Vấn đề quy hoạch phát triển GD theo các hướng khác nhau của toàn hệ thống GD sau cấp học phổ cập bắt buộc là nhằm định hướng phát triển nhân lực quốc gia phù hợp với năng lực của cá nhân.
Tạo cơ hội cho HS hiểu rõ năng lực của mình
Thống kê mới đây của Bộ GD&ĐT cho thấy: Tính riêng trong năm học 2010 - 2011, cả nước có khoảng 185.000 HS tốt nghiệp THPT nhưng không vào học ĐH, CĐ hoặc TCCN.
Năm học 2011 - 2012, con số này là 290.000. Đặc biệt số HS bỏ học và trượt tốt nghiệp THPT khá lớn: Năm học 2010 - 2011 có khoảng 163.000 HS, năm học 2011 - 2012 có khoảng 109.000 HS trượt tốt nghiệp và bỏ học giữa chừng. Cộng cả số HS tốt nghiệp THPT chưa tiếp tục học với số HS bỏ học và trượt tốt nghiệp hàng năm thì con số này khoảng 350.000 em.
Nếu những HS này được học nghề từ sớm thì hiệu quả kinh tế cao hơn. Hơn nữa nếu không thực hiện được phân luồng HS phổ thông, đặc biệt là sau THCS thì chúng ta có nguy cơ không có được một đội ngũ nhân lực đồng bộ về cơ cấu ngành nghề và trình độ để tiến hành CNH, HĐH đất nước.
Theo PSG.TS Đỗ Thị Bích Loan (Viện Khoa học GDVN), thực hiện phân luồng GD sẽ tạo sự phát triển cân đối về cơ cấu nguồn nhân lực.
Trên bình diện quốc gia, phân luồng GD nhằm điều chỉnh sự phân bố nguồn nhân lực cho phù hợp với yêu cầu của đất nước trong từng giai đoạn phát triển.
Nhân lực của một đất nước chỉ thực sự phát huy được tác dụng khi đội ngũ nhân lực của quốc gia được phát triển và phân bố một cách hợp lý, đồng bộ, phù hợp với nhu cầu của xã hội.
Mục tiêu hướng đến để mỗi cá thể được phát triển và được sử dụng một cách có hiệu quả đáp ứng được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong từng giai đoạn phát triển.
Để mọi HS có cơ hội tiếp cận giáo dục một cách phù hợp theo năng lực từng cá nhân thì công tác định hướng nghề phải được toàn xã hội quan tâm.
Trong hàng chục triệu HS, mỗi em có những thiên hướng, năng lực, sở trường, nguyện vọng và hoàn cảnh khác nhau. Vì vậy giúp HS hiểu rõ được năng lực của mình sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho mỗi HS có cơ hội để lựa chọn cho mình một con đường phía trước.
Phân luồng GD tạo sự phát triển cân đối về cơ cấu nguồn nhân lực |
Định hướng nghề phải đi đôi với công tác phân luồng
Xu hướng phát triển giáo dục đến năm 2015 là chú trọng đến năng lực của người học. Việc phân luồng, định hướng nghề nghiệp cho HS ngay từ sau THCS và nhất là ở các lớp đầu cấp THPT sẽ giúp cho HS tự chọn cho mình con đường lập nghiệp phía trước dựa vào khả năng thực sự của chính mình.
Định hướng nghề nghiệp cho HS sau THCS phải đi đôi với việc đẩy mạnh công tác phân luồng. Điều này không phải là ép buộc những học sinh sau THCS yếu thế về học lực và hoàn cảnh kinh tế về phía những phương thức học tập bất lợi, mà là tạo ra phương thức học phù hợp và cơ hội học tập có hiệu quả đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng về nghề nghiệp của họ.
Thực hiện tốt công tác này một cách lành mạnh, đúng hướng thông thoáng sẽ nâng cao hiệu quả giáo dục và hiệu quả xã hội. Như vậy, phân luồng, định hướng cho học sinh sau THCS chẳng những không làm triệt tiêu các cơ hội học lên của học sinh, mà còn đa dạng hoá phương thức học, luồng học, tạo điều kiện thích hợp cho mọi đối tượng.
Hiện tại Việt Nam đang thực hiện phổ cập giáo dục THCS. Sau giáo dục THCS hệ thống giáo dục được phân thành 2 luồng: Luồng giáo dục phổ thông và luồng giáo dục kỹ thuật nghề nghiệp.
Bên cạnh hệ thống giáo dục chính quy, còn có hệ thống giáo dục thường xuyên. Như vậy, sau khi tốt nghiệp THCS, tùy theo năng lực và nguyện vọng của mình, học sinh có thể đi vào 4 luồng sau: Học tiếp lên THPT; học bổ túc THPT; học nghề hoặc TCCN; tham gia vào thị trường lao động.
Học sinh tốt nghiệp THPT có thể đi vào 3 luồng là: Vào học CĐ, ĐH; vào học TCCN và DN; tham gia thị trường lao động. Khi các em đã xác định được năng lực nổi trội của mình và được định hướng nghề nghiệp cụ thể, các em sẽ có sự chuẩn bị tốt cho hành trang cuộc sống của mình trong tương lại.
Trong Chiến lược phát triển giáo dục 2011 - 2020, đã nêu rõ mục tiêu cụ thể đến 2020 là: "Có 80% thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ học vấn THPT và tương đương; Hoàn thiện cơ cấu hệ thống giáo dục nghề nghiệp và đại học; điều chỉnh cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo; các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có đủ khả năng tiếp nhận 30% số học sinh tốt nghiệp THCS; Phát triển giáo dục thường xuyên tạo cơ hội cho mọi người có thể học tập suốt đời, phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện của mình; bước đầu hình thành xã hội học tập". (Chiến lược phát triển giáo dục 2011 - 2020 QĐ số 711/QĐ-TTg ngày 13/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ) |