Điêu khắc tượng vườn: Ngổn ngang trăm mối

GD&TĐ - Vườn tượng là một không gian điêu khắc, vừa là một công viên nghỉ ngơi giải trí, đồng thời mang tính một bảo tàng nghệ thuật ngoài trời. Tuy nhiên, những tác phẩm điêu khắc tượng vườn hiện nay dường như chưa được quan tâm đúng mức.

Điêu khắc tượng vườn: Ngổn ngang trăm mối

Vườn tượng điêu khắc xuống cấp

Tại công viên Bách Thảo (Hà Nội) có một khu vực trưng bày những tác phẩm điêu khắc nghệ thuật do các nghệ sĩ trong và ngoài nước thực hiện từ năm 1997. Đến nay, nhiều bức tượng đã bị xuống cấp, hư hỏng nứt vỡ, hoen rỉ.

Ở nước ta không ít vườn tượng đã xuất hiện như vườn tượng bên hồ Gươm, vườn tượng tại trung tâm thành phố Việt Trì (Phú Thọ), vườn tượng bên bờ sông Hương (TP Huế), vườn tượng tại công viên Tao Đàn (TPHCM), vườn tượng Đà Lạt…

Có thể nói các bức tượng được đặt trong không gian mở, dễ bị tác động bởi thời tiết mưa nắng thất thường, nhưng đồng thời ai cũng có thể chiêm ngưỡng và rất dễ bị xâm hại. Nhiều du khách có thể vẽ bậy, chụp ảnh với những hình ảnh phản cảm. Đa số các vườn tượng đang xuống cấp, hư hại và ít được quan tâm.

Việc đưa các tác phẩm điêu khắc vào không gian công cộng là nhu cầu cấp thiết nhằm góp phần mang lại diện mạo hiện đại, văn minh hơn. Chúng ta đang hướng tới lối sống hòa hợp với thiên nhiên và đó là một truyền thống bền chắc đáng quý và hợp với xu hướng thời đại, như là một sự cân bằng cần có trong giai đoạn tác động đô thị hóa mau chóng hiện nay. Tuy nhiên, sau gần một thập kỷ làm quen, những bất cập của tượng vườn nói chung và điêu khắc ngoài trời nói riêng có khá nhiều vấn đề đáng bàn.

Thực trạng thường gặp là sự lặp lại đến nhàm chán về chủ đề, môtíp, kiểu thức trang trí. Nhiều nhất là chủ đề mẫu tử, tình yêu, chăn trâu thổi sáo, rồi các môtíp như gà, cá, trứng, nón, bàn tay, bàn chân, khoả thân... thường xuất hiện trong các vườn tượng.

Bên cạnh đó, sự sắp đặt quần thể tượng trong vườn trưng bày sau khi kết thúc mỗi trại sáng tác dường như chưa được quan tâm đúng mức. Tác phẩm được chọn lọc không thực sự nghiêm túc, khắt khe nên hiệu quả sử dụng kém, thậm chí phản tác dụng.

Cần chăm sóc, bảo quản chu đáo

Theo họa sĩ Nguyễn Thiện Đức, Trưởng Khoa Mỹ thuật ứng dụng, Trường Đại học Nghệ thuật Huế, chúng ta không thể hoàn toàn trách sự vô ý thức hay xâm hại của con người với các tác phẩm nghệ thuật này, bởi chúng luôn được trưng bày trong không gian mở, mà chúng ta cũng nên tự trách sự thiếu chăm sóc, bảo vệ cần thiết như hiện nay. Ở các nước trên thế giới, tượng điêu khắc nơi công cộng, để ngoài trời dù lớn hay bé đều được quan tâm chăm sóc, bảo quản chu đáo. Các hành vi phá hoại, tác động, thay đổi hiện trạng… đều bị xem là phạm pháp, vì nó là tài sản của quốc gia.

Họa sĩ Nguyễn Thiện Đức cho rằng, nếu phát huy được giá trị, những vườn tượng “đúng nghĩa”, chúng sẽ đóng góp không nhỏ cho nhu cầu hưởng thụ và phát triển văn hóa - du lịch. Các vườn tượng sẽ trở thành những điểm nhấn nghệ thuật thú vị giữa cảnh quan thiên nhiên và không gian đô thị. Chúng sẽ trở thành những gạch nối cần thiết kéo thiên nhiên và nghệ thuật đến gần với đời sống con người bằng cảm quan nghệ thuật cụ thể. Nên có sự quy hoạch với sự tham gia của những chuyên gia về thiết kế cảnh quan tạo sự hài hòa cần thiết để làm nên vẻ đẹp hòa hợp giữa nghệ thuật và thiên nhiên, giữa nhân tạo và thiên tạo.

Thiết nghĩ, điều mà điêu khắc hơn hội họa chính là sự hòa nhập với công chúng và tính bền vững của nó. Điêu khắc tác động vào giác quan một cách tự nhiên, không áp đặt, ngấm dần vào trí óc con người và tăng khả năng quan sát, phân tích về khối hình. Nếu một bức tượng nghệ thuật dễ hiểu, nó sẽ làm cho người ta cảm thấy thú vị. Từ những bất cập trên, đáng để các nhà điêu khắc tham khảo trong quá trình sáng tác tượng thích hợp với những vườn hoa ở Thủ đô, tránh sự lãng phí và đơn điệu bấy nay.

Không khó để nhận thấy những tác phẩm nghệ thuật bị bỏ quên như những cụm tượng ở công viên Thống Nhất, công viên Thủ Lệ, công viên Hàng Đậu… hàng chục năm nay, không nâng cấp, không đổi mới và phó mặc cho thời gian.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ