Điện lực Quảng Ninh đấu thầu tiết kiệm ngân sách thế nào?

GD&TĐ - Gói thầu trên 10 tỷ đồng tại Công ty Điện lực Quảng Ninh giảm được 39 triệu đồng khi dự toán với nhiều sản phẩm giá cao hơn thị trường.

Công ty Điện lực Quảng Ninh.
Công ty Điện lực Quảng Ninh.

Gói thầu 10 tỉ đồng chỉ tiết kiệm được 39 triệu

Theo dữ liệu tại Cục Quản lý Đấu thầu – Bộ Kế hoạch và Đầu tư, gói thầu Mua sắm máy biến áp phân phối được đăng tải thông báo mời thầu từ 28/12/2022 và đóng thầu 17/1/2023.

Gói thầu này thuộc Các dự án đầu tư xây dựng năm 2023 với tổng mức đầu tư 11.506.252.767 đồng.

Quyết định phê duyệt gói thầu của Giám đốc Công ty Điện lực Quảng Ninh.
Quyết định phê duyệt gói thầu của Giám đốc Công ty Điện lực Quảng Ninh.

Gói thầu Các dự án đầu tư xây dựng năm 2023 được chia thành 3 gói thầu thành phần. Gói thầu Mua sắm máy biến áp phân phối với giá dự toán 10.350.583.699 đồng. Gói thầu Tư vấn giám sát thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị khu vực miền Tây trị giá 444.153.171 đồng. Gói thầu Tư vấn giám sát thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị khu vực miền Đông trị giá 711.533.897 đồng.

Sau thời gian chào thầu, có 2 đơn vị tham gia đấu thầu là Tổng Công ty Thiết bị Điện Đông Anh – Công ty Cổ phần (EEMC) và Công ty Cổ phần chế tạo Điện cơ Hà Nội.

Kết quả chấm thầu cho thấy, cả 2 công ty trên đạt tiêu chí về kỹ thuật, nên cùng "dắt tay" nhau vào vòng đánh giá về tài chính.

Kết quả vòng đánh giá tài chính cho thấy, Tổng Công ty Thiết bị điện Đông Anh – Công ty Cổ phần đưa ra giá dự thầu là 10.311.620.000 đồng (giảm được 38.963.699 đồng). Công ty Cổ phần Chế tạo Điện cơ Hà Nội đưa ra giá dự thầu là 10.327.900.000 đồng (giảm được 22.683.699 đồng).

Như vậy, Tổng Công ty thiết bị điện Đông Anh – Công ty Cổ phần đã vượt qua đối thủ để vào vòng thương thảo ký kết Hợp đồng.

Đến 16/2/2023, ông Nguyễn Thanh Tĩnh, Giám đốc Công ty Điện lực Quảng Ninh ký ban hành Quyết định số 270 phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu Gói thầu mua sắm máy biến áp phân phối cho Tổng Công ty Thiết bị điện Đông Anh – Công ty Cổ phần với giá 10.311.620.000 đồng.

Tổng Công ty Thiết bị điện Đông Anh – Công ty Cổ phần có mã chứng khoán là TBD niêm yết tại Sàn Upcom. Giá cổ phiếu của công ty này đang neo ở mức 95 nghìn đồng/cổ phiếu (2/6). Đây cũng là công ty nắm lợi thế cung cấp sản phẩm thiết bị điện khi giữ vai trò là nhà sản xuất với quy mô tài sản trên 1.300 tỷ đồng.

Giá sản phẩm trúng thầu cao hơn thị trường

Giá sản phẩm trúng thầu cao hơn so với thị trường hàng chục triệu đồng/ máy.
Giá sản phẩm trúng thầu cao hơn so với thị trường hàng chục triệu đồng/ máy.

Theo thông tin công khai, Gói thầu Mua sắm máy biến áp phân phối có 5 danh mục hàng hóa được mua. Cụ thể, máy biến áp 3 pha 100kVA - 22/0,4kV, số lượng 1 máy. Máy biến áp 3 pha 100kVA - 35/0,4kV, số lượng 4 máy. Máy biến áp 3 pha 180kVA - 22/0,4kV, số lượng 3 máy. Máy biến áp 3 pha 180kVA - 35/0,4kV, số lượng 4 máy. Máy biến áp 3 pha 250kVA - 35(22)/0,4kV, số lượng 1 máy.

Theo khảo sát, giá trúng thầu giảm được gần 39 triệu đồng so với giá dự toán nhưng các mặt hàng trúng thầu lại có giá cao hơn thị trường với cùng một cấu hình và cũng cao hơn nhiều so với một số hãng cung cấp khác.

Máy biến áp 3 pha 100kVA - 22/0,4kV nhãn hiệu EEMC có giá trúng thầu là 118.910.000 đồng. Tuy nhiên, cùng cấu hình này của EEMC lại đang được một số trang rao bán giá 106.700.000 đồng - tức Nhà nước đang phải bỏ giá cao hơn so với thị trường cho sản phẩm này khoảng 12.000.000 đồng.

Cũng với sản phẩm cấu hình tương tự, nhưng nhà cung cấp khác là HBT thì giá sản phẩm chỉ 90.000.000 đồng, bảo hành 24 tháng cùng nhiều dịch vụ đi kèm.

Tương tự, máy biến áp 3 pha 180kVA - 22/0,4kV có giá trúng thầu là 161.040.000 đồng. Tuy nhiên, giá bán lẻ trên một số trang thương mại điện tử chỉ khoảng 153.000.000 đồng/máy.

Cùng sản phẩm tương tự, của nhà sản xuất Công ty Cổ phần chế tạo biến áp thiết bị điện Đông Anh Hà Nội đang bán với giá 105.000.000 đồng/máy. Tức mỗi máy biến áp 3 pha 180kVA - 22/0,4kV của hãng EEMC trúng thầu tại Điện lực Quảng Ninh cao hơn hãng khác khoảng 54.000.000 đồng.

Hay như sản phẩm máy biến áp 3 pha 180kVA - 35/0,4kV có giá trúng thầu 166.980.000 đồng/máy. Nhưng giá thị trường chỉ khoảng 161.300.000 đồng/máy.

So sánh với hãng HBT thì sản phẩm này chỉ có giá khoảng 120.000.000 đồng/máy.

Sản phẩm trúng thầu của hãng EEMC cao hơn hãng HBT gần 29 triệu đồng.
Sản phẩm trúng thầu của hãng EEMC cao hơn hãng HBT gần 29 triệu đồng.

Còn sản phẩm máy biến áp 3 pha 250kVA - 35(22)/0,4kV có giá trúng thầu 210.980.000 đồng/máy. Tuy nhiên, giá một số trang thương mại điện tử đang bán trên thị trường chỉ 172.400.000 đồng/máy. Tức sản phẩm trúng thầu cao hơn so với thị trường khoảng 38.000.000 đồng/máy.

So với hãng HBT thì sản phẩm máy biến áp 3 pha 250kVA - 35(22)/0,4kV chỉ có giá khoảng 158.000.000 đồng/máy. Tức sản phẩm của EEMC cao hơn HBT khoảng 53.000.000 đồng/máy.

Đáng chú ý là, các sản phẩm niêm yết giá trên thị trường là giá bán lẻ. Thông thường, khách hàng mua với số lượng nhiều và giá trị lớn sẽ được chiết khấu.

Có thể dư luận sẽ đặt câu hỏi, nhiều mặt hàng của EEMC trúng thầu tại Công ty Điện lực Quảng Ninh cao hơn so với thị trường, thì hiệu quả tiết kiệm ngân sách Nhà nước có thực sự đúng như mục đích của đấu thầu hay không.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam đã có bước phát triển đáng kể những năm gần đây. Ảnh minh họa: INT

Tích hợp hệ thống năng lượng hỗn hợp

GD&TĐ - Kết hợp năng lượng mặt trời và gió giúp hệ thống điện ổn định hơn, hiệu suất cao hơn. Hệ thống phù hợp để ứng dụng vào điện mặt trời mái nhà.