Tuy nhiên để việc diện cổ phục đẹp và ý nghĩa hơn, cũng cần am hiểu về văn hóa và lịch sử của kho tàng ấy.
Hiệu ứng tích cực từ cổ phục
Khái niệm Việt phục cũng thường được gọi là cổ phục Việt để hiểu về trang phục truyền thống Việt Nam, nhằm phân biệt với Hán phục (Trung Quốc), Hanbok (Hàn quốc), Hòa phục (Nhật Bản).
Khoảng vài năm trở lại đây, cả trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội hay trong đời sống thường ngày, người dân dễ bắt gặp những bộ cổ phục. Đặc biệt tại các khu di tích, giới trẻ thường diện cổ phục để chụp ảnh với sự say mê về nguồn cội.
Các sản phẩm nghệ thuật cũng “bắt trend” xu hướng cổ phục, tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh, như các MV: “Anh ơi ở lại” (Chi Pu) với trang phục cung đình và câu chuyện cổ tích Tấm Cám, “Để Mị nói cho mà nghe” (Hoàng Thùy Linh) với cảm hứng từ tác phẩm “Vợ chồng A Phủ”, “Không thể cùng nhau suốt kiếp” (Hòa Minzy) với kịch bản - tạo hình từ chuyện tình của Nam Phương hoàng hậu, hay như bộ phim điện ảnh đình đám “Người vợ cuối cùng” (đạo diễn Victor Vũ) với hàng trăm bộ cổ phục khắc họa đời sống nhà quan thế kỷ 19.
Mới đây, trong vòng sơ khảo cuộc thi “Người đẹp Hoa Lư” tại tỉnh Ninh Bình, các thí sinh trong phần thi áo dài cũng thể hiện rõ nét trang phục truyền thống cách tân với các chi tiết, hoa văn mang hình di sản.
Áo dài không chỉ mang hơi hướng cổ phục, mà đưa cổ phục lên một tầm cao mới trong sự kết hợp tinh tế và hài hòa trong không gian cổ kính của vùng đất cố đô.
Trong tháng 7, nhà thiết kế Đinh Văn Thơ – người đã dành tâm huyết cho áo dài Việt suốt gần 20 năm qua, cũng mở show diễn kỷ niệm và đánh dấu tình yêu gia đình.
Lấy bối cảnh Đại nội Huế mang đậm dấu ấn lịch sử, kiến trúc và văn hóa triều Nguyễn, những bộ trang phục áo dài lấy cảm hứng từ long bào và phượng bào của vua và hoàng hậu thời Nguyễn được trình diễn song song với những bộ áo dài từ trang phục của người phụ nữ Huế xưa.
Tuy cổ phục đã và đang xuất hiện nhiều trong đời sống thường nhật, song việc diện vẫn chưa thật đúng.
Trao đổi với GD&TĐ, nhà nghiên cứu La Quốc Bảo nói rằng, áo nhật bình - bản thân là lễ phục cao quý, từ trong cung rồi dần thành áo cưới trong dân gian, nói chung vẫn mang nặng tính lễ nghi.
Có thể cách tân và biến tấu phù hợp với nhu cầu hoạt động, nhưng mặc cả một bộ nhật bình mà làm các hành động phản cảm như: Chụp khoả thân, ưỡn ẹo, các hoạt động thể dục thể thao, các tư thế nằm trườn thì hoàn toàn không phù hợp.
Cổ phục Việt Nam rất phong phú và đa dạng, từ một bộ cổ phục, các chuyên gia có thể nhận biết nguồn gốc, thời điểm xuất hiện và chiều dài lịch sử gắn liền với nó. Tuy nhiên, điểm hạn chế nhất đối với cổ phục nước ta chính là các tư liệu và hình ảnh lịch sử. Bởi vậy, nhiều khi cùng một bộ trang phục có tên gọi giống nhau nhưng kiểu dáng thiết kế và cách hiểu mỗi người mỗi khác.
Hiểu đúng để diện đẹp hơn
Vì không có “mẫu số chung” nên trên các hội nhóm mạng xã hội và nhiều sự kiện liên quan cổ phục – ngày càng xuất hiện nhiều bộ trang phục loè loẹt, diêm dúa.
Dù được gọi là cổ phục, nhưng lại khá giống với Hán phục bởi cách thiết kế kiểu dáng và hoạ tiết. Thậm chí, có nhiều mẫu sau khi đưa vào sử dụng lại phải nhận “mưa lời chê” vì quá xấu.
Thậm chí có ý kiến cho rằng, trừ trang phục nhật bình hay cung đình, thì đa số người mặc cổ phục hiện nay dễ bị hiểu nhầm là hầu đồng bởi sự lòe loẹt. Trong khi cổ phục thường nhật đa số là một màu, việc “bung lụa” cách tân khiến cho cổ phục càng trở nên xa lạ, thay vì sự gần gũi, giản dị.
Cũng chính vì lý do này mà đến nay, khó có một mẫu cổ phục nào đủ sức thuyết phục để trở thành quốc phục. Vì thế, cổ phục chủ yếu để phục vụ trong các chương trình thời trang, phim trường, sân khấu, sự kiện, chụp ảnh cưới… chứ vẫn hiếm người mặc cổ phục ra đường, đi làm hay gặp gỡ bạn bè, đối tác.
Nhà văn Hoàng Quốc Hải – tác giả của nhiều tiểu thuyết lịch sử cho rằng, Việt Nam có một nền văn hóa y phục xuyên suốt từ cổ đại cho tới năm 1945 - đó là quốc phục.
Quốc phục là loại áo quần do dân chúng trong nước thường dùng một cách phổ cập. Nhưng cần biết thêm, quốc phục phân ra thường phục và lễ phục. Thường phục mặc thường ngày, lễ phục mặc vào những ngày lễ, tết hoặc các dịp long trọng.
Nhà thiết kế Nguyễn Đức Lộc - người sáng lập Ỷ Vân Hiên cho rằng, không nên phát triển cổ phục theo phong trào mà phải đặt cội nguồn văn hóa lên hàng đầu. Diện cổ phục cũng cần có kiến thức, sự am hiểu nhất định về văn hóa – lịch sử.
Tuy nhiên, nếu chỉ tái hiện nguyên dạng trang phục cổ thì e rằng quá cứng nhắc và có phần làm giảm hiệu quả, nếu xét trên tác dụng thúc đẩy giới trẻ tìm hiểu văn hóa truyền thống.
Nhà nghiên cứu La Quốc Bảo cũng đồng ý quan điểm người diện cổ phục cần trang bị một nền tảng kiến thức cơ bản về Việt phục.
“Cổ phục là một mảnh ghép quan trọng trong bức tranh lịch sử của mỗi dân tộc. Tập quán sinh hoạt, trình độ kĩ thuật hay thậm chí bối cảnh lịch sử phần nào được phản ánh thông qua cách ăn mặc.
Có kiến thức, am hiểu thì mới biết được ta là ai, tách biệt như thế nào với những quốc gia “anh chị em” trong khối Đồng Văn (Sinophere) vốn luôn tồn tại rất nhiều nét tương đồng dễ nhầm lẫn.
Thứ đến chính là nắm bắt được nét đặc trưng của Việt phục để tự tin định hướng phát triển, ứng dụng hợp lý trong nhịp sống hiện đại”, nhà nghiên cứu La Quốc Bảo cho hay.
Theo TS Phan Thanh Hải, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế: Hiệu ứng áo dài - cổ phục đã lan tỏa mạnh mẽ, nhưng Huế vẫn luôn dẫn đầu. Tôi từng nghe các bạn trong nhóm chụp ảnh dịch vụ ở Hoàng cung – Đại nội Huế nói “10 đoàn thì có 8 - 9 đoàn hỏi thuê, mượn cổ phục hoặc họ đã may và mặc từ trước”. Vì vậy, rất mong liên ngành Du lịch - Giáo dục - Di tích vào cuộc và có sự hướng dẫn thuyết minh cụ thể để du khách thêm hiểu biết về áo dài, cổ phục để mặc đúng và đẹp hơn.