Điều tiết tuyển sinh đầu cấp: Đảm bảo yếu tố liên cư, liên địa

GD&TĐ - Để giảm áp lực tuyển sinh đầu cấp, ngành Giáo dục các địa phương đề xuất phương án điều tiết học sinh giữa các trường theo hướng liên cư – liên địa.

Học sinh Trường Tiểu học Phước Long 1.
Học sinh Trường Tiểu học Phước Long 1.

Giải pháp trên vừa giúp kéo giãn sĩ số học sinh/lớp vừa đảm bảo nâng tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày. 

Đảm bảo an toàn cho học sinh

Trước khi xây dựng kế hoạch tuyển sinh đầu cấp, Phòng GD&ĐT Liên Chiểu (TP Đà Nẵng) đã làm việc với một số địa phương nằm trong kế hoạch “điều tiết”. Ông Nguyễn Thanh Lịch - Trưởng phòng GD&ĐT quận Liên Chiểu - cho biết: Qua rà soát để xây dựng kế hoạch tuyển sinh đầu cấp của các trường tiểu học trên địa bàn quận cho thấy, số học sinh lớp 9 ra trường vào năm học 2021 – 2022 ít hơn số học sinh lớp 6 tuyển mới của các trường. Số học sinh lớp 5 lên lớp 6 tăng hơn 450 học sinh và chủ yếu tập trung ở địa bàn tuyển sinh của Trường THCS Nguyễn Lương Bằng (phường Hòa Khánh Bắc).

Chính vì vậy, để đảm bảo cân bằng số học sinh đầu cấp giữa các trường, Phòng GD&ĐT Liên Chiểu đề xuất phương án điều tiết địa bàn tuyển sinh. Theo đó, sẽ điều tiết học sinh về Trường THCS Lương Thế Vinh thuộc phường Hòa Minh và Trường THCS Ngô Thì Nhậm ở phường Hòa Khánh Nam. Tuy nhiên, học sinh một số khu vực ở phường Hòa Minh sẽ không theo học ở Trường THCS Lương Thế Vinh mà điều tiết về Trường THCS Nguyễn Chơn. Bên cạnh đó, Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm thuộc phường Hòa Minh nhưng vẫn nhận học sinh ở phường Hòa Khánh Nam.

Phân luồng như vậy, theo ông Nguyễn Thanh Lịch sẽ hạn chế tối đa việc di chuyển qua đường Quốc lộ 1A và qua đường sắt Bắc – Nam. Nếu tuyển sinh đúng tuyến, có phụ huynh phải di chuyển từ đầu phường đến cuối phường để đưa con đi học. Nhưng nếu chuyển trái tuyến sang phường bên cạnh thì trường ngay sát nhà, phụ huynh đỡ mất nhiều thời gian di chuyển. Vì vậy, hộ khẩu chỉ là một yếu tố tham khảo trong tuyển sinh. “Để tạo sự đồng thuận, chúng tôi làm việc với các địa phương có học sinh thuộc diện điều tiết sang học ở phường khác nhằm xây dựng dự thảo. UBND quận sẽ chủ trì cuộc họp với đại diện địa phương để tháo gỡ vướng mắc nếu có” – ông Lịch cho biết.

Trường Tiểu học Trần Cao Vân (quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) năm học 2022 – 2023 này sẽ “gánh” việc tuyển sinh lớp Một cho 20 tổ dân phố vốn thuộc địa bàn tuyển sinh của Trường Tiểu học Điện Biên Phủ. Theo đó, những học sinh có địa bàn cư trú từ tổ 1 đến tổ 21 theo học tại Trường Tiểu học Trần Cao Vân. Trường Tiểu học Nguyễn Trung Trực sẽ tuyển sinh thêm số học sinh lớp Một cư trú ở các tổ dân phố lân cận để giảm áp lực cho Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm. 

Sân Trường Tiểu học Phước Long 2 rất dễ bị ngập nước.
Sân Trường Tiểu học Phước Long 2 rất dễ bị ngập nước.

Công bằng trong hưởng thụ giáo dục

Mới đây, phụ huynh có con ở độ tuổi chuẩn bị vào lớp Một ở phường Phước Long (Nha Trang, Khánh Hòa) rất lo lắng với phương án “xoay vòng”, “đảo chiều” do UBND phường này đề xuất trong tuyển sinh lớp Một. Theo đó, các tổ dân phố đã tuyển sinh trong tuyến thuộc Trường Tiểu học Phước Long 1 năm học này thì năm học tiếp theo sẽ thuộc tuyến tuyển sinh của Trường Tiểu học Phước Long 2 và ngược lại.

Việc “đảo chiều” trong tuyển sinh từng năm học, theo kết luận của UBND phường Phước Long nhằm tạo sự thống nhất, công bằng quyền và lợi ích của các hộ gia đình trên địa bàn phường. Phường Phước Long hiện có 2 trường tiểu học. Trong đó, Trường Tiểu học Phước Long 1 có quy mô và cơ sở vật chất khang trang hơn Trường Tiểu học Phước Long 2.

Nhiều phụ huynh băn khoăn với phương án “xoay vòng” tuyển sinh bởi dễ xảy ra tình trạng phụ huynh phải đưa đón con đi học với quãng đường khá xa. Cũng sẽ có trường hợp một gia đình phải đưa đón con ở 2 trường khác nhau cho dù đều đang học tiểu học. Được biết, phương án này của UBND phường Phước Long không gửi cho Phòng GD&ĐT Nha Trang tham khảo và cũng chưa từng có trong tiền lệ tuyển sinh đầu cấp.

Tình trạng quá tải học sinh tại các trường trung tâm, mất cân đối sĩ số học sinh, nơi thừa nơi thiếu… diễn ra khá phổ biến ở nhiều địa phương phần lớn xuất phát từ tâm lý “chọn trường, chọn cô” của phụ huynh. Giải pháp điều hòa chất lượng được ngành Giáo dục sử dụng là luân chuyển giáo viên và đầu tư cơ sở vật chất, rút ngắn sự chênh lệch trong điều kiện dạy – học giữa các trường. Đơn cử như câu chuyện tuyển sinh đầu cấp của Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng).

Tuyển sinh không đủ so với chỉ tiêu được giao là câu chuyện lặp đi lặp lại trong nhiều năm của nhà trường. Năm học nào, trường cũng “mất” khoảng 2 lớp Một do học sinh trên địa bàn chuyển sang trường khác. Trong khi đó, chỉ cách Trường Tiểu học Võ Thị Sáu khoảng 3 - 5km, các trường tiểu học như Hoàng Văn Thụ, Phan Thanh và Phù Đổng luôn trong tình trạng vỡ chỉ tiêu tuyển sinh.

Ngoài việc phụ huynh muốn con em học ở những trường trung tâm, còn phải kể đến vị trí Trường Võ Thị Sáu không thuận lợi cho việc đưa đón con em, do ngược đường với nơi làm việc của phụ huynh. Phần lớn học sinh ở đây là con em của gia đình có điều kiện khó khăn, con ngư dân, con của gia đình hộ trú ở các tỉnh, thành khác đến Đà Nẵng tạm trú làm ăn…

Để “giữ chân” học sinh trong tuyến theo học tại trường, Ban giám hiệu Trường Tiểu học Võ Thị Sáu nỗ lực trong nâng cao chất lượng đại trà và mũi nhọn, đẩy mạnh các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm. UBND quận Hải Châu tập trung đầu tư cơ sở vật chất, đầu tư thiết chế tập luyện thể dục thể thao, xây dựng trường học theo hướng khang trang, hiện đại. Nhờ những nỗ lực như vậy, số học sinh của phường theo học trái tuyến tại các trường tiểu học khác chỉ còn khoảng 30 - 45 học sinh/năm.

Mọi học sinh đều có quyền bình đẳng về điều kiện và cơ hội học tập. Đương nhiên là không nên và không thể đòi hỏi công bằng tuyệt đối, nhưng ít nhất, cũng đảm bảo cho các em đều được học tập trong những ngôi trường khang trang như nhau, ít nhất là về hệ quy chiếu của trường chuẩn quốc gia. Chính vì vậy, theo đại diện lãnh đạo Phòng GD&ĐT Nha Trang dù địa phương được trao quyền chủ động trong việc phân tuyến tuyển sinh, nhưng phải đảm bảo đúng nguyên tắc học sinh đi học ở trường có cự ly gần nhất, thuận tiện và an toàn nhất. Công bằng trong hưởng thụ giáo dục với học sinh trong độ tuổi tiểu học ở phường Phước Long là việc đề xuất đầu tư cơ sở vật chất để rút ngắn khoảng cách về các điều kiện dạy – học giữa hai trường, chứ không phải là điều tiết một cách cơ học, kéo theo nhiều xáo trộn không đáng có. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ