Điều ít biết về tuổi trẻ lẫy lừng của nghệ sĩ Chánh Tín

Điều ít biết về tuổi trẻ lẫy lừng của nghệ sĩ Chánh Tín

Những ngày qua, thông tin nghệ sĩ Chánh Tín đột ngột qua đời khiến giới nghệ sĩ và công chúng không khỏi bàng hoàng, thương xót.

Trong suốt 40 năm làm nghệ thuật, nghệ sĩ Chánh Tín đã để lại những dấu ấn sâu đậm trong lòng mọi người qua những tác phẩm, những vai diễn của ông. Đặc biệt trong đó là vai diễn kinh điển Nguyễn Thành Luân trong phim “Ván bài lật ngửa”.

Tuy nhiên, ít ai biết rằng vinh quang đã đến với ông ngay từ khi ông còn trẻ, lúc 18 tuổi với vai trò là một... ca sĩ.

Cơ hội, may mắn như đã sắp đặt sẵn từ trước, do một sự cố nhỏ nên chương trình thừa 5 phút. Lúc này đạo diễn chương trình đã yêu cầu Chánh Tín hát để bù khoảng trống đó. Trong lúc luống cuống, ông đã chọn 2 bài đơn ca là “Tìm nhau”, “Nghìn trùng xa cách” vốn là hai bài hát nổi tiếng nhất của nhạc sĩ Phạm Duy thời đó.

Chánh Tín từng kể rằng rằng, năm đó, ông đang học năm cuối cấp tại Trường trung học Mạc Đĩnh Chi, một ngôi trường nằm ở ngoại ô Sài Gòn.

Do có khiếu văn nghệ, nên ở trường ông là đinh văn nghệ trong những buổi diễn. Hôm đó có hội thi văn nghệ liên trường và Chánh Tín được nhà trường giao hát lĩnh xướng giọng nam cho trường ca “Hòn vọng phu”.

Đặc biệt, do bài hát nằm ngoài kế hoạch nên khi đó trên sân khấu rất trống và ban tổ chức phải chọn cách tắt hết đèn, chỉ để một vệt sáng rọi xuống gốc cây và Chánh Tín ngồi hát như độc thoại…

Rơi vào tình huống bất ngờ này, Chánh Tín bị hẫng, ông thấy mình không bình tĩnh nên xin một điếu thuốc lá. Thế là ông ngồi vừa hút thuốc, vừa hát như một người đàn ông từng trải đối diện với mất mát. Hát xong ông còn dụi dụi điếu thuốc dưới giày, trầm tư một lúc rồi sân khấu mới chìm vào bóng tối…

Vợ chồng nghệ sĩ Chánh Tín và bà Bích Trâm từng là cặp đôi ca sĩ nổi tiếng của Sài Gòn.
Vợ chồng nghệ sĩ Chánh Tín và bà Bích Trâm từng là cặp đôi ca sĩ nổi tiếng của Sài Gòn.

Sau đêm diễn “định mệnh” đó, khoảng 40 tờ báo của Sài Gòn đồng loạt đăng tin về “hiện tượng” người thể hiện bài hát“Nghìn trùng xa cách”; và hình ảnh người đàn ông trầm tư bên điếu thuốc đã đi vào lòng công chúng từ đó.

Từ đó, Chánh Tín trở thành một ca sĩ nổi tiếng khắp miền Nam. Không chỉ thế, khi được biết đến với vai trò ca sĩ cũng là lúc ông được nhiều đạo diễn mời tham gia đóng phim, mà toàn giao cho ông vai chính!

Năm 1973 là năm thực sự thành công và đáng nhớ của ông với Huy chương Vàng điện ảnh, lại được giải Kim Khánh về âm nhạc do 40 tờ báo hàng đầu Sài Gòn bình chọn.

Sau đó Chánh Tín tham gia vào đoàn kịch nói Bông Hồng, một đoàn kịch của Nhà nước. Và lần nữa Chánh Tín lại nổi đình nổi đám với kịch nghệ qua 5 vở kịch lớn nhất thời bấy giờ như: “Hoa sim vải trắng”, “Đôi bông tai”, “Đi xa”, “Cho tình yêu mai sau”, “Cánh cửa sổ mở rộng”.

Sau khi hợp tác với đoàn Bông Hồng thì ông mới bắt đầu đi đóng phim trở lại. Và cơ duyên của ông với vai diễn kinh điển trong “Ván bài lật ngửa” cũng đến từ đó.

Nghệ sĩ Chánh Tín của một thời hào hoa.
Nghệ sĩ Chánh Tín của một thời hào hoa.

Có một điều là khi nhắc về Chánh Tín, ít ai đề cập đến đó là việc ông là người có công làm sống dậy làng kịch nói Sài Gòn vào khoảng đầu những năm 90.

Khi ấy, làng kịch miền Nam đang trong tình trạng thoi thóp, sân khấu tắt đèn hàng đêm vì không có khách, nhà sản xuất chán nản, diễn viên tuyệt vọng, bỏ nghề.

Chánh Tín là người tập hợp anh em lại làm một vở kịch lớn mang tên “Tình nghệ sĩ” ở Nhà hát Hòa Bình. Vở kịch này ra đời trong tâm thế giống như dịp để anh em ngồi lại vui chơi thỏa thích một lần cuối rồi… đường ai nấy lo!

Thế nhưng không ngờ đó lại là vở kịch hồi sinh làng kịch nghệ miền Nam. Vở kịch cũng đưa những tên tuổi như: Thành Lộc, Hồng Vân, Thương Tín, Hồng Đào… thành công với nghề kịch nói cho đến tận bây giờ.

Và từ vở kịch này, người ta bắt đầu chú ý lại kịch, sau đó là hàng loạt các sân khấu kịch đã sống dậy mạnh mẽ, nhiều sân khấu kịch mới ra đời như sân khấu kịch Phước Sang, 5B Võ Văn Tần, Idecaf, kịch Phú Nhuận…

Điều ít biết về tuổi trẻ lẫy lừng của nghệ sĩ Chánh Tín ảnh 3
NSƯT Chánh Tín còn đóng góp rất lớn với nền nghệ thuật trong vai trò nhà sản xuất phim.

Ngoài ra, NSƯT Chánh Tín còn đóng góp rất lớn với nền nghệ thuật trong vai trò nhà sản xuất phim, đặc biệt ông là người đã góp phần “mở cửa” và phát triển dòng phim kinh dị Việt.

Sau khoảng 15 năm kể từ năm 1975, phim kinh dị Việt rơi vào tình trạng gần như bị bỏ quên. Đầu những năm 90, nhà sản xuất Nguyễn Chánh Tín mới vực dậy thể loại này, qua bộ phim “Ngôi nhà oan khốc” (1992).

Với mức đầu tư rất cao, khoảng 300 triệu, bộ phim “Ngôi nhà oan khốc” đã thành công và thu về 1 tỉ đồng doanh thu cho Chánh Tín, đó là một con số rất “khủng” thời điểm đấy.

Sau cú đột phá này, ông sản xuất hàng loạt các phim cùng thể loại như: “Xác chết trên cao nguyên”, “Chiếc mặt nạ da người”… Phim “Chết lúc nửa đêm” (2007) đoạt giải Bông sen Vàng, đây là giải thưởng đầu tiên của thể loại này cho đến bây giờ….

Thành công ở mặt nghệ thuật nhưng nghệ sĩ Chánh Tín lại thất bại trên thương trường khiến ông rơi vào cơn bĩ cực của cuộc đời ở tuổi xế chiều, thân lại mang nhiều bệnh tật. Song, tài năng của ông là điều mà mọi người luôn công nhận và với nghệ thuật, Chánh Tín mãi là nghệ sĩ đáng được tôn vinh.

Theo petrotimes

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thái Nguyên khai mạc Mùa du lịch năm 2024.

Thái Nguyên khai mạc năm du lịch 2024

GD&TĐ - Ngày 25/4, tại Khu du lịch Hồ Núi Cốc, UBND tỉnh Thái Nguyên tổ chức Khai mạc du lịch năm 2024 với chủ đề “Từ trải nghiệm tới trái tim”.