Điều chỉnh “luật chơi” lãi suất

GD&TĐ - Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 từ đầu năm đến nay lãi suất huy động của hệ thống ngân hàng thương mại giảm, song lãi suất cho vay lại giảm “nhỏ giọt”.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Điều này xét về phương diện thị trường là không công bằng! Nên chăng, Ngân hàng Nhà nước cần ban hành quy định về các điều khoản bắt buộc, tạo “sân chơi” bình đẳng để cả ngân hàng và khách hàng của họ đều không bị thiệt.

Lãi suất cho vay giảm “nhỏ giọt”

Theo Ngân hàng Nhà nước đã liên tiếp điều chỉnh giảm 3 lần các mức lãi suất, tổng mức giảm 1,5 - 2,0%/năm đối với lãi suất điều hành. Đồng thời, sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho tổ chức tín dụng, tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại tiếp cận nguồn vốn từ Ngân hàng Nhà nước với chi phí thấp hơn, qua đó có điều kiện giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng phục hồi sản xuất kinh doanh.

Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước đã giảm lãi suất tái cấp vốn từ 6%/năm xuống 4%/năm; lãi suất tái chiết khấu giảm từ 4%/năm xuống 2,5%/năm; lãi suất chào mua giấy tờ có giá qua nghiệp vụ thị trường mở giảm từ 4%/năm xuống 2,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ giảm từ 7%/năm xuống 5%/năm. 

Như vậy, Việt Nam hiện là một trong những nước có mức giảm lãi suất điều hành lớn nhất. Không chỉ giảm lãi suất điều hành, để hỗ trợ tổ chức tín dụng có điều kiện giảm nhanh và mạnh lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp và người dân, Ngân hàng Nhà nước đã giảm 0,6 - 1,0%/năm trần lãi suất tiền gửi các kỳ hạn dưới 6 tháng; giảm trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên của tổ chức tín dụng đối với khách hàng với tổng mức giảm là 1,5%/năm (hiện ở mức 4,5%/năm).

Lãi suất huy động giảm sâu

Ghi nhận trên thị trường, vào đầu tháng 12/2020, các ngân hàng thương mại cổ phần do Nhà nước nắm quyền chi phối như VietinBank, BIDV, Agribank, Vietcombank đã đồng loạt giảm lãi suất huy động. Như VietinBank lãi suất kỳ hạn 1 - 2 tháng giảm về 3,1%/năm; kỳ hạn từ 6 - 11 tháng về 4%/năm.

Hiện, mức lãi suất gửi cao nhất tại VietinBank chỉ còn 5,6%/năm cho các kỳ hạn dài từ 12 - 36 tháng, giảm 0,2%/năm so với trước. BIDV, Agribank cũng điều chỉnh lãi suất về mức tương tự. Tại Agribank, kỳ hạn từ 12 - 24 tháng lãi suất ở mức 5,6%/năm, giảm 0,2%/năm so với trước đó. Vietcombank cũng giảm lãi suất huy động sau khi VietinBank, BIDV, Agribank giảm lãi suất.

Hiện nay, tại Vietcombank, mức LS 5,6%/năm chỉ dành cho kỳ hạn 12 tháng, các kỳ hạn 24 và 36 tháng lãi suất huy động còn 5,4%/năm. Tại VPBank, lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng gửi tiết kiệm online chỉ 3,25%/năm. Còn kỳ hạn dưới 6 tháng áp dụng cho khoản tiền gửi dưới 300 triệu đồng và gửi tại quầy chỉ còn 4,7%/năm.

Nói gắn gọn trước năm 2020, lãi suất tiền gửi ngân hàng luôn giao động ở mức 7  - 7,5%, thậm chí có khi 8%/năm, thì nay “bói ra” cũng không có ngân hàng nào huy động vốn với lãi suất khoảng 6,95%! Điều này khiến xu hướng đồng tiền đầu tư vào chứng khoán và đặc biệt là bất động sản nhiều hơn.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa 

Bất cân xứng về mặt bằng lãi suất

Nền kinh tế gặp khó do đại dịch Covid-19 buộc ngân hàng phải điều chỉnh lãi suất là chuyện đương nhiên. Song, vấn đề đặt ra trong khi lãi suất tiền gửi giảm rất sâu thì lãi suất cho vay giảm không đáng kể. Đặc biệt, với những khoản lãi suất vay trước thời điểm 2020 thì cả khách hàng tổ chức lẫn khách hàng cá nhân đang gặp muôn vàn khó khăn. Dẫu có chính sách khoanh nợ, giản nợ, giảm lãi suất nhưng tính ra mặt bằng lãi suất giảm cho khách hàng không đáng là bao.

Anh Nguyễn Văn Hà, ở Đống Đa, TP Hà Nội vay ngân hàng 1,5 tỷ đồng đến nay hàng tháng phải trả trên 30 triệu đồng cả gốc lẫn lãi và thực tế tính ra lãi suất cho vay của ngân hàng vẫn ở mức gần 9%.

Tương tự một số khách hàng vay ngân hàng cổ phần theo hình thức thuế chấp sổ đỏ cũng rơi vao tình cảnh khốn khổ. Ví dụ, vay ở Ngân hàng VPB khoản 500 triệu đồng (thời hạn 5 năm) mỗi tháng phải trả gần 8,4 triệu tiền gốc, cộng với mức lãi suất cho vay (dựa trên tổng số tiền đã được trả dần theo tháng), tính ra khách hàng phải trả lãi từ 10,8 - 13,5 triệu đồng.

Dẫu ngân hàng cũng áp dụng mức giảm (có thời hạn) về lãi suất để hỗ trợ khách hàng do khó khăn về Covid-19, nhưng không đáng kể. Nghĩa là những ai chấp nhận vay thế chấp, tín chấp hay vay thương mại trước năm 2020 đến nay đều có chung nỗi khổ mang tên “gánh lãi suất trả cao” - trong khi lãi suất huy động tiền gửi thì đang quá thấp.

Điều chỉnh “luật chơi” thế nào?

Tính đến tháng 10/2020, mặt bằng lãi suất cho vay giảm bình quân khoảng 0,6 - 0,8%/năm so với cuối năm 2019. Trong đó có một số ngân hàng đã giảm từ 1-2,5%/năm; lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên giảm 1,5%/năm so với đầu năm, hiện ở mức 4,5%/năm. Ngân hàng Nhà nước đánh giá: “Mặt bằng lãi suất cho vay giảm đã góp phần giảm bớt khó khăn, tăng khả năng tiếp cận vốn vay cho doanh nghiệp và người dân”.

Đa số khi khách hàng đặt bút ký với nhà băng đều tuân theo luật chơi lãi suất. Đó là khách hàng chấp nhận mặt bằng lãi suất/năm trong niên hạn kỳ vay (1 năm, 2 năm, 3 năm thậm chí 4 - 10 năm) và thường cài điều khoản về “cân bằng” lãi suất rất hiếm, tức là khi thương thảo hợp đồng lẽ ra phải có các khoản ghi chú về sự ràng buộc thị trường theo hướng: Lãi suất huy động giảm, lãi suất cho vay cũng giảm.

Vì không có quy định đó, nên “bút sa” thì chủ vay phải chấp nhận luật chơi, bất chấp lãi suất huy động giảm ra sao, khách hàng vẫn phải trả lãi suất vay ngân hàng như cũ, có chăng ngân hàng “thương xót” thì giảm cho “chút xíu” hoặc thực hiện theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước.

Ký hợp đồng vay tín dụng nghĩa là với khách hàng “ván đã đóng thuyền”. Để tránh thiệt hại cho khách hàng và tạo ra sân chơi bình đẳng, nên chăng Ngân hàng Nhà nước cần ban hành quy định về các điều khoản bắt buộc phải ghi trong hợp đồng tín dụng đối với các khoản vay trung và dài hạn đó là: Lãi suất vay sẽ được điều chỉnh theo lãi suất huy động.

Lãi suất huy động tăng, lãi suất cho vay cũng tăng theo; lãi suất huy động giảm, lãi suất vay ngân hàng cũng giảm theo. Khi đó cả ngân hàng và khách hàng đều không bị thiệt!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ