Khi F0 cần... tổ Covid cộng đồng sẽ có
Những ngày qua, các thành viên tổ Covid cộng đồng phố 3 (phường Mường Thanh, thành phố Điện Biên Phủ) thường xuyên tất bật với nhiệm vụ mới. Bên cạnh việc quản lý, giám sát các trường hợp cách ly tại nhà theo kế hoạch, giờ đây họ nhận thêm nhiệm vụ hỗ trợ người bệnh.
Sau cuộc điện thoại nhờ hỗ trợ từ một gia đình F0 trong phố, ông Hoàng Khắc Định, Bí thư Chi bộ tâm sự: “Mấy ngày nay, số F0 trong phố liên tục gia tăng. Đa phần là không triệu chứng nên thực hiện điều trị, chăm sóc tại nhà. Việc điều trị có nhân viên y tế rồi, còn chăm sóc thì ngoài người thân sẽ có chúng tôi hỗ trợ. Nhiều gia đình thậm chí đều là F0 hết nên càng cần đến chúng tôi”.
Theo ông Định chia sẻ, thì để phát huy tốt vai trò, tổ thành lập nên nhóm Zalo bao gồm toàn bộ các thành viên. Mỗi gia đình có F0 sẽ được cập nhật thường xuyên. Trên cơ sở đó tổ “đi từng ngõ, gõ từng nhà” kiểm tra, rà soát. Thông qua đó xác định hoàn cảnh, tình hình dịch bệnh cụ thể của từng gia đình để lên phương án hỗ trợ.
“Qua kiểm tra chúng tôi nắm bắt được một số gia đình khó khăn. Tổ đã liên hệ với các hội, đoàn thể giúp họ mua rau, lương thực, thực phẩm. Vừa hỗ trợ họ trong lúc khó khăn, đồng thời cũng là để đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch chung của phố”, ông Định cho hay.
Thành phố Điện Biên Phủ đang được xem là “điểm nóng” về dịch bệnh, với 9/12 xã, phường được xác định là “vùng đỏ”. Trong đó, riêng tại phường Mường Thanh hiện có hơn 400 F0 thực hiện cách ly, điều trị tại nhà.
Theo ông Nguyễn Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND phường, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 địa phương đã phân công cụ thể cho các thành viên phụ trách từng địa bàn. Trên cơ sở đó, phối hợp chặt chẽ với lực lượng y tế cơ sở quản lý, điều trị, theo dõi sức khỏe từng trường hợp F0.
“Để thuận tiện cho công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức triển khai hoạt động, phường thành lập nhóm điều trị F0 tại nhà trên Zalo. Thông qua đó quản lý, theo dõi và hướng dẫn bệnh nhân khi có triệu chứng trở nặng, giúp F0 an tâm điều trị. Các tổ Covid cộng đồng có vai trò giám sát, tuyên truyền, kiểm tra việc thực hiện và hỗ trợ bệnh nhân khi có vấn đề phát sinh”, ông Quý cho biết thêm.
Còn tại Tủa Chùa, huyện đầu tiên tại Điện Biên triển khai điều trị F0 tại nhà, các tổ Covid cộng đồng cũng được xem là lực lượng “nòng cốt” trong hỗ trợ bệnh nhân. Với đặc thù địa bàn miền núi, các gia đình sinh sống cách xa nhau nên các tổ Covid cộng đồng cũng có cách làm riêng.
Ngay trước cửa mỗi gia đình có F0 tại bản Lịch, xã Xá Nhè đều treo biển thông báo cụ thể số điện thoại của các thành viên tổ Covid cộng đồng và lực lượng chức năng. Ông Giàng A Tằng, Tổ trưởng tổ Covid cộng đồng cho biết: “Mỗi lần có việc cần, các gia đình chỉ việc bấm máy gọi. Sau khi cập nhật tình hình, tôi sẽ chủ động bố trí thành viên trong tổ, ai gần nhất, thuận tiện nhất sẽ được huy động có mặt ngay để hỗ trợ người dân”.
Kiểm soát chặt chẽ rác thải
Gia đình anh Vũ Linh, phố 3, phường Mường Thanh có 4 F0 và 1 F1 cách ly, điều trị tại nhà. Vì thế lượng rác thải sinh hoạt hàng ngày không ít. Anh Linh cho biết, gia đình anh được hướng dẫn bỏ riêng rác thải sinh hoạt của F0, nhất là khẩu trang, khăn giấy qua sử dụng vào 2 lớp túi nilon. Số rác này sẽ được công nhân vệ sinh môi trường thu gom hàng ngày.
Theo Phó Chủ tịch UBND phường, mỗi người dân điều trị tại nhà đều cam kết thực hiện đúng các quy định phòng chống dịch, trong đó có phân loại, xử lý rác thải. Chính quyền địa phương cũng có hướng dẫn cụ thể, thông báo trên loa và qua tổ giám sát cộng đồng. Tuy nhiên, do tâm lý lo ngại lây nhiễm bệnh ra bên ngoài, nhiều hộ vẫn còn lúng túng.
“Để “gỡ khó” cho người dân, vừa qua Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 phường đã tổ chức cuộc họp nhanh với đại diện 15/15 tổ giám sát cộng đồng. Sau khi thống nhất phương án, phường đã bố trí 5 điểm đặt thùng chuyên chứa rác thải nguy hại tại các vị trí hợp lý, cách xa nhà dân. Rác thải F0 sẽ được hướng dẫn tập kết riêng tại các địa điểm này để người dân yên tâm”, ông Quý nói.
Cũng theo chia sẻ của ông Quý, thì bước đầu các phố sẽ hỗ trợ người dân túi đựng rác đúng chuẩn. Sau đó hướng dẫn các gia đình tự mua. Hàng ngày, nhân viên Công ty môi trường sẽ thu gom, vận chuyển rác cố định vào thời gian từ 7 - 9 giờ vào các ngày thứ 2, 4, 6, Chủ nhật hàng tuần. Nhiệm vụ mang rác ra địa điểm quy định do người thân của bệnh nhân thực hiện. Trong trường hợp cần thiết sẽ có sự hỗ trợ của tổ giám sát cộng đồng.
Xã Ẳng Nưa, huyện Mường Ảng, hiện có 18 F0 điều trị tại nhà. Theo ông Lò Văn Hòa, Chủ tịch UBND xã, do là địa bàn nông thôn không có điều kiện triển khai như thành phố nên rác thải của F0 được xử lý “tại chỗ”, để phù hợp với điều kiện thực tế.
“Chúng tôi đã tận dụng các khu vực đất rộng và thoáng để phân loại, tiêu hủy luôn rác thải của F0 hàng ngày, không để lây lan ra vật nuôi, môi trường. Nhiệm vụ này sẽ do các gia đình trực tiếp thực hiện thông qua sự giám sát, nhắc nhở thường xuyên của tổ Covid-19 cộng đồng”, ông Hòa nói.
Còn theo ông Đinh Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Ảng, hiện rác thải sinh hoạt của hầu hết F0 điều trị tại nhà đang thực hiện đốt hoặc chôn lấp tại chỗ. Đây là giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, đồng thời đảm bảo kiểm soát, xử lý triệt để nguy cơ từ nguồn rác thải này.
“Thực tế rác thải của họ không nhiều bởi ở các bản người dân tự nấu ăn, tự phục vụ là chủ yếu. Còn một số cơ sở giáo dục trên địa bàn có học sinh cách ly, điều trị tại trường thì thực hiện thu gom, đốt rác thải tại hố xây của nhà trường đảm bảo đúng quy định”, ông Sơn nói.
Tính đến 1/3, tỉnh Điện Biên có 4 ngày liên tiếp ghi nhận hơn 1.000 ca nhiễm Covid-19 mỗi ngày. Trong đó, gần 3.000 người đang thực hiện cách ly, điều trị tại nhà, thuộc 9/10 huyện, thị xã, thành phố, bao gồm: Điện Biên, Mường Ảng, Tuần Giáo, Tủa Chùa, Điện Biên Đông, Mường Chà, Nậm Pồ, thị xã Mường Lay và TP Điện Biên Phủ.