Điều kiện hưởng lương hưu

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Tuần này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp Phiên thứ 25, trong đó cho ý kiến lần đầu tiên vào dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Một trong những đề xuất mới của Chính phủ tại dự Luật này, sẽ tác động đến toàn bộ người tham gia bảo hiểm xã hội, đó là giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng lương hưu. Theo đó, người lao động chỉ phải đóng 15 năm thay vì 20 năm như quy định hiện hành.

Mục đích là nhằm tăng tính hấp dẫn của bảo hiểm xã hội với người lao động, giúp tăng tỷ lệ bao phủ đối tượng thụ hưởng trong trung và dài hạn; đồng thời cải thiện tính công bằng, đặc biệt với lao động có thu nhập thấp và không thường xuyên.

Quá trình thảo luận về vấn đề này có hai luồng ý kiến. Một số đồng tình với đề xuất của Chính phủ. Ngược lại, một số muốn giữ nguyên thời gian đóng 20 năm để tiền lương hưu được nhận không quá thấp và cũng tạo sự hấp dẫn cho chế độ hưu trí về mức hưởng, bảo đảm mức sàn an sinh xã hội nhất định.

Hơn nữa, theo dự thảo Luật, “bản chất” của việc giảm số năm từ 20 xuống 15 năm chỉ áp dụng với nam giới, kèm theo đó là giảm mức hưởng của nam giới xuống còn 33,75%; còn với nữ giới, thời gian đóng vẫn là 15 năm và mức hưởng là 45%. Như vậy có phải là thay đổi về phương thức tính lương hưu không và có bảo đảm tính công bằng, chia sẻ trong hệ thống bảo hiểm xã hội?

Có thể thấy, giảm số năm tối thiểu đóng bảo hiểm xã hội xuống còn 15 năm là phù hợp với quan điểm định hướng của Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.

Phương án này sẽ tạo điều kiện, thu hút nhóm người lao động cao tuổi (45 - 55 tuổi), thậm chí kể cả với một số nhóm đối tượng đã hưởng bảo hiểm một lần có thể tham gia hoặc quay lại tham gia để được hưởng lương hưu.

Bên cạnh đó, phương án này rất cần thiết để khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian, chờ nhận lương hưu khi đến tuổi quy định thay vì ồ ạt rút bảo hiểm một lần như trong thời gian qua.

Những lao động chỉ đóng bảo hiểm xã hội 15 năm sẽ hưởng mức lương hưu khiêm tốn hơn so với những người có thời gian đóng dài hơn. Dù vậy, việc có một khoản thu nhập ổn định hàng tháng, định kỳ được Nhà nước điều chỉnh, và trong thời gian hưởng lương hưu còn được Quỹ Bảo hiểm xã hội đóng bảo hiểm y tế, khi mất có chế độ tiền tuất - sẽ góp phần bảo đảm tốt hơn cuộc sống khi về già của họ.

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) dự kiến sẽ được Quốc hội cho ý kiến lần đầu trong Kỳ họp tháng 10 tới đây và xem xét thông qua vào tháng 5/2024. Bước đầu, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội – cơ quan thẩm tra dự thảo Luật – tán thành với hướng giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để hưởng lương hưu xuống 15 năm.

Dù vậy, để thuyết phục các đại biểu Quốc hội, Chính phủ cần phải giải trình kỹ lưỡng, thuyết phục trên các khía cạnh như: Việc thay đổi này ở cả khía cạnh nguyên tắc đóng - hưởng; chia sẻ của bảo hiểm xã hội; khía cạnh kinh tế của vấn đề hay việc thay đổi quan điểm về mức sàn an sinh xã hội tối thiểu ra sao khi sửa đổi luật lần này và liệu có tạo điều kiện cho người lao động nhiều lần rút bảo hiểm một lần hay không?

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ