Trên thực tế, theo một báo cáo trên tạp chí Case Reports in Surgery thì trên thế giới cứ 100.000 người thì có 1 người sinh ra mà không có ruột thừa.
Ruột thừa có hình dạng như ngón tay, ở người trưởng thành có đường kính khoảng 0,5 - 1 cm và dài khoảng 3 - 13 cm. Theo Viện Y tế quốc gia Mỹ, cứ 20 người thì có 1 người bị viêm ruột thừa và tình trạng này có khả năng gây tử vong.
Charles Darwin cho rằng, ruột thừa là một cơ quan cổ xưa từ tổ tiên ăn lá cây, có khả năng giúp họ tiêu hóa thức ăn. Khi con người tiến hóa để đổi sang chế độ ăn trái cây dễ tiêu hóa hơn, Darwin suy đoán ruột thừa không còn phục vụ một chức năng nào nữa, giống như xương cụt hình tam giác nhỏ ở đáy cột sống của con người, một phần còn lại của xương đuôi được tìm thấy trong tổ tiên của chúng ta.
Tuy nhiên, William Parker - Phó Giáo sư phẫu thuật tại Đại học Y khoa Duke, Bắc Carolina, Mỹ cho rằng: “Nếu Darwin biết những gì khoa học hiện tại đã tìm hiểu được về ruột thừa thì ông ấy sẽ không bao giờ cho rằng đó là một bộ phận vô giá trị của quá trình tiến hóa”.
Vào năm 2007, Parker và các đồng nghiệp đã phát hiện ra rằng ruột thừa có thể đóng vai trò như một ổ chứa vi khuẩn đường ruột hữu ích giúp cơ thể tiêu hóa thức ăn, theo báo cáo trên Tạp chí Sinh học Lý thuyết. Khi các bệnh đào thải cả vi khuẩn tốt và vi khuẩn xấu ra khỏi ruột, vi khuẩn tốt có thể xuất hiện từ bến cảng an toàn là ruột thừa để giúp khôi phục đường ruột về trạng thái khỏe mạnh.
Ngoài ra, ruột thừa có nồng độ mô bạch huyết cao. Mô này tạo ra các tế bào bạch cầu được gọi là tế bào lympho giúp gắn kết các phản ứng của hệ thống miễn dịch với vi trùng xâm nhập, cho thấy ruột thừa có thể giúp tạo ra, chỉ đạo và đào tạo các tế bào miễn dịch này, theo nhà sinh học tiến hóa Heather F. Smith tại Đại học Midwestern ở Glendale, Arizona, cho biết.
Vậy điều gì có thể xảy ra nếu ruột thừa đột nhiên không còn tồn tại? - Parker đưa ra câu hỏi.
“Nếu ruột thừa biến mất ở một xã hội săn bắn hái lượm, bạn sẽ thấy nhiều người chết vì bệnh truyền nhiễm hơn. Sau đó, trong một thời gian dài, qua hàng triệu năm, tôi nghĩ rằng thứ gì đó sẽ từ từ phát triển hoạt động giống như ruột thừa để mọi người không chết nhiều như vậy” - Parker nói.
Ông cho biết thêm rằng, nếu ruột thừa biến mất trong xã hội nông nghiệp, sau khi mọi người bắt đầu sống trong các khu định cư thì có thể sẽ còn có nhiều người chết hơn. Điều này đến từ việc con người bắt đầu sống trong các khu vực đông đúc với điều kiện vệ sinh kém và dịch bệnh dễ lây lan hơn.
Còn nếu ruột thừa biến mất trong một xã hội hiện đại, mọi người sẽ có thuốc kháng sinh để có thể tồn tại. Tuy nhiên, việc không có cơ quan này khiến con người không có nguồn vi khuẩn hữu ích để phục hồi sau khi mắc các bệnh nhiễm trùng có hại. “Nếu điều đó xảy ra, chúng ta có thể cần phải cấy ghép phân cho mọi người” - Parker nói.
Quy trình này ngày càng phổ biến và có thể được hiểu đơn giản là chuyển phân từ người khỏe mạnh vào ruột bệnh nhân có vấn đề về đường ruột. Parker cho biết: “Cấy phân không kích động sự kháng thuốc kháng sinh”.
Tuy nhiên, một thế giới không có ruột thừa cũng có nghĩa là sự biến mất của bệnh viêm ruột thừa. Trên toàn cầu, có khoảng hơn 10 triệu ca viêm ruột thừa và có tới 50.000 người chết vì căn bệnh này mỗi năm.
Cắt ruột thừa là một trong những loại phẫu thuật bụng được làm thường xuyên nhất thế giới. Nếu cơ thể con người bỗng dưng không có ruột thừa thì chắc chắn sẽ không có người chết vì đau ruột thừa nữa.
Nói chung, một thế giới không có ruột thừa sẽ có thể khiến nhân loại phải vật lộn với vi khuẩn thường xuyên hơn.