Điển hình gây nhiễu loạn thị trường!

GD&TĐ - Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã khẳng định việc đấu giá đất ở Thủ Thiêm là điển hình làm nhiễu loạn thị trường.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Không lâu sau khi Trung tâm Dịch vụ Bán đấu giá tài sản, Sở Tư pháp TP Hồ Chí Minh tổ chức bán đấu giá thành công 4 lô đất thuộc khu chức năng số 3, khu dân cư phía Bắc, Khu đô thị mới Thủ Thiêm, thành phố Thủ Đức với số tiền cao gấp 7 lần mức giá khởi điểm, đại diện công ty đấu giá thành công lô đất có diện tích hơn 10.059m2 với mức giá lên tới 24.500 tỷ đồng đã xin đơn phương chấm dứt hợp đồng...

Cụ thể, trong “tâm thư” gửi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và lãnh đạo Đảng, Nhà nước, vị đại diện này bày tỏ chấp nhận mọi chế tài về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng.

Rằng lý do xin bỏ cọc là nhằm bảo đảm một phần ổn định thị trường kinh doanh bất động sản vì kết quả đấu giá hơn 2,4 tỷ đồng/m2 đất có thể dẫn đến những hệ luỵ không tốt cho thị trường, đặc biệt là sau khi doanh nghiệp tiếp thu ý kiến, nhận định “đấu giá đất Thủ Thiêm 2,4 tỷ đồng một m2 là bất thường” của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc tại Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất của Quốc hội.

“Chúng tôi nghiêm túc kiểm điểm và nhận thấy rằng việc đấu giá đất với kết quả nêu trên sẽ dẫn đến sự xáo trộn trong lĩnh vực kinh tế nói chung, bất động sản nói riêng” - vị này nhấn mạnh.

Thực tế, ngay sau khi phiên đấu giá kết thúc với mức giá cao kỷ lục, đã có nhiều ý kiến lo ngại, thậm chí cảnh báo về những kẽ hở pháp luật trong đấu thầu quyền sử dụng đất, dẫn đến có thể bị trục lợi hoặc có tác động tiêu cực đến nền kinh tế cũng như thị trường bất động sản.

Ví dụ như trong báo cáo đánh giá tác động của phiên đấu giá này gửi Chính phủ, Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) chỉ rõ kẽ hở thứ nhất là mức tiền đặt cọc thấp; thứ hai là quy trình đánh giá năng lực nhà đầu tư tham gia đấu giá còn lỏng lẻo; thứ ba là biện pháp xử phạt do chậm đưa đất vào sử dụng không đủ sức răn đe và cuối cùng là các phương pháp xác định giá đất cụ thể để làm căn cứ tính giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất còn nhiều bất cập, chưa bảo đảm nguyên tắc phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường.

Hay như tại phiên thảo luận tổ ở Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV diễn ra vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã khẳng định việc đấu giá đất ở Thủ Thiêm là điển hình làm nhiễu loạn thị trường.

Với trách nhiệm của mình, Bộ Tài chính sẽ kiểm tra những doanh nghiệp này trên thị trường chứng khoán, còn quản lý Nhà nước về đất đai là Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng cho rằng, giá mỗi m2 đất ở Thủ Thiêm lên tới 2,4 tỷ đồng/m2 là trường hợp chưa bao giờ xảy ra. Vì vậy, Quốc hội, Chính phủ đang giao các cơ quan nghiên cứu động thái này xem có bất thường không, còn nếu bình thường thì không sao.

Những cơ sở để minh chứng cho những nhận định trên là đúng đã rõ ràng, thể hiện qua việc công ty trúng thầu đã đơn phương xin chấm dứt hợp đồng. Tuy nhiên, vấn đề không thể đơn giản như vậy.

Điều quan trọng là các cơ quan chức năng cần nhanh chóng thực hiện Công điện 1767/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Rà soát, kiểm tra hoạt động tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất đối với những trường hợp có biểu hiện bất thường.

Xử lý theo thẩm quyền những trường hợp vi phạm các quy định pháp luật về đấu giá quyền sử dụng đất, kịp thời phát hiện các bất cập trong quy định pháp luật để tham mưu, đề xuất cấp thẩm quyền sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung, không để xảy ra trục lợi, đồng thời xử lý nghiêm hành vi lợi dụng đấu giá gây nhiễu loạn thị trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Lạc quan xây hạnh phúc

GD&TĐ - Chị đang lúi húi dưới bếp chuẩn bị bữa cơm chiều, nghe tiếng gọi hoảng hốt của mấy đứa nhỏ đang chơi ngoài ngõ vội chạy ra.