Diện kiến vị “Vua gió” huyền thoại Tây Nguyên

GD&TĐ - J’Rai là một trong những dân tộc có dân số đông, cố kết chặt chẽ, có truyền thống văn hóa lâu đời nhất Tây Nguyên. Trong đó các nhân vật Pơtao (vua) đã tạo nên một thiết chế xã hội độc đáo đặc sắc của người J’Rai. 

Diện kiến vị “Vua gió” huyền thoại Tây Nguyên
Diện kiến vị “Vua gió” huyền thoại Tây Nguyên ảnh 1Diện kiến vị “Vua gió” huyền thoại Tây Nguyên ảnh 2
Các Pơtao hay còn họi là các vị vua có tài hô phong hoán vũ luôn là một điều “bí hiểm” đối với nhiều người ngay cả chính với người J’Rai.

Những vị vua huyền thoại ở Tây Nguyên

Trong lịch sử của người J’Rai có 3 ông vua cùng song song tồn tại “Vua nước”, “Vua lửa”, và “Vua gió”. Hiện “Vua nước” không còn nhưng đối với “Vua lửa” và “Vua gió” các vị vua đời sau mặc dù đã không còn tại vị nhưng vẫn còn sống với buôn làng.

“Vua gió” là người có sức mạnh giúp người J’Rai chống lại hạn hán, mùa khô khắc nghiệt.

“Vua gió” so với “Vua lửa” và “Vua nước” thì thời gian tại vị ít hơn. “Vua gió” trải qua tất cả 6 đời vua, thời gian tồn tại của triều đại “Vua gió” đến hàng trăm năm. 

Hiện ở làng Plei Măng (xã Ia Ke, Phú Thiện) cách trung tâm thành phố Plieku (Gia Lai) hơn 100 km, hiện còn một vị “Vua gió” còn sống đó là ông Siu Pon (SN 1930). 

Ông Pon và vị “Vua gió” đời thứ 5 là cậu cháu. Ông Pon kể, ông là người được ông Siu Bam truyền lại cách cúng cầu mưa. Năm 1989, ông Bam mất nhưng vì nhiều lý do mà ngôi vị “Vua gió” không được truyền ngay cho người kế vị. 

Sau nhiều năm vắng bóng ngôi vị “Vua gió”, thời tiết của mùa khô nơi đây ngày càng khắc nghiệt, hạn hán liên miên, người dân thấy rằng họ cần một vị vua giúp họ “thay đổi” thiên nhiên.

Năm 1991, được sự đồng ý của người dân trong vùng, ông Siu Pon được các già làng cúng heo, gà để tổ chức làm lễ lên ngôi “Vua gió”. “Sau khi cúng xong, các già làng bắt tay tôi và nói từ giờ phút này ông Pon là vị “Vua gió” của chúng tôi” - Ông Pon kể lại.

Dù được người trong làng phong cho làm vua và tin tưởng tuyệt đối về tài hô phong hoan vũ. Những các vị “Vua gió” sống hòa đồng và nghèo khổ với các thần dân của mình. 

Vì về thực quyền “Vua gió” không có quyền gì cả, vua chỉ được dân làng kính trọng do có thể kết nối với được các vị thần linh tối cao, giúp dân làng trong các lễ cầu mưa, cầu gió, tiêu trừ dịch bệnh…

Các vị vua trong đó có “Vua gió” để chỉ mối liên hệ giữa người J’Rai với các sức mạnh vô hình với họ như thần linh hoặc vũ trụ, còn người có quyền hạn trong cộng đồng vẫn là già làng.

Việc của các vị “Vua gió” là gìn giữ sự điều hòa bằng cách hằng năm vào đầu vụ sản xuất "tuần du" qua các làng và cúng cầu mưa, hoặc cúng cầu yên khi có thiên tai, dịch bệnh.

Diện kiến vua gió và hậu duệ của vua

Khi chúng tôi ghé làng Plei Măng thì may mắn ngoài gặp vị “Vua gió” đời thứ 6 thì còn gặp bà H’Nhriu, con gái vua đời thứ 5. 

Bà kể: “cha bà là “Vua gió” Siu Bam, làm vua từ năm 1969 - 1989, vua nhưng gia đình nghèo lắm. Cha bà phải sống ở căn nhà sàn tồi tàn nằm ngoài rìa của làng”.

Bà H’Nhriu còn nhớ như in mỗi lần cha mình làm lễ, mỗi lần xảy ra hạn hán, già làng sẽ thông báo cho dân làng góp lễ vật như gạo, gà, dê, rượu… để mời cha tôi đến cúng cầu mưa. Nếu sau lễ cúng trời vẫn không mưa, mỗi làng sẽ dựng một ngôi nhà tạm ở rìa làng để cho cha tôi đi qua ở.

Cha tôi sẽ đi hết làng này đến làng khác nhưng không được đi vào trong làng mà chỉ đi qua rìa làng để làm lễ cúng. Sau khi đi một vòng hết các làng, vua sẽ quay về làng mình. Người dân tin rằng lúc này trời sẽ có mưa.

Để giúp cho việc cầu cúng của mình, “Vua gió” còn có các “báu vật” đi kèm gồm một nồi đồng, hai ghè rượu lớn, một bát đồng, một đĩa lớn, 3 chiêng đồng, 3 lục lạc tròn và một thanh gươm. Tuy nhiên, đến nay hầu hết các “báu vật” trên đã mất, chỉ còn lại 2 ghè rượu cổ và chiếc chén đồng mà bà Ksor H’Nhiu còn cất giữ.

Quay trở lại với vị vua đời thứ 6 Siu Pon, ông Pon cho biết, do nhiều năm bị gián đoạn nên việc ông quay trở lại với chức vị “Vua gió” cũng có phần khác những vị vua trước đó. Ông Pon không phải sống tách biệt ở rìa làng mà được sống ở nhà với vợ con. 

“Trong thời gian làm “Vua gió”, có làng mời mình đi cúng, lúc thì có mưa, lúc thì không có mưa”. Làm “Vua gió” dù phải kiêng khen nhiều thứ nhưng được cái vua lắng nghe tiếng nói của người dân, và người dân nghe vua. Sức mạnh của “Vua gió” nằm ở đấy ông Pon kể.

Dù vẫn được dân làng tin giao chức “Vua gió” nhưng vì cuộc sống và quan niệm đã dần thay đổi nên ông Pon đã "từ chức". Từ đó đến nay, người J’Rai không còn bầu ai lên làm “Vua gió” nữa. Nhưng lễ cúng cầu mưa vần còn tồn tại và diễn ra ở mỗi bản làng vào mùa khô, già làng sẽ là người đứng ra cầu cúng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ