Điện Biên: "Phiên tòa thân thiện" đầu tiên xét xử vụ án xâm hại tình dục trẻ em

GD&TĐ - Một vụ án xâm hại tình dục (XHTD) người dưới 18 tuổi lần đầu tiên được Tòa án nhân dân huyện Tủa Chùa (tỉnh Điện Biên) xét xử theo mô hình “Phiên tòa thân thiện”.

Vụ án xâm hại tình dục trẻ em đầu tiên tại Tủa Chùa (Điện Biên) xét xử theo mô hình "Phiên tòa thân thiện".
Vụ án xâm hại tình dục trẻ em đầu tiên tại Tủa Chùa (Điện Biên) xét xử theo mô hình "Phiên tòa thân thiện".

Vừa qua, Tòa án Nhân dân (TAND) và Viện Kiểm sát nhân dân huyện Tủa Chùa đã phối hợp xét xử kín vụ án hình sự về tội “Giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi”.

Với “Phòng xét xử thân thiện”, phiên tòa nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng dưới 18 tuổi theo quy định, cũng như mang nhiều giá trị nhân văn đối với nạn nhân.

Đây là phiên tòa hình sự đầu tiên được tòa án địa phương tổ chức theo mô hình này. Phiên tòa có nhiều điểm khác biệt, như: Vị trí của người tiến hành tố tụng, tham gia tố tụng được sắp xếp ngang hàng, gần nhau; bị hại ngồi cạnh người đại diện và trợ giúp viên pháp lý nhằm đảm bảo các lợi ích tốt nhất.

Ngoài ra, thành viên hội đồng xét xử không mặc đồng phục quy định mà sử dụng trang phục công sở. Qua đó, tạo không khí gần gũi như một phiên họp, giảm bớt khoảng cách giữa người tiến hành tố tụng và tham gia tố tụng.

Phiên tòa được xét xử kín, thực hiện việc cách ly giữa bị cáo và bị hại khi khai báo. Hội đồng xét xử và kiểm sát viên không yêu cầu bị hại tường thuật lại chi tiết diễn biến vụ án. Câu hỏi đối với bị hại phù hợp với lứa tuổi, không gây xấu hổ, xúc phạm, ngắn gọn, rõ ràng, đơn giản, dễ hiểu, phục vụ làm rõ tình tiết vụ án. Không có câu hỏi để tranh luận.

Theo đại diện TAND địa phương, người dưới 18 tuổi chưa phát triển đầy đủ cả về thể chất lẫn tinh thần, bị hạn chế về kinh nghiệm và kỹ năng sống. Do vậy, tổ chức phòng xử án thân thiện là việc làm rất cần thiết nhằm đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp cũng như sự phát triển bình thường của nạn nhân.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ