Học vừa là thú vui, vừa là để cống hiến
Một người 80 tuổi mà vẫn ham học hỏi, người đó có tinh thần trẻ như người 18 tuổi và luôn hạnh phúc. Một người 18 tuổi mà không chịu học nữa, người đó già như cụ 80. Một nghiên cứu đã chỉ ra điều đó. Hơn nữa, học tập không ngừng nghỉ trong suốt vòng đời của mình không chỉ là một thú vui tích cực, còn là cách để chúng ta cống hiến cho sự phát triển tiến bộ của loài người.
Nhưng hiện nay rất nhiều người Việt Nam chúng ta lười học, không muốn học. Điều đó làm giảm sức mạnh của Việt Nam. Học thực ra là một thú vui, vậy tại sao chúng ta không chịu học, điều gì cản trở chúng ta học nữa, học mãi?
Việc học không nhất thiết là cứ phải tới trường, học cố định vào một thời gian nào đó. Việc học có thể diễn ra bất cứ lúc nào, hàng ngày. Tuy nhiên, kể cả khi bạn sẵn sàng học, thì chưa chắc bạn học đã có kết quả.
Muốn học tập hiệu quả mọi nơi, mọi lúc, bạn cần cài đặt trong đầu mình một thế giới quan cởi mở, một thế chủ động và tích cực.
Khi thiên kiến mạnh hơn sự thật
Vậy thế nào là một thế giới quan cởi mở, một tinh thần chủ động, tích cực, cài đặt nó vào đầu ra sao?
Xin kể ra hai ví dụ:
PGS.TS Nguyễn Phương Mai, người đang giảng dạy tại ĐH Khoa học ứng dụng Amsterdam (Hà Lan) từng đưa ra một thử nghiệm với sinh viên của mình tại Hà Lan như thế này. Chị chia sinh viên trong lớp ra hai nhóm, nhóm thứ nhất được phát một tờ giấy, trong đó viết rằng văn hóa là một tảng băng trôi, và sự khác biệt văn hóa trong môi trường quốc tế có thể tạo ra va chạm, hiểm nguy khi bạn không hiểu mà có hành vi trái văn hóa của một dân tộc khác, ngay trên đất nước họ. Nhóm sinh viên thứ hai được phát tờ giấy có nội dung, rằng văn hóa là một bộ công cụ giúp bạn mở mang kiến thức, thay đổi và tiến bộ.
Sau đó, các sinh viên ở cả hai nhóm được yêu cầu đọc tờ giấy trong vài phút, trả lời hai câu hỏi đơn giản bên dưới về giải pháp riêng của mình.
Kết quả rất khác nhau. Nhóm thứ nhất chủ yếu đưa ra giải pháp tránh né để giảm rủi ro xung đột do khác biệt văn hóa. Nhóm thứ Hai thì đưa ra giải pháp sẽ trang bị thêm kỹ năng ngôn ngữ, kiến thức văn hóa mới, kỹ năng công nghệ thông tin để có thể hòa nhập văn hóa, điều chỉnh bản thân cho hiệu quả hơn.
PGS.TS Nguyễn Phương Mai cho rằng, chỉ vì chị đã cài đặt rất nhanh chóng vào não hai nhóm sinh viên những thông tin khác nhau, nên đã tạo ra hai luồng suy nghĩ, quan điểm và cách xử lý khác nhau. Như vậy là hành vi của chúng ta được quyết định bởi thế giới quan, bởi hệ thống giá trị, định kiến, niềm tin được cài đặt trong não chúng ta.
Trước khi lấy chồng, Hân được nghe vợ anh ruột của người yêu kể về mẹ chồng tương lai, toàn những điều rất tệ, như: Bà keo kiệt, bà xét nét, bà hay phàn nàn và kể xấu con dâu với người ngoài, bà luôn kéo con trai về phía mình để làm khổ con dâu từ những vấn đề lặt vặt trong sinh hoạt hàng ngày…
Bị dọa như thế, Hân đã rất sợ mẹ chồng tương lai. Sau khi cưới, Hân lại phải ở cùng mẹ chồng vì vợ chồng cô chưa đủ tiền mua nhà riêng. Cô nhận ra, mẹ chồng cô đúng là xấu tính xấu nết và ghê gớm như chị dâu cả cảnh báo. Là dâu con, cô âm thầm chịu đựng và sinh ra ghét mẹ chồng. Cứ thấy mẹ chồng là cô đã biết ngay bà sẽ phàn nàn về chuyện này, chuyện kia, rồi ép cô làm những việc cô không thích. Hân thấy sống cùng mẹ chồng như sống trong địa ngục.
Thực ra, Hân đã bị chị dâu cài đặt một định kiến vào não mà không hề ý thức rõ điều đó. Mặc nhiên, khi Hân đã có thông tin thành định kiến trong đầu, thì Hân sẽ chỉ nhìn thấy và ghi nhận những “điểm xấu” của mẹ chồng như kể trên, mà không nhìn nhận những điểm tốt khác đồng thời có ở mẹ chồng cô, đó là bà yêu thương con cái hết lòng. Có thứ gì tốt, ngon, bà đều nhường cho con trai và con dâu. Khi Hân có bầu, bà không quản ngại sớm tối, đường xa, đi những khu chợ mua thức ăn tốt về tẩm bổ cho cô. Khi cô bị cảm lạnh, bà đánh gió, nấu cháo tía tô cho cô ăn. Những kinh nghiệm, kiến thức đối nhân xử thế, bà chú tâm bảo ban Hân hàng ngày…
Qua hai câu chuyện trên, có thể thấy rằng khi được cài đặt vào đầu óc một quan điểm, cái nhìn ở thế chủ động, lạc quan, thì bạn sẽ hướng những suy nghĩ, đánh giá, và hành động của mình theo cách tích cực, và ngược lại. Hiện nay, cuộc sống với đầy ắp thông tin giội vào trí não chúng ta hàng ngày, nếu chúng ta thu nhận hết tất cả thông tin thì sẽ quá tải và não không hoạt động được nữa.
Thật may là chúng ta được bảo vệ bởi bộ lọc não (RAS: Reticular Activating System), chỉ cho phép những thông tin phù hợp đi qua lớp trên cùng của vỏ não, và bỏ qua những thông tin còn lại, được coi là không quan trọng. Với cơ chế hoạt động của RAS, bộ lọc thông tin này bảo vệ chúng ta, nhưng đồng thời có thể khiến thế giới quan của ta bị lệch lạc, không chính xác như hiện thực. Ví dụ, bộ lọc thường chỉ cho phép những thông tin ta quan tâm, ta cho là ý nghĩa và quan trọng với mình đi qua. Như vậy, ta chỉ đánh giá sự việc thông qua những gì ta tin tưởng, chứ không qua những sự thật khác.
Như câu chuyện về bà mẹ chồng của Hân, do cô bị cài đặt định kiến xấu về bà, nên cô đã đánh giá mẹ chồng xấu, bất chấp sự thật rõ ràng là mẹ chồng cô không hề xấu hoàn toàn. Tất cả chúng ta có xu hướng đi theo, hành động theo những gì mình tin là đúng, hơn là được chứng minh là đúng. Thiên kiến của chúng ta mạnh hơn sự thật. Điều này rất nguy hiểm bởi nó ngăn trở chúng ta tiếp nhận thông tin mới, thông tin khác với thiên kiến, quan điểm của mình, khiến chúng ta từ chối học hỏi, cải tiến bản thân.Theo quy luật tiến hóa, đây cũng chính là điều dẫn tới sự thụt lùi, nghèo nàn về nhận thức...