Đọc diễn văn tại Lễ kỷ niệm, PGS. TS, Tổng biên tập Báo Đại biểu Nhân dân Đỗ Chí Nghĩa đã điểm lại những dấu mốc quan trọng trong lịch sử 30 thành lập của Tờ báo duy nhất của cơ quan dân cử Việt Nam.
Ngày 5/10/1988, Hội đồng Nhà nước đã ban hành Quyết định số 96/HĐNN, chính thức thành lập Tạp chí Người đại biểu Nhân dân, bắt đầu hành trình tờ báo của cơ quan dân cử. Đến năm 2009, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng đã ký Nghị quyết số 816/2009/UBTVQH12 nâng cấp và đổi tên Báo Người đại biểu Nhân dân thành Báo Đại biểu Nhân dân, là báo loại 1, cấp Tổng cục.
30 năm qua, Báo có bước trưởng thành vượt bậc, từ một tờ tạp chí nay Đại biểu Nhân dân đã có nhiều ấn phẩm như báo in ra hàng ngày, Chuyên đề Dân tộc thiểu số và miền núi và Báo Điện tử.
Bên cạnh nâng cao chất lượng chuyên môn, Báo còn nỗ lực triển khai nhiều hoạt động xã hội - từ thiện, tổ chức nhiều diễn đàn, hội thảo có ý nghĩa, được dư luận ghi nhận, đánh giá cao. Tổng số tiền làm từ thiện xã hội những năm qua lên tới nhiều tỷ đồng, tạo sự lan tỏa và hiệu ứng tốt đẹp.
Báo Đại biểu Nhân dân đã hợp tác giúp Tạp chí Phouthen Pasaxon của Lào xuất bản các số báo định kỳ và nâng cấp thành tuần báo Phouthen Pasaxon. Báo đã đào tạo về nghiệp vụ cho gần 100 lượt cán bộ quản lý báo chí, phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên, hỗ trợ đồng bộ nhiều thiết bị giúp Báo Phouthen Pasaxon.
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu tại Lễ kỷ niệm |
Tại Lễ kỷ niệm, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển biểu dương những kết quả mà Báo Đại biểu Nhân dân đã đạt được trong 30 năm qua, đồng thời nhấn mạnh: Năm 2018 là năm thứ 3 của nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIV và HĐND nhiệm kỳ 2016 - 2021. Quốc hội, HĐND các cấp đang tiếp tục đổi mới trong hoạt động để xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, để có những quyết sách đúng, kịp thời nhằm hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Vì thế, Báo Đại biểu Nhân dân cần tiếp tục phát huy sáng tạo, đổi mới để bảo đảm thông tin về hoạt động đầy đủ, kịp thời, chuyên sâu và thu hút hơn.