Điện lạnh - nghề “hot”

GD&TĐ - Điện lạnh là một trong những nghề mà tỷ lệ học sinh, sinh viên tốt nghiệp ra trường có việc làm ngay đạt tới 90%. Công việc ổn định, bên cạnh đó mức thu nhập cũng khá cao, vì thế đây là một nghề được nhiều lao động trẻ lựa chọn. 

Điện lạnh - nghề “hot”

Dù công việc có vẻ như rất sẵn sàng, tuy nhiên người theo nghề cũng phải có những nỗ lực cá nhân để vượt qua những khó khăn đặc thù của nghề.

Đào tạo chuyên nghiệp

Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề (CĐN) Công nghiệp Hà Nội, thầy Bùi Chính Minh cho biết: Nghề điện lạnh đang “hot” nên cơ hội việc làm rất tốt. Bởi vậy, từ nhiều năm nay, nhà trường tuyển sinh cho nghề này ổn định với số lượng 150 chỉ tiêu. 100% SV tốt nghiệp có việc làm ở nhiều vị trí đa dạng. Cụ thể là lắp đặt, sửa chữa máy lạnh và điều hòa không khí cho các hộ gia đình; đảm nhiệm điều khiển hệ thống thiết bị máy lạnh trong các khu công nghiệp, đặc biệt là thực phẩm, khách sạn, nhà hàng, siêu thị, tòa nhà lớn…

Hiện nay, Trường CĐN Công nghiệp Hà Nội đào tạo nghề lắp đặt, sửa chữa máy lạnh và điều hòa không khí theo 2 chương trình: Truyền thống của Tổng cục Dạy nghề, Bộ LĐ-TB&XH và tiên tiến Học viện Chishohm (Australia) do Tổng cục Dạy nghề hợp tác. Trong khi chương trình nghề lắp đặt, sửa chữa máy lạnh và điều hòa không khí truyền thống đào tạo trong 3 năm, thì thời gian chương trình tiên tiến của Học viện Chishohm chỉ 2,5 năm.

Theo đúng phương pháp của Học viện Chishohm; trang thiết bị thực hành đáp ứng đúng yêu cầu; đào tạo theo hướng chuyên sâu, tích hợp và thực dụng hơn. Đặc biệt, cách đánh giá được thực hiện trên biểu mẫu thể hiện rõ những chỉ số và năng lực thực hiện. Với cách đào tạo này, SV học đến đâu chắc đến đó, ra trường có kỹ năng tay nghề tốt.

Cũng theo thầy Minh: Chương trình đào tạo bằng tiếng Anh nên các em có thể làm việc trong các nhà máy liên doanh chuyên sâu về máy lạnh và điều hòa không khí, thu nhập nhiều hơn 7 triệu đồng/tháng. Khi đã có trong tay tấm bằng của Học viện Chishohm cấp, các em dễ dàng tìm việc ở khu vực quốc tế, môi trường chuyên nghiệp hơn.

Khó khăn đặc thù

Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung, điện lạnh đang ngày càng trở nên phổ biến trong cuộc sống hiện đại, từ máy điều hòa, tủ lạnh cho đến những thiết bị phức tạp như hệ thống làm mát, thông gió, máy lạnh công nghiệp... Do đó, các học viên học nghề điện lạnh hoàn toàn không phải lo lắng việc thiếu việc làm sau khi ra trường.

Những sản phẩm điện lạnh trước kia chủ yếu tập trung tại thành phố và khu công nghiệp thì nay những sản phẩm như tủ lạnh, máy lạnh… đã rất phổ biến ở vùng nông thôn, trong khi các khu công nghiệp được phát triển mạnh mẽ, hàng loạt các tập đoàn điện tử lớn như Samsung, LG... đang đổ về Việt Nam để mở nhà máy sản xuất, vì vậy nhu cầu nhân lực ngành điện lạnh nói chung luôn ở mức cao.

Mặc dù là ngành nghề rất có tiềm năng, nhưng các chuyên gia ngành cũng lưu ý: Học sửa chữa điện lạnh có hai vấn đề khó khăn rất lớn mà các học viên cần phải vượt qua nếu muốn thành công với nghề.

Thứ nhất, với người hành nghề tự do, đây là nghề “ăn đong” khi mà nhu cầu của người dân tăng cao nhất trong những tháng mùa hè. Vào những thời gian cao điểm thì những người thợ sửa chữa, bảo dưỡng máy lạnh phải làm việc có khi từ 5 giờ sáng cho đến 12 giờ đêm là chuyện thường. Nếu làm việc cho các nhà máy hay khu công nghiệp thì công việc sẽ mang tính thường xuyên hơn với những người làm thợ dân dụng.

Điểm khó khăn thứ hai của nghề này đó là độ rủi ro trong quá trình sửa chữa, bảo dưỡng máy móc. Đa phần những thiết bị điện tử hiện nay đều rất tinh vi và thường xuyên có sự thay đổi trong thiết kế. Vì thế, người thợ phải có khả năng cập nhật công nghệ và thiết kế mới, qua đó “bắt bệnh” chính xác để sửa chữa khắc phục một cách tốt nhất, điều này đảm bảo được uy tín với khách hàng qua đó đảm bảo công việc lâu dài, bền vững.

Những SV học nghề này theo chương trình truyền thống có lương từ 7 triệu đồng/tháng trở lên, còn theo chương trình tiên tiến thì có nhiều cơ hội làm việc ngoài nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ