về quản lý đất đai, đó là giao đất khi chưa xác định mức thu tiền sử dụng đất, giao đất trên thực địa trước khi chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ tài chính; giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất vi phạm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Bị can Lê Mộng Điệp ký tờ trình đề nghị UBND tỉnh Khánh Hòa cho Công ty Khánh Hòa chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án khu biệt thự và du lịch sinh thái Vĩnh Trung không đúng với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Còn bị can Lê Văn Dẽ, Giám đốc Sở Xây dựng, đã báo cáo kết quả thẩm định, đề nghị UBND tỉnh Khánh Hòa phê duyệt quy hoạch chi tiết trái quy hoạch chung xây dựng đã được phê duyệt…

Trước đó, đại diện Viện KSND tỉnh Khánh Hòa đã đề nghị xử phạt bị cáo Nguyễn Chiến Thắng mức án 6-7 năm tù; bị cáo Lê Đức Vinh bị đề nghị mức án 5-6 năm tù cùng về tội Vi phạm các quy định về quản lý đất đai theo quy định tại khoản 3 Điều 229 Bộ luật Hình sự.

Cùng bị truy tố với tội danh tương tự, các bị cáo Đào Công Thiên bị đề nghị xử phạt mức án từ 5-6 năm tù. Ba bị cáo Võ Tấn Thái, Lê Mộng Điệp và Lê Văn Dẽ cùng bị đề nghị mức án từ 4- 5 năm tù. Bị cáo Trần Văn Hùng (cựu Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai, Sở Tài nguyên và môi trường) bị đề nghị mức án 3-4 năm tù.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bên trong căn hầm tái hiện hoạt động in ấn tài liệu, truyền đơn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn trong những năm kháng chiến.

Hầm in tài liệu bí mật giữa lòng Sài Gòn

GD&TĐ - Nằm trong con hẻm nhỏ ở đường Ngô Gia Tự, Quận 10, TPHCM, cơ sở in ấn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn năm 1954 là nơi in cả nghìn ấn bản phục vụ cách mạng.