“Săn mồi” qua ứng dụng hẹn hò
Ngày 8/10, Công an TP Hà Nội cho biết, Công an quận Long Biên đã tạm giữ Phạm Văn Dũng (SN 1981, trú tại phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội) để điều tra về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Theo cơ quan công an, trước đó (ngày 2/10), Công an phường Đức Giang tiếp nhận đơn trình báo của chị M. (SN 1974, trú tại huyện Gia Lâm, TP Hà Nội) về việc bị một đối tượng tự xưng là cán bộ công an lừa đảo chiếm đoạt số tiền 100 triệu đồng. Đơn trình báo, chị M. cho hay, có quen biết người đàn ông qua ứng dụng hẹn hò và nhiều lần gặp gỡ, đối tượng tự giới thiệu là Nguyễn Hà Sơn, cán bộ công an.
Khi tạo được sự tin tưởng với chị M., người đàn ông trên đã lừa chị chuyển 100 triệu đồng. Sau đó, người đàn ông tự xưng cán bộ công an lại tiếp tục hẹn đến nhà để dùng thủ đoạn gian dối lừa đảo chiếm đoạt tiền của chị M. nên tổ công tác Công an phường Đức Giang đã bắt giữ khi đang nhận 30 triệu đồng của chị M.
Tại cơ quan công an, đối tượng khai nhận tên thật là Phạm Văn Dũng (SN 1981, trú tại phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội), không có công ăn việc làm ổn định. Do cần tiền để tiêu xài cá nhân, Dũng lên mạng tải ứng dụng hẹn hò và quen biết với chị M.
Thấy chị này nhẹ dạ cả tin nên Dũng đã tự nhận mình là cán bộ công an để lừa đảo chiếm đoạt tiền của chị M. Hiện, Công an Công an quận Long Biên đang củng cố hồ sơ, xử lý đối tượng theo quy định.
Tương tự thủ đoạn trên, Công an phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm (TP Hà Nội) đã kịp thời ngăn chặn vụ mạo danh công an gọi điện thoại đe dọa người dân để lừa đảo chiếm đoạt 200 triệu đồng.
Trước đó (ngày 1/10), Công an phường Đại Mỗ nhận được thông tin bà N. (đã đổi tên) đang đến ngân hàng rút toàn bộ số tiền 200 triệu đồng từ sổ tiết kiệm để chuyển vào tài khoản của một người lạ sau cuộc điện thoại. Nghi vấn có dấu hiệu lừa đảo, gia đình đã khuyên can nhưng bà N. không nghe.
Nhận được tin báo, Công an phường Đại Mỗ đã liên hệ bà N., lúc này đang rất hoang mang lo lắng về trụ sở công an để xác minh, làm rõ. Đồng thời, cán bộ công an phường giải thích cho bà N. về thủ đoạn lừa đảo mà bà đang gặp phải.
Trình bày với cơ quan công an, bà N. cho biết, sáng cùng ngày có một người tự xưng là cán bộ Bộ Công an gọi điện thoại thông báo bà có liên quan đến một vụ án ma túy và rửa tiền, yêu cầu chuyển số tiền là 200 triệu đồng để phục vụ điều tra, chứng minh bản thân trong sạch.
Ngay sau đó bà N. đã mang 2 sổ tiết kiệm trị giá 200 triệu đồng đi đến ngân hàng để rút tiền và dự kiến chuyển cho đối tượng. Công an phường đã giải thích, tuyên truyền về các phương thức, thủ đoạn hoạt động của đối tượng lừa đảo cho bà N. nắm được. Sau khi được giải thích bà N. đã hiểu và dừng việc chuyển tiền cho đối tượng lừa đảo.
Cảnh giác để tránh “sập bẫy” lừa đảo
Không được may mắn như các nạn nhân trên, mới đây, chị T. (trú tại TP Hà Nội) có truy cập quảng cáo trên trang Facebook “KIDS RUN - Marathon” về giải chạy cho các bạn nhỏ từ 4 - 15 tuổi và gia đình.
Trang Facebook này thường xuyên đăng tải bài viết về cơ cấu giải thưởng cuộc thi như: Toàn bộ chi phí quà tặng cho vận động viên xuất sắc sẽ được sử dụng để thêm vào chi phí cho chuyến đi từ thiện sau khi giải chạy kết thúc, là giải chạy vì đồng bào, chạy vì rừng xanh...
Thấy đây là sân chơi hay, bổ ích cho con, chị T. đã nhắn tin đăng ký tham gia và được “Ban tổ chức” yêu cầu tham gia hoạt động khảo sát cho phụ huynh thì sẽ được tham gia xét duyệt chính thức vào nhóm hoạt động chung của phụ huynh để giao lưu, trao đổi. Khi vào nhóm, chị được một “phụ huynh” nhờ thực hiện nhiệm vụ để giúp các nhà tài trợ giải chạy đẩy lượt bán sản phẩm. Sau 2 lần chuyển khoản với số tiền nhỏ: 850 nghìn đồng, 3 triệu đồng; chị T. nhận lại được đủ số tiền.
Khi số tiền tăng lên thì chị T. không nhận lại được. Chị T. được các “phụ huynh rởm” trong nhóm nhắn tin hỏi và trao đổi “cũng không nhận lại được tiền nhưng sau khi thực hiện thêm nhiệm vụ, được nhận lại đủ số tiền của cả 2 lần”.
Nghi ngờ có dấu hiệu lừa đảo, chị T. yêu cầu các phụ huynh kia gửi ảnh căn cước. Do thấy ảnh căn cước đáng tin cậy, chị tiếp tục chuyển 7 lần với tổng số tiền gần 1 tỷ đồng. Lúc này chị T. không rút được tiền, mới biết bị lừa và đến cơ quan công an trình báo.
Về tội phạm trật tự xã hội, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP Hà Nội cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2024, các đơn vị trên toàn thành phố điều tra khám phá 3.449 vụ, 7.871 đối tượng; triệt phá 5 băng nhóm tội phạm có tổ chức, bắt giữ 58 đối tượng; bắt giữ 87 đối tượng truy nã.
Đồng thời, cơ quan công an đã đăng tải các bài viết trên các trang fanpage và 579 nhóm cộng đồng dân cư trên địa bàn, phát hành trên 230.000 tờ rơi, tổ chức trên 650 hội nghị tại các tổ dân phố, thôn, xóm tuyên truyền về phương thức thủ đoạn hoạt động tội phạm của tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Công an TP Hà Nội phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông tuyên truyền đến quần chúng nhân dân trên địa bàn về hình thức, phương thức thủ đoạn hoạt động của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức gửi tin nhắn.
Bên cạnh đó, Công an TP Hà Nội phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hà Nội và các ngân hàng TMCP đặt 100% hệ thống biển cảnh báo tại các phòng giao dịch, chi nhánh của các ngân hàng với nội dung cảnh báo thủ đoạn lừa đảo.
Trước diễn biến phức tạp của tội phạm công nghệ cao, mạo danh cơ quan chức năng, tự xưng công an để lừa đảo, Công an TP Hà Nội đề nghị người dân cần cảnh giác, tuyên truyền đến người thân, bạn bè về thủ đoạn trên, tránh mắc bẫy của đối tượng xấu nhất là đối với những người lớn tuổi. Công an TP Hà Nội cũng cho biết, để làm việc với người dân, cơ quan công an sẽ trực tiếp gửi giấy mời, giấy triệu tập hoặc gửi qua công an địa phương, tuyệt đối không yêu cầu người dân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng. Đồng thời lưu ý, người dân khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo như trên, cần báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất.