'Đánh thức' đam mê nghề nghiệp cho học sinh miền núi

GD&TĐ - Đối với học sinh miền núi, trước khi tư vấn chọn nghề cần nâng cao nhận thức cho các em về nghề nghiệp.

Trường THPT Đakrông phối hợp với các trường ĐH, CĐ tư vấn nghề nghiệp cho học sinh.
Trường THPT Đakrông phối hợp với các trường ĐH, CĐ tư vấn nghề nghiệp cho học sinh.

Giúp học sinh hiểu về nghề trước khi lựa chọn

Huyện Đakrông thuộc địa bàn miền núi, điều kiện kinh tế nhiều khó khăn của tỉnh Quảng Trị. Đa số người dân nơi đây là đồng bào Vân Kiều, Pa Kô, cuộc sống chủ yếu dựa vào làm nương rẫy.

Sau khi rời các trường phổ thông, số ít học sinh theo học cao đẳng, đại học, còn lại đa số các em rơi vào thất nghiệp, hoặc không chọn được nghề phù hợp cho mình.

Những năm gần đây, nhờ chú trọng công tác giáo dục hướng nghiệp trong các trường phổ thông đã mở ra cơ hội cho học sinh trong việc lựa chọn ngành nghề.

Theo thầy giáo Nguyễn Phương Nam – Bí thư Đoàn trường THPT Đakrông, việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh là nhiệm vụ quan trọng với đoàn trường. Đối với học sinh vùng đồng bào dân tộc, sau khi rời trường trung học các em ít vào đại học hay tiếp tục học cao hơn, mà đa phần chưa xác định hướng đi, hay chọn đi làm. Trong khi đó, đi lao động phổ thông hiện nay cũng có nhiều hướng, làm trong nước hoặc ra nước ngoài, học nghề hay vừa học vừa làm.

“Các em chưa biết lựa chọn hướng đi nào cho mình do đa số học sinh là con em đồng bào dân tộc, trình độ dân trí chưa cao, tác động của bố mẹ, gia đình, điều kiện sống ở bản làng... Do đó, việc định hướng nghề nghiệp cho các em rất quan trọng”, thầy Nam chia sẻ.

Theo thầy Nam, Đoàn trường THPT Đakrông đã xây dựng nhiều chương trình mới, như chương trình “đánh thức đam mê nghề nghiệp” giúp các em nhận thức rõ mình cần có nghề, cần có việc làm trong tương lai.

“Trước hết cần nâng cao nhận thức nghề nghiệp cho học sinh, sau mới cung cấp cho các em ngành nghề, hướng đi, nhu cầu ngành nghề hiện nay.Với cách làm như vậy sẽ phù hợp hơn đối với học sinh vùng miền núi”, thầy Nam cho hay.

Chú trọng hướng nghiệp cho học sinh

Thầy giáo Nguyễn Chí Thông – Hiệu trưởng Trường THPT Đakrông cho biết: Công tác hướng nghiệp trong trường học luôn được nhà trường chú trọng và bám sát thực hiện theo văn bản hướng dẫn của Sở GD&ĐT, các đơn vị liên quan. Trong chương trình khối 10, học sinh được học 3 tiết trong tuần về trải nghiệm hướng nghiệp. Với chương trình lớp 11 và 12, mỗi tháng có 2 tiết hoạt động ngoài giờ lên lớp, 1 tiết giáo dục hướng nghiệp.

Nhà trường chú trọng công tác hướng nghiệp cho học sinh.

Nhà trường chú trọng công tác hướng nghiệp cho học sinh.

Nhà trường xác định có 2 hướng để hướng nghiệp cho học sinh có nguyện vọng thi vào đại học và nhóm các em học nghề, trung cấp và cao đẳng. Hàng năm, nhà trường xây dựng kế hoạch để tổ chức công tác hướng nghiệp cho các em, bao gồm giới thiệu học sinh những trang trắc nghiệm về nghề nghiệp. Phối hợp với Trung tâm GDTX huyện để hướng nghiệp dạy nghề; phối hợp các trường ĐH, CĐ để tư vấn hướng nghiệp cho học sinh.

Trong năm qua, nhà trường phối hợp với Trường Đại học khoa học Huế, Trường cao đẳng công nghiệp Huế, Trường cao đẳng nghề Quảng Trị và các trung tâm tư vấn XKLĐ được cấp phép để tư vấn hướng dẫn giúp các em có sự lựa chọn nghề nghiệp phù hợp.

Nhận thức được tầm quan trọng của công tác hướng nghiệp là một trong những yếu giúp cho học sinh có những quyết định đúng đắn sau khi tốt nghiệp THPT; trước đó, Trường THPT Đakrông phối hợp với Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế tổ chức buổi ngoại khóa về hướng nghiệp cho học sinh Khối 11 và 12 của nhà trường. Đây là chương trình giúp cho học sinh chọn ngành nghề phù hợp với năng lực, sở thích của bản thân, thu hút khoảng 300 học sinh tham gia.

Trong chương trình, các giảng viên của Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế đã trang bị cho học sinh một số kiến thức cần thiết để khám phá và nhận biết năng lực, sở trường cũng như những đam mê của bản thân; mặt khác giúp học sinh hiểu được bức tranh toàn cảnh về các ngành nghề của xã hội, xu hướng dịch chuyển của ngành nghề, những ngành nghề xã hội có nhu cầu, những ngành nghề sẽ dần biến mất, những ngành nghề mới sẽ phát sinh; hỗ trợ cho học sinh trong việc chọn ngành nghề phù hợp với năng lực của bản thân và nhu cầu lao động, việc làm của xã hội.

“Việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh đóng vai trò quan trọng, nhằm cung cấp cho các em cách nhìn về những ngành nghề có thể tham gia được trong thị trường lao động, những ngành nghề có thể học để phù hợp năng lực, khả năng của bản thân, giúp các em có sự lựa chọn hợp lý”, thầy Thông cho hay.

Cũng theo thầy Lê Chí Thông, một yếu tố khó khăn đối với học sinh là do nhận thức của các em về việc làm sau tốt nghiệp trung học phổ thông chưa được tốt. Hơn nữa, tính kỷ luật chưa cao nên khi tham gia các sàn tư vấn giới thiệu việc làm, dù được tuyển dụng nhưng sau đó không đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp; phụ huynh chưa có nhận thức cao cùng nhà trường trong định hướng nghề nghiệp cho học sinh.

Đối với nhóm học sinh có định hướng vào ĐH, CĐ thì ngay từ lớp 10, các em đã tập trung học tập để theo đuổi lựa chọn, ước mơ của mình.

Thầy giáo Nguyễn Tửu - Hiệu trưởng Trường THPT A Túc (huyện Hướng Hóa) chia sẻ: “Giáo dục hướng nghiệp là một trong những nhiệm vụ quan trọng đối với nhà trường. Trong quá trình học, nhà trường đặt ra mục tiêu tất cả học sinh đều tốt nghiệp lớp 12. Sau khi rời trường, những em nào không theo học các trường Đại học, cao đẳng thì có thể lựa chọn học nghề”.

Theo thầy Tửu, đa số học sinh theo học tại trường là con em đồng bào dân tộc, nhận thức của các em về nghề nghiệp chưa cao nên nhà trường đã chú trọng tư vấn, định hướng cho các em. Xác định việc học nghề dựa vào sở trường và nguyện vọng của học sinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tường thuật xổ số miền bắc siêu nhanh