Tập thói quen lành mạnh
Theo chuyên gia, thanh quản là bộ phận phía trên cùng của cổ, có liên quan đến quá trình thở và khả năng phát âm, giúp thực hiện các hoạt động giao tiếp hàng ngày.
Viêm dây thanh quản nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách, bệnh sẽ tiến triển sang giai đoạn viêm thanh quản mạn tính. Khi đó, biến chứng có thể gặp phải là ung thư thanh quản. Bệnh nhân bị biến chứng ung thư thanh quản nếu không được điều trị sớm thì nguy cơ tử vong rất cao.
Bác sĩ Nguyễn Thị Phương, khoa Tai – Mũi – Họng (Bệnh viện Bạch Mai) chia sẻ, thông thường, thanh quản, hốc miệng, hốc mũi. Đặc biệt các xoang cạnh mũi là những bộ phận cộng hưởng âm thanh và tạo âm sắc.
Nhưng đối với những người thường xuyên phải nói nhiều như giáo viên thì khi giảng dạy liên tục, dây thanh quản rung và va chạm vào nhau với tần suất lớn sẽ làm niêm mạc thanh quản bị kích thích.
Điều này khiến dây thanh quản bị phù nề, sưng đau, lâu ngày sẽ bị xơ hóa. Vì vậy, dây thanh khó rung động, cộng hưởng âm kém dẫn tới tình trạng khản tiếng, đau họng, hụt hơi ở nhiều giáo viên.
Để có biện pháp điều trị đúng cách, trước hết người bệnh cần xác định đúng nguyên nhân gây viêm thanh quản. Thông thường, nguyên nhân phổ biến nhất là do sự xâm nhập và gây viêm của virus, vi khuẩn đường hô hấp trên.
Ngoài ra, các tác nhân gây nhiễm trùng hay kích thích khác như hít phải hóa chất độc hại, khói thuốc, trào ngược dạ dày – thực quản, uống nhiều rượu bia thuốc lá…
Thông thường, bác sĩ sẽ xem bệnh nhân bị nhiễm ở cấp độ nào để có hướng điều trị. Đối với người bị viêm họng thanh quản có triệu chứng khó thở, nếu bị thanh quản ở cấp độ I sẽ cần điều trị nội khoa.
Ở cấp độ II sẽ được điều trị bằng kỹ thuật mở khí quản cấp cứu. Đặc biệt với trường hợp bị khó thở thanh quản ở cấp độ III cần phải mở khí quản cấp cứu kết hợp với hồi sức tích cực.
Bác sĩ Nguyễn Thị Phương đã chia sẻ các giải pháp chữa đau họng, viêm thanh quản. Theo đó, với 3 biện pháp đơn giản từ chế độ sinh hoạt hàng ngày là ăn, uống, nghỉ ngơi thì khản tiếng đau họng sẽ không làm ảnh hưởng đến cuộc sống của mỗi người.
Nhằm chữa trị và phòng bệnh viêm thanh quản, bệnh nhân nên tìm cách tăng sức đề kháng cơ thể bằng cách ăn những thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất để bảo vệ niêm mạc họng. Cụ thể như ăn nhiều hành, tỏi, gừng, chanh giúp long đờm, giảm đau, hoặc những thực phẩm giàu Vitamin A và C tăng sức đề kháng…
Bác sĩ Phương cũng khuyến cáo, cần tập thói quen uống nhiều nước. Hiện, không chỉ người mắc viêm họng, viêm thanh quản nói riêng mà hầu hết mọi người thường ngại uống nước.
Nên uống nước ấm, nóng thay vì nước lạnh hoặc nước đá khi khát. Nước nóng có thể giúp giảm nhẹ triệu chứng cảm lạnh, tránh làm tổn thương thanh quản và họng. Luôn vệ sinh răng miệng, súc miệng bằng nước muối cho họng sạch sẽ hàng ngày.
Ngoài ra, các đồ uống nóng như cà phê, nước gừng, sữa ấm lại có công dụng vô cùng hiệu quả trong việc chữa viêm họng. Tính ấm của các đồ uống có thể xoa dịu vết thương ở cổ họng nhanh chóng và hiệu quả.
Điều trị tại nhà
Khi họng có dấu hiệu đau và viêm, thầy cô không nên nói nhanh, tần suất hoạt động của giọng nói cũng nên được giảm xuống. Nên để giọng nói nghỉ ngơi nhiều nhất có thể. Ví dụ như giờ ra chơi, hoặc khi về nhà thì cần hạn chế nói. Với những thầy cô có tiền sử bị đau họng, khản tiếng đã có chỉ định điều trị, cần thực hiện nghiêm túc, uống thuốc theo toa, đúng phác đồ kháng sinh được kê toa. Không được tự ý uống kháng sinh điều trị vì sẽ gây ra tình trạng kháng thuốc, bệnh khó khỏi hẳn. Bác sĩ Nguyễn Thị Phương
Ngoài ra, những người thường xuyên phải nói nhiều cần có những công cụ hỗ trợ giúp ích để hạn chế làm tổn thương dây thanh. Ví dụ, giáo viên có thể sử dụng các thiết bị hỗ trợ âm thanh trong quá trình giảng dạy như micro, loa...
Như vậy thầy cô sẽ tránh nói to vì sẽ rất dễ làm tổn thương họng, thanh quản. Nhiều bệnh nhân chia sẻ, khi mắc viêm họng, viêm thanh quản, họ thường áp dụng một số phương pháp đông y giúp giảm sưng và đau rát.
ThS Nguyễn Thị Hoa, phòng khám Đông y Tâm Đường cho biết, bệnh nhân có thể dùng các biện pháp dân gian như ngậm lát chanh muối, ngậm quất chưng đường phèn, uống nước ép từ giá đỗ sống... Ngoài ra có thể sử dụng những sản phẩm nguồn gốc thảo dược, an toàn, hiệu quả giúp thanh nhiệt, giải độc, tiêu đờm…
Trước khi sử dụng cần có khuyến cáo của bác sĩ đông y. Nhất là cần tìm hiểu về các sản phẩm có tác dụng phòng ngừa, hỗ trợ điều trị, giảm triệu chứng sốt, đau họng, khản tiếng, mất tiếng do viêm thanh quản, ngăn chặn bệnh tái phát.
“Một ly trà mật ong cũng giúp giảm sự đau rát cổ họng. Nếu khản tiếng, mất tiếng kéo dài, người bệnh cũng có thể dùng củ cải tươi giã hoặc ép lấy nước uống. Nếu không sợ mùi tỏi thì phối hợp với tỏi sẽ cho kết quả tốt hơn, tuy nhiên cũng không nên quá lạm dụng”, ThS Hoa nói.
Song song với các biện pháp trên, để điều trị hiệu quả, bệnh nhân viêm thanh quản cần đeo khẩu trang khi ra ngoài hoặc làm việc trong môi trường ô nhiễm.
Đồng thời, hạn chế phát âm quá to, quá nhiều. Đặc biệt, đối với trẻ em, cha mẹ cần lưu ý về viêm thanh quản vì có thể gây ra biến chứng phù nề thanh quản dẫn đến khó thở, nguy hiểm tính mạng của bé.
“Cách chữa viêm thanh quản tốt nhất là để bộ phận này được “nghỉ ngơi”, giảm bớt hoạt động dây thanh, nhờ đó bệnh dần thuyên giảm. Cùng với đó có thể sử dụng một số phương pháp điều trị tại nhà.
Đó là uống nhiều nước, tránh uống rượu và cafein, sử dụng máy tạo độ ẩm, súc miệng bằng dung dịch sát khuẩn hoặc dùng thuốc ngậm tại chỗ. Ngoài ra có thể tránh ở trong môi trường không khí khô, khói hoặc bụi, hạn chế nói nhiều, nói to, nói liên tục”, ThS Hoa nhấn mạnh.