Thói quen sinh hoạt thay đổi
Ngày Tết, trẻ mới thi học kỳ xong và được nghỉ dài. Đây cũng là lúc cha mẹ tất bật chuẩn bị cho việc mua sắm, dọn dẹp nhà cửa có thể xao nhãng đến việc chăm sóc con. Trong khi đó, thường thì ngày Tết trẻ bị hụt bữa vì ăn vặt liên tục, thường xuyên ăn kẹo, bánh, uống nước ngọt, nước có ga khiến bụng lúc nào cũng lưng lửng, từ đó dẫn đến tình trạng biếng ăn.
Vào ngày Tết, trẻ em được nghỉ dài, thoải mái ăn các món yêu thích, ngủ muộn, xem tivi nhiều hơn. Vì vậy, cha mẹ cần lưu ý để cân bằng dinh dưỡng, bảo đảm sức khỏe cho trẻ có kỳ nghỉ lễ vui vẻ trước khi trở lại trường.
Ngoài ra, thời gian sinh hoạt không điều độ, có lúc phải thức quá khuya khiến trẻ giảm khả năng đề kháng của cơ thể và có thể bị rối loạn tiêu hóa. Các món ăn ngày Tết thường nhiều chất đạm, chất béo, đường bột... không tốt cho hệ tiêu hóa của trẻ nhỏ. Cộng thêm lịch trình du xuân, thăm hỏi họ hàng bận rộn cùng tâm lý “để con thoải mái dịp Tết” của cha mẹ, trẻ nhỏ lại càng dễ gặp các vấn đề liên quan đến tiêu hóa.
Bác sĩ Lê Hồng Nhung - Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) cho hay, cứ vào dịp Tết, nếp sống và các món ăn tại các gia đình thay đổi. Việc dùng những món ăn đặc trưng của Tết cùng với thức ăn lưu giữ lâu ngày trong tủ lạnh có thể gây bệnh cho mọi người, nhất là trẻ em. Rối loạn tiêu hóa là bệnh thường gặp nhất.
Biểu hiện ở trẻ rất đa dạng, phụ thuộc vào lứa tuổi và nguyên nhân gây bệnh. Trẻ nhỏ có thể quấy khóc, biếng ăn, nôn trớ, chướng bụng, tiêu chảy. Trẻ lớn có thể đau bụng, đầy hơi, khó tiêu, nôn ói, táo bón hay tiêu chảy.
Trẻ có thể đau không liên tục, thường liên quan đến bữa ăn, có thể khởi phát với một loại thức ăn nhất định như sữa, thức ăn nhiều chất béo… Vị trí đau thường ở vùng thượng vị hoặc quanh rốn. Bên cạnh đó, bụng trẻ căng hơn bình thường, nhất là tại vùng thượng vị.
Khi gõ vào thành bụng nghe tiếng vang. Triệu chứng đầy bụng và chướng bụng là do thức ăn chậm di chuyển trong ống tiêu hóa. Trẻ có cảm giác buồn nôn khi đang ăn hoặc sau khi ăn một thời gian ngắn. Chất ói thường là thức ăn còn nguyên hoặc thức ăn chưa tiêu hóa hết.
Trẻ còn có thể bị tiêu chảy. Đó là khi trẻ đi phân lỏng từ 3 lần trở lên trong một ngày. Tiêu chảy cấp thường hết sau 5 - 7 ngày. Một số trường hợp trẻ bị tiêu chảy kéo dài, dẫn đến mất nước và có nguy cơ tử vong. Do đó, các trường hợp này cần đến khám tại các cơ sở y tế.
Tăng sức đề kháng cho con
Để hệ tiêu hóa của trẻ khỏe mạnh và phòng tránh các bệnh dễ mắc trong kỳ nghỉ Tết, bác sĩ Lê Thu Phương - Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) chia sẻ cách giúp cha mẹ giảm căng thẳng trong việc chăm sóc con:
Dùng bữa đúng giờ: Bố mẹ cần có kế hoạch để chủ động sắp xếp cân bằng công việc và chăm sóc con, duy trì bữa ăn đều đặn, tránh lúc ăn sớm, khi lại ăn muộn. Bởi, ăn đúng giờ giúp hệ thần kinh và hệ tiêu hóa hoạt động tăng tiết men, làm cho trẻ biếng ăn thấy ngon miệng hơn. Hạn chế ép khi con không chịu ăn, thay vào đó, mẹ nên cho trẻ ngồi vào bàn, dùng bữa cùng gia đình để tạo không khí vui vẻ.
Nên bảo đảm cho trẻ ăn đủ ba bữa chính, quan trọng nhất là bữa buổi sáng. Nếu trẻ dưới 3 tuổi thì cả nhà chịu khó ăn nhiều món mềm như cháo, bún, phở, miến, bánh cuốn… Trẻ lớn có thể ăn bánh chưng thay cơm, hay trẻ nhỏ có thể ăn bún, ăn mì thay cháo.
Trong trường hợp bận không thể nấu canh, gia đình có thể cho trẻ ăn các loại củ quả để thay thế. Cần hạn chế ăn vặt đặc biệt là trước bữa ăn chính và nên được tính toán bù trừ trong khẩu phần của trẻ để tránh rối loạn tiêu hóa và béo phì sau khi ăn Tết.
Kiểm soát thức ăn: Phụ huynh thường mua nhiều quà bánh... để biếu tặng người thân, bạn bè dịp Tết hoặc được cho, tặng nên trẻ dễ mè nheo đòi ăn. Dùng các loại bánh, nước ngọt trước bữa ăn khiến bé dễ bị no ngang, ăn không ngon, làm cho tình trạng lười ăn nặng hơn. Do đó, cha mẹ nên kiểm soát thực phẩm trước khi đưa vào cơ thể con.
Với trẻ biếng ăn, cho con dùng những món khoái khẩu giúp con ăn nhiều hơn. Tuy nhiên, nếu cứ nuông chiều theo ý thích của trẻ trong thời gian dài dễ dẫn đến thiếu hụt dưỡng chất. Trong bữa ăn, nên có ít nhất một món bé thích và nhiều món mẹ chuẩn bị để đa dạng thực phẩm, đồng thời bổ sung nguồn thức ăn từ các chất xơ hòa tan thông qua rau củ quả.
Đề phòng tiêu chảy: Vào ngày Tết các gia đình bận việc thường nấu luôn 2 - 3 bữa cho con, không dùng thực phẩm tươi. Hoặc trữ nhiều thực phẩm trong tủ lạnh, đồ sống, đồ chín để chung dễ lây nhiễm vi khuẩn chéo, khiến trẻ ăn vào bị rối loạn tiêu hóa. Những trẻ ăn nhiều kẹo chứa nhiều đường bột, khi tiêu hóa không hết sẽ lên men chua, gây đầy bụng, khiến trẻ bị tiêu chảy, đi ngoài phân chua, có bọt. Trẻ sẽ thấy khó chịu, tấm tức.
Ngoài ra, khó tiêu hóa thức ăn hoặc dị ứng thực phẩm cũng có thể gây ra tiêu chảy, có thể nhận biết mình bị tiêu chảy thông qua những dấu hiệu lâm sàng sau đây: Phân lẫn máu, mất nước, đau bụng, đầy hơi, sốt. Ngày Tết thường bị tiêu chảy bởi thói quen ăn uống liên tục, cùng với các loại thức ăn để qua ngày, bảo quản chưa phù hợp là tác nhân gia tăng khả năng bị nhiễm trùng, rối loạn tiêu hóa.
Giúp trẻ có hệ tiêu hóa khỏe mạnh: Hệ tiêu hóa ở trẻ nhỏ chưa hoàn thiện nên với các loại thức ăn nhiều đạm, béo ngày Tết khiến trẻ không hấp thu và tiêu hóa được hết dẫn đến đầy bụng, khó tiêu, có thể bị tiêu chảy hoặc táo bón.
Do đó, cha mẹ cũng nên bổ sung cho con vi sinh, giúp cân bằng hệ tiêu hóa, giảm nguy cơ rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy. Một điểm khác cần lưu ý là Tết, trẻ thường ham chơi khiến cơ thể dễ bị mất nước. Cha mẹ nên chú ý cho bé uống nước đầy đủ.
Dự trữ rau xanh: “Mâm cao cỗ đầy” là cảnh thường xuất hiện trong mỗi dịp Tết, bên cạnh đó, bánh kẹo, nước ngọt, mứt, đồ chiên rán… đều là những món ăn ngon “mời gọi” trẻ. Những loại thực phẩm này không chỉ dẫn tới tình trạng đầy bụng, khó tiêu, mà còn khiến trẻ tăng nguy cơ mắc một số bệnh liên quan khác như béo phì, viêm ruột cũng như một số bệnh về tim mạch, thần kinh khác…
Để giúp trẻ cân bằng các chất trong cơ thể trong những ngày Tết, bố mẹ nên có kế hoạch dự trữ rau xanh để bổ sung hằng ngày cho con bởi rau xanh là thực phẩm cung cấp lượng vitamin và chất xơ cao cho cơ thể, giúp trẻ cải thiện và phòng ngừa được các vấn đề tiêu hóa, trong đó có táo bón, đầy hơi, chướng bụng…
Loại bỏ thức ăn đóng hộp: Thức ăn đóng hộp có ưu điểm là nhanh, tiện, không tốn thời gian chế biến. Tuy nhiên, điều này cũng đem đến những mặt hạn chế như không đảm bảo dinh dưỡng, không an toàn. Hơn nữa, với hệ tiêu hóa còn non yếu như của trẻ nhỏ, việc cha mẹ tích trữ đồ ăn đóng hộp dễ khiến bé bị rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy.
Do đó, hãy nói không với đồ ăn đóng hộp trong Tết này. Gia đình có thể mua thực phẩm tươi sống và chế biến qua rồi để ngăn mát tủ lạnh ăn tối đa trong 2 ngày nếu quá bận. Bởi theo các chuyên gia dinh dưỡng, thức ăn để lâu trong tủ lạnh có nguy cơ bị biến chất, hoặc nhiễm khuẩn. Điều này ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe, nhất là đường tiêu hóa.
Nhiễm trùng đường tiêu hóa
Nguyên nhân của nhiễm trùng đường tiêu hóa là do thức ăn không đảm bảo vệ sinh hoặc ôi thiu gây nhiễm khuẩn đường ruột, đặc biệt nhiều trong ngày Tết. Phần lớn người bệnh bị nhiễm khuẩn đường ruột với biểu hiện điển hình là tiêu chảy hoặc một số triệu chứng khác gây biếng ăn, buồn nôn.
Để phòng ngừa nhiễm trùng đường tiêu hóa thường gặp trong ngày Tết, nên ăn uống điều độ, ăn chín, uống sôi, hạn chế dùng quá nhiều rượu, bia, nước uống có ga... Khi mắc bệnh phải đến cơ sở y tế khám để kịp thời cấp cứu và điều trị kịp thời tránh biến chứng trầm trọng.
Theo bác sĩ Lê Thu Phương, cách phòng ngừa bệnh tiêu hóa ngày Tết chủ yếu là sự kiểm soát tần suất ăn uống và đảm bảo vệ sinh thực phẩm trong mỗi bữa ăn. Theo đó, không nhất thiết phải nghiêm khắc đặt ra những quy định dinh dưỡng, vì điều này sẽ khiến ngày Tết trở nên căng thẳng hơn.
Tuy nhiên, cần lưu ý không ăn quá độ trong từng bữa ăn. Đồng thời, nên đảm bảo ăn các thức ăn được nấu chín kỹ, và không để dùng lại trong nhiều ngày. Điều này giúp giảm thiểu hấp thu các độc tố vào bên trong cơ thể, ảnh hưởng xấu đến hệ tiêu hóa.
Bác sĩ Lê Thu Phương cho biết: Nên hạn chế những thực phẩm chế biến sẵn, quá nhiều gia vị và dễ kích thích dạ dày. Ăn uống chậm rãi, hạn chế tối đa việc nuốt vội, không nhai kỹ thức ăn. Tăng lượng chất xơ, rau xanh trong mỗi bữa ăn. Uống đủ nước mỗi ngày. Không ăn những thực phẩm có các thành phần mà cơ thể dị ứng. Nghỉ ngơi và ngủ đủ giấc để giảm tình trạng căng thẳng, mệt mỏi của cơ thể. Cho trẻ mặc quần áo rộng rãi để trẻ được thoải mái hơn và quên đi cảm giác khó chịu ở bụng...