Những chính sách ưu việt cho người khuyết tật
Tư tưởng, chủ trương và các chính sách về công bằng xã hội trong giáo dục, giáo dục cho mọi người và giáo dục hòa nhập đã được Đảng, Nhà nước, Bộ GD&ĐT và các Bộ Ngành có liên quan chú trọng, thúc đẩy và hỗ trợ xuyên suốt nhiều năm qua.
Việt Nam không chỉ thực hiện được phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở - mà đặc biệt là các nhóm đối tượng thiệt thòi, nhóm trẻ em và người học có nhu cầu đặc biệt, người học khuyết tật đã được tiếp cận giáo dục ở tất cả các cấp bậc học, ngành học. Giáo dục trẻ khuyết tật không còn là vấn đề nhân đạo mà đã chuyển sang tiếp cận Quyền của người khuyết tật. Việc trẻ em, người khuyết tật theo học ở trường mầm non, trường phổ thông hòa nhập đã trở thành một thực tế phổ biến.
Đại diện Tổ chức CBM cũng cho biết: Tổ chức CBM đã hỗ trợ các tổ chức đối tác vận động cho Giáo dục hòa nhập như là giải pháp phù hợp nhất dành cho người học là người khuyết tật. Chiến lược chương trình của CBM toàn cầu 2013-2018 cũng đảm bảo mục tiêu Người khuyết tật tiếp cận các dịch vụ chăm sóc y tế, giáo dục và sinh kế được cải thiện.
Hành trình hòa nhập cho tất cả mọi người tập trung vào giáo dục hòa nhập là đảm bảo Không ai bị bỏ lại phía sau, thực hiện đúng Công ước quốc tế về Quyền của người khuyết tật (2006) và Chương trình 2030, mục tiêu số 4 trong các Mục tiêu phát triển bền vững.
Quang cảnh Hội thảo chung |
Cần các giải pháp xây dựng chính sách Giáo dục hòa nhập
Hội thảo “Chính sách về Giáo dục hòa nhập: Thực tiễn và sự thúc đẩy ở Việt Nam” nhằm hướng đến các mục đích: Tạo diễn đàn trao đổi về chính sách về giáo dục hòa nhập giữa các bên liên quan như Bộ, Sở, ban gành bao gồm Bộ GD&ĐT, Y tế, Lao động-Thương binh và Xã hội, các hội và hiệp hội quốc gia, địa phương, các câu lạc bộ của người khuyết tật, hội cha mẹ người khuyết tật; các chuyên gia từ các viện nghiên cứu, các trường đại học, cao đẳng trong và ngoài nước; các trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập địa phương;….
Tại đây các đại biểu chia sẻ cách tiếp cận trong xây dựng chính sách về Giáo dục hòa nhập hiện hành, hiệu quả và thách thức của những chính sách này trong thực tiễn ở các nhà trường, cộng đồng, gia đình người khuyết tật, chính quyền địa phương và những cá nhân, tổ chức, đơn vị liên quan khác. Các Bộ, Ngành liên quan sẽ đưa ra các khuyến nghị đối với Bộ GD&ĐT để bổ sung, tăng cường và xây dựng các chính sách về Giáo dục hòa nhập trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Đức Hữu, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục Tiểu học Bộ GD&ĐT bày tỏ hi vọng sau Hội thảo này sẽ có được những phản ánh thực tiễn sát hợp, những cách tiếp cận mới và các bài học quý, và đặc biệt là các khuyến nghị chính sách mới để Bộ Giáo dục và Đào tạo có thêm cơ sở cho định hướng và kế hoạch hành động Giáo dục hòa nhập giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo.