(GD&TĐ) - Ngày 13/3, tại Hà Nội, Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã họp phiên toàn thể lần thứ ba. Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp Nguyễn Sinh Hùng chủ trì phiên họp.
Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp đánh giá cao và hoan nghênh các cơ quan, tổ chức hữu quan, các ngành, các cấp đã khẩn trương, nghiêm túc triển khai công tác tổng kết việc thi hành Hiến pháp 1992 một cách toàn diện, khách quan và bảo đảm chất lượng.
Ngày 13/3/2012, tại Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì Phiên họp thứ 3 Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Ảnh: Nhan Sáng-TTXVN |
Các thành viên của Ủy ban đã thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Báo cáo tổng kết việc thi hành Hiến pháp năm 1992 và dự thảo Báo cáo những vấn đề cơ bản về sửa đổi Hiến pháp năm 1992, trong đó tập trung vào các vấn đề:
- Đánh giá tình hình thi hành Hiến pháp năm 1992, những kết quả đạt được, những bất cập, hạn chế và nguyên nhân của những kết quả, bất cập, hạn chế đó.
- Định hướng sửa đổi Hiến pháp năm 1992 để bảo đảm đổi mới đồng bộ cả về kinh tế và chính trị, phù hợp với tình hình mới gồm 9 nội dung sau đây:
1) Sửa đổi Hiến pháp năm 1992 để tiếp tục thể chế hóa đầy đủ và sâu sắc hơn chủ trương phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân.
2) Sửa đổi Hiến pháp 1992 để phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, huy động các lực lượng xã hội phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước;
3) Sửa đổi Hiến pháp 1992 để tiếp tục khẳng định sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội;
4) Sửa đổi Hiến pháp năm 1992 để thể hiện sâu sắc hơn quan điểm bảo vệ, tôn trọng quyền con người, bảo đảm thực hiện tốt hơn quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân;
5) Sửa đổi Hiến pháp 1992 để tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, bảo đảm công bằng xã hội, bảo vệ môi trường;
6) Sửa đổi Hiến pháp 1992 để bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, thể chế hóa sâu sắc đường lối quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa;
7) Sửa đổi Hiến pháp năm 1992 để tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
8) Sửa đổi Hiến pháp năm 1992 để bảo đảm hội nhập quốc tế đầy đủ và vững chắc;
9) Sửa đổi Hiến pháp năm 1992 để bảo đảm hiệu lực, tính ổn định và phát triển của Hiến pháp, trong đó gồm cả vấn đề về bố cục, kết cấu khoa học, hợp lý của bản Hiến pháp.
Phát biểu bế mạc phiên họp, Chủ tịch Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992 phải đảm bảo nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà Đảng và Nhà nước ta đã xác định. Chủ tịch hoan nghênh sự cố gắng của Ban biên tập trong việc nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý 2 bản dự thảo báo cáo và các tài liệu tham khảo kèm theo; đồng thời và yêu cầu Ban biên tập nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ, tối đa ý kiến thảo luận tại phiên họp; tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện cả về nội dung và kĩ thuật văn bản để trình các cơ quan hữu quan trong thời gian sắp tới.
Vũ Thành