Tôi năm năm nay 45 tuổi, là giáo viên Pắc Khuông vùng sâu, vùng xa ở vùng đặc biệt khó. Hiện tôi đã đóng bảo hiểm được 27 năm. Bản thân tôi có bệnh như viêm họng mãn tính, mắt kém, tiểu đường, khớp xương. Trường hợp của tôi muốn về hưu trước tuổi có được không? – Hoàng Thị Hương Giang
* Trả lời:
Theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 50 Luật Bảo hiểm xã hội(BHXH) thì người lao động có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên được hưởng lương hưu khi nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi;
Về điều kiện nghỉ hưu trước tuổi:
Điều kiện hưởng lương hưu trước tuổi, khi suy giảm khả năng lao động được quy định tại Điều 51, Luật BHXH và hướng dẫn tại Điều 27, Nghị định 152/2006/NĐ-CP ngày 22/12/2006 của Chính phủ như sau:
Người lao động đã đóng BHXH đủ 20 năm trở lên, bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên, được hưởng lương hưu với mức thấp hơn so với mức lương hưu của người đủ điều kiện (quy định tại Điều 50 Luật BHXH và Điều 26, Nghị định này) khi nam đủ 50 tuổi trở lên, nữ đủ 45 tuổi trở lên;
Đối với trường hợp có đủ 15 năm trở lên làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thì không kể tuổi đời.
Hồ sơ giám định mức suy giảm khả năng lao động như sau:
Theo quy định tại khoản 3, Điều 5, Thông tư số 07/2010/TT-BYT ngày 5/4/2010 của Bộ Y tế hướng dẫn việc giám định mức suy giảm khả năng lao động của người lao động tham gia BHXH bắt buộc, thì hồ sơ giám định lần đầu gửi đến Hội đồng giám định y khoa cấp tỉnh tiến hành giám định mức suy giảm khả năng lao động để thực hiện chế độ hưu trí trước tuổi gồm:
- Giấy giới thiệu của người sử dụng lao động. Trường hợp người lao động đang bảo lưu thời gian đóng BHXH, cơ quan BHXH cấp tỉnh cấp giấy giới thiệu theo mẫu quy định;
- Giấy đề nghị giám định theo mẫu quy định ;
- Tóm tắt hồ sơ của người lao động theo mẫu quy định.
Căn cứ vào quy định trên, bạn có thể đối chứng với điều kiện hoàn cảnh, sức khỏe của mình để đề xuất nguyện vọng chính đáng.