Thương Tín là một trong những diễn viên nổi tiếng nhất điện ảnh miền Nam sau giải phóng, nhất là giai đoạn 1980 - 1990. Đến nay, nhiều khán giả vẫn yêu mến và nhớ đế ông trong những vai diễn nổi tiếng như tướng cướp Bạch Hải Ðường của SBC, Sáu Tâm của Biệt động Sài Gòn, Quang của Ám ảnh, thiếu tá Vọng của Ván bài lật ngửa, Tám Thương của Bài ca không quên…
Gần đây, Thương Tín trở lại phim trường sau thời gian dài vắng bóng, kể từ scandal bị bắt với tội đánh bạc và tổ chức đánh bạc năm 2007. Ông cũng gây bất ngờ cho người hâm mộ khi công bố làm cha ở tuổi 58. Cô con gái xinh xắn hiện đã hơn 1 tuổi chính là ao ước bấy lâu của ông. Vợ Thương Tín rất trẻ, mới ngoài 20 tuổi.
Đang bận rộn với lịch quay phim nhưng diễn viên Thương Tín đã dành cho phóng viên một cuộc trò chuyện, phỏng vấn.
Đóng phim là không thể giàu được
- Anh đang tham gia bộ phim nào mà bận rộn đến vậy?
Tôi đang tham gia đóng phim Mỹ nhân Sài Gòn của đạo diễn Lê Cung Bắc. Phim có 30 tập, đã quay được hai mươi mấy tập nhưng bị sự cố của Diễm Hương (Hoa hậu Diễm Hương bị Cục NTBD cấm diễn-PV) nên phải quay lại.
- Anh có thể chia sẻ về vai diễn trong phim này của mình?
Tôi đóng vai bố chồng của người đẹp Thanh Trà trong phim. Nội dung chuyện phim là có một gia đình cũng khá giả nuôi tôm. Con trai nhà này dẫn về ra mắt một cô gái đoạt giải Hoa khôi ở Sài Gòn, cô này lại không được lòng mẹ chồng.
Bà mẹ chồng định giết cô này bằng cách bắt nhốt vào nhà để phóng hỏa, nhưng bố chồng lại có cảm tình với cô con dâu nên tìm mọi cách để cứu. Vì vậy, bà mẹ chồng càng hiểu lầm giữa họ có tình cảm riêng tư.
- Anh có gặp khó gì trong vai diễn này không?
Vai diễn này đòi hỏi tôi làm sao cho khán giả thấy mình hoàn thành trong sáng, mặc dù trong phim có nhiều cảnh dễ hiểu lầm. Tình cảm của ông bố chồng là trong sáng, ông hiểu được cô con dâu người Sài Gòn tính tình dễ thương về miền quê gặp bà mẹ chồng cổ lỗ sĩ hay có ấn tượng không tốt.
Tôi phải diễn làm sao cho giống ông bố chồng xuất phát từ tình thương, muốn bảo vệ hạnh phúc của con mình.
- Đây là bộ phim thứ mấy anh tham gia sau khi trở lại phim trường năm 2013?
Đây là phim thứ bảy hay thứ tám rồi. Trước đó, tôi tham gia đóng trong các bộ phim nhiều tập như Bên kia sông, Mét vuông tình yêu, Tình người xứ hoa… và 2 phim nhựa mới hoàn tất là Hiệp sĩ mù, Đoạt hồn.
- Tham gia khá nhiều phim, anh có hy vọng mình sẽ trở lại thời hoàng kim?
Tôi đã qua giai đoạn đó rồi nên tôi thấy bình thường. Người bình thường dễ sống hơn bởi khi nổi tiếng thì mình làm gì họ cũng nhìn. Giờ tôi cũng đang khó khăn về kinh tế do mấy năm không làm nên có thể tham gia phim, đóng góp cho gia đình có thể không được bao nhiêu nhưng tôi cảm thấy rất vui.
Tôi có con nhỏ được mấy tháng. Dù mất đam mê đóng phim rồi nhưng vì con nhỏ nên tôi nghĩ mình trở lại đóng phim để khi tôi nằm xuống thì còn cái gì đó để lại cho con.
- Thù lao đóng phim của anh có cao không?
Tôi thấy đủ sống, chẳng dư gì. Những bộ phim quay ở Sài Gòn thì đỡ chứ quay ở Đà Lạt hay nơi khác sẽ phát sinh chi phí nhiều. Tôi xác định rồi, đóng phim là không thể giàu được. Nói chung, thù lao bèo bọt nhưng vô làm phải chấp nhận thôi, không thể hơn được.
Nhiều chỗ, tôi hỏi sao trả vậy thì họ nói nhà nước mà, còn hãng tư nhân thì họ nói là do kinh tế khó khăn. Tôi chưa đặt nặng với nhà sản xuất về tiền. Ít khi tôi đòi tiền lắm! Tôi chỉ nói tổng chi phí của phim bao nhiêu, anh cân đối rồi trả cho tôi.
Cuộc đời có nhiều ngã rẽ, không có gì là đường cùng
- Trong hơn 200 bộ phim anh tham gia diễn xuất, anh hài lòng nhất vai diễn nào?
Vai Quang của phim Ám ảnh của nữ đạo diễn Đức Hoàn. Tôi thích tính cách của nhân vật: đầu tiên là nhân vật phản diện nhưng từ từ là vai chính diện, số phận dữ dội, có nhiều sai lầm rồi sửa chữa, nội tâm nhiều màu sắc.
Đạo diễn đánh giá tôi rất tốt nhưng đây là phim đề tài về chiến tranh, đề tài không mới nên có thể khán giả không thích. Nhiều phim tôi rất thích, mình đóng rất tốt nhưng quần chúng lại không ồn ào, còn nhiều phim tôi thấy bình thường mà người ta lại rất thích, khi chiếu ra lượng khán giả rất đông như Biệt động Sài Gòn, Ván bài lật ngửa…
- Với rất nhiều vai diễn trong các bộ phim, có nhân vật nào mang tính cách giống anh?
Không! Chỉ có một số nhân vật có giống tôi một chút. Cái nghề tạo ra cho mình đóng nhiều loại vai, có khi khác hẳn con người ngoài đời. Tôi quan niệm, các nhân vật người ta đóng thì không phải giống như ngoài đời. Nếu bê nguyên con người mình lên phim thì không có, hoặc có thể thì chỉ có 1-2 phim nhân vật giống mình ngoài đời. Nghệ sĩ thể hiện nhân vật khác mình mới là có nghề.
- Vậy ngoài đời, diễn viên Thương Tín là người thế nào?
Tôi dễ hòa nhập vào nhiều hoàn cảnh, thậm chí sống tầm thường như căn nhà trọ tôi đang ở. Tôi không đòi hỏi nhà cao cửa rộng, tính tình cũng rất bình thường. Tôi quan niệm, mỗi người mỗi nghề, chưa chắc mình đã hơn người khác.
Người ta hơn nhau ở nhân cách, nhân phẩm chứ không phải vì cái nghề. Nghề của tôi, công chúng hay nhìn ngó, tưởng là ghê gớm nhưng không phải! Tôi cũng chả hay ho gì đâu!
Tôi đóng các nhân vật chính diện rất nhiều nhưng theo tôi, những vai phản diện dễ được người ta nhớ tới hơn. Các vai chính diện của tôi không nhiều nhưng khán giả nhớ hơn, ấn tượng hơn như trong phim Biệt động Sài Gòn, Bài ca không quên, Tiếng đàn…Cũng có thể, tôi đóng những vai chính diện không tốt, những vai phản diện tốt hơn.
- Anh nghĩ gì khi sau candal năm 2007 của anh, người ta bình luận Thương Tín đỉnh cao rồi rơi xuống vực?
Tôi nghĩ chỉ có thăng trầm chứ chẳng có vực nào cả! Tôi quan niệm cuộc đời như cuốn tập nhiều trang, chỉ khi nào tôi chết thì nó mới là trang cuối.
Cuộc đời có nhiều ngã rẽ, không có gì là đường cùng. Cuộc đời có những giai đoạn lúc này lúc kia và có những cái “hạn” từ chuyện nhỏ có thể lớn lên. Ví dụ như đi quay phim, anh em buồn thường ngồi đánh bài mà có thể nó lại lớn lên không ngờ vì mình chủ quan.
- Nhưng hẳn vụ việc này cũng khiến anh “sốc” mới bỏ nghề về quê sống?
Không! Tôi lớn tuổi rồi nên chiêm nghiệm với cuộc đời, không nên vì vậy mà nhìn đời khác đi. Tôi về sống Ninh Thuận sống với bố mẹ, cũng có vài lời mời tham gia khoảng 6-7 phim mà tôi không thấy hứng thú. Không phải đó là lý do chính mà do tôi thất vọng nhiều thứ: phim đi xuống không có lối ra, không có gì mới, chạy theo xã hội kinh tế thị trường… nên tôi thấy nó mù mịt lắm!
- Đó có phải là quyết định đúng đắn nhất của anh?
Khi nổi tiếng, tôi làm nhiều về nghệ thuật như đạo diễn truyền hình, lồng tiếng, đóng kịch cho sân khấu Phú Nhuận , Idecaf… nên không có thời gian thăm cha mẹ, đi đâu có dịp tôi chỉ ghé qua tặng quà cáp.
Hồi đó, tôi nghĩ lo đủ về vật chất là được rồi chứ không biết là cha mẹ mong muốn tôi về với gia đình, chỉ là những bữa ăn cùng nhau. Vì vậy, những năm tháng còn lại của cha mẹ tôi cũng vui khi tôi về quê sống cùng.
Thời gian đó, tôi ly hôn vợ được mấy chục năm rồi, không chính thức với ai cả và em út có gia đình riêng nên tôi dành hết để lo cho cha mẹ. Ba tôi mới mất, tôi về Ninh Thuận lo tươm tất đám tang cho ba tôi rồi tôi mới vào TP.HCM. Tôi không ân hận…
Tôi làm tôi chịu trách nhiệm
- Anh đang gặp khó khăn về kinh tế và chỗ ở, hẳn có nhiều khán giả muốn giúp anh?
Cũng có nhưng tôi cảm ơn chứ không nhận vì có khó khăn một chút nhưng mình vẫn sống được, xoay sở được. Sống nhờ cậy thì cũng chẳng hay ho gì đâu! Tôi quan niệm, cái gì do công sức mình làm ra, mình hiểu giá trị thì nó mới quý, chứ nhờ người khác để sống thì bản thân mình thấy không đúng. Cái gì mình làm ra được, mình hưởng mới quý.
- Anh muốn giữ danh tiếng?
Cũng không phải,do tính cách con người. Tôi luôn nói với những người em, bạn bè chơi thân với nhau rằng ở đời này tôi rút ra được hai bài học lớn từ bản thân mình. Thứ nhất, đừng nên chủ quan dù chuyện rất nhỏ tại vì khi tới “hạn” thì không thể tưởng tượng ra cái nhỏ nó ảnh hưởng đến mình như thế nào. Thứ hai là ở đời phải biết nghiến răng mà lắc đầu.
Thí dụ, có thể người ta đến biếu không cho số tiền lớn nhưng mình phải biết có nên nhận hay không và khi nhận số quà đó thì người ta nhìn mình khác liền. Có khi khó lắm nhưng phải biết nghiến răng mà lắc đầu để giữ được bản chất của mình.
- Vậy theo anh, lúc nào nên lắc đầu và lúc nào nên gật đầu?
Những người bạn giầu có là “đại gia”, gặp một vài lần cũng đề nghị làm cái này cái kia cho tôi bớt khổ nhưng suy đi nghĩ lại, người ta chưa thân với mình, mình cũng chưa làm được cái gì cho người ta, tự dưng người ta cho không mình cũng phải suy nghĩ chứ!
Chẳng thà mình làm cho người ta được chuyện gì đó, người ta đền ơn cho mình thì được, chứ người ta cho không như vậy, động cơ có tốt hay không thì mình chưa biết được nên mình phải nghiến răng lắc đầu. Đang khó khăn có người cho tiền cũng thích, cũng sướng lắm chứ nhưng tôi suy nghĩ nên nhận hay không.
- Anh có từng gật đầu nhận sự giúp đỡ nào không?
Cũng có! Chỉ những người bạn thân thiết, những chuyện lặt vặt thì họ giúp tôi. Như lúc cha tôi mất, tang gia bạn bè cũng có tới giúp. Tôi nhận sự giúp đỡ từ những người bạn thân thiết, còn không thân thiết thì không nhận.
Nhiều khi, những suy nghĩ của mình chưa hẳn là đúng, là tốt nhưng là của mình. Mình đang khó khăn mà có người giúp thì cũng đỡ khổ, nhưng phải suy nghĩ, không thể bừa bãi được!
- Anh nghĩ mình sẽ gật đầu nhận sự giúp đỡ của những người không thân thiết hay khán giả trong trường hợp nào?
Ví dụ tôi có đứa con, nó mắc bệnh nan y cần nhiều tiền chữa trị mà hoàn cảnh tôi khó khăn không lo được cho con của mình thì tôi cũng sẵn sàng đứng ra kêu gọi khán giả yêu thương hãy giúp mình để chữa cho con, vì sức tôi không làm được.
Tôi thương con, vì lòng thương con và có người giúp thì tôi nhận. Đây là nguyên nhân do trời làm, hoàn cảnh đưa tôi vào thế như vậy. Còn riêng đối với bản thân tôi thì không bao giờ. Tôi làm tôi chịu trách nhiệm.