(GD&TĐ) - Dù đã cố gắng, nỗ lực vượt khó chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất cho học sinh vào năm học mới 2013 - 2014 nhưng hiện nhiều trường vùng sâu, xa… đang đứng trước khó khăn, nỗi lo “bất khả kháng” không đảm bảo phòng học “3 cứng” (mái cứng, khung cứng, nền cứng).
Khó trăm bề
Mục tiêu đề ra cho đầu năm học 2013 – 2014 là xóa được trên 50% phòng học, ở tạm, mượn cho học sinh các vùng khó khăn.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, khi học sinh bắt đầu năm học mới thì nhiều trường vùng khó khăn khó có thể hoàn thành mục tiêu làm phòng học, phòng ở kiên cố cho học sinh. Cùng với đó là nỗi lo vận động quyên góp sách, vở cho học sinh trong ngày đến trường và huy động các em ra lớp.
Trao đổi với chúng tôi, cô Trần Thị Hiếu, Trưởng phòng GD&ĐT thị xã Mường Lay cho biết: “Năm học mới theo Nghị định 74/2013/NĐ – CP, sẽ không hỗ trợ 70.000 đồng chi phí mua vở, sách giáo khoa đầu năm cho học sinh nên Phòng đã triển khai cho các trường tuyên truyền, vận động học sinh quyên góp sách giáo khoa cũ. Đến nay theo báo cáo của các đơn vị trường học thì việc quyên góp sách đã đáp ứng được với yêu cầu. Khó khăn nhất của phòng, để đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng dạy – học, việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia vẫn là việc chậm tiến độ xây dựng trường học kiên cố, chưa quy hoạch được mặt bằng xây dựng.
Do vậy, nhiều trường gặp khó khăn trong dạy - học vì phải xen ghép với cơ quan khác, như trường: Tiểu học Nậm Cản, Mầm non Chi Luông và 2 điểm trường mầm non Huổi Luân, Đồi Cao còn đang học phòng tạm, mượn (dù đã được phê duyệt đầu tư từ nguồn vốn tái định cư).
Theo như quy hoạch đã phê duyệt của khu tái định cư đến năm học 2014 – 2015, trên địa bàn xã Lay Nưa và khu tái định cư Chi Luông sẽ có 4 trường được xây dựng xong, bàn giao và đi vào hoạt động nhưng hiện nay vẫn chưa có mặt bằng, chưa được quy hoạch. Phòng đang đứng trước nỗi lo “vỡ kế hoạch” xây dựng trường đạt chuẩn đã đề ra”.
Còn tại huyện Mường Nhé, trong hè Phòng GD&ĐT đã triển khai cho các trường kết hợp công tác xã hội hóa giáo dục tiến hành làm 198 phòng nội trú cho học sinh và 93 phòng học theo tiêu chí “3 cứng”. Do điều kiện thời tiết mưa nhiều, vận động người dân khó khăn nên chỉ những trường có số phòng được giao ít từ 3 - 5 phòng thì các giáo viên đã hoàn thành, còn trường được giao nhiều thì khó có thể hoàn thành khi bước vào năm học mới.
Thầy cô giáo và phụ huynh Trường Tiểu học xã Chung Chải, huyện Mường Nhé làm phòng học, phòng ở cho học sinh |
Đi tìm giải pháp
Trường Tiểu học xã Chung Chải có số phòng học, ở cần được kiên cố nhiều nhất trong huyện, với 48 phòng nên ngay từ khi được nghỉ hè, các giáo viên phải ở lại nhưng mọi sự cố gắng, nỗ lực khó hoàn thành vào đầu năm học.
Thầy Phạm Văn Khiêm, Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: Dù các giáo viên đã nhiệt tình làm hết trách nhiệm được giao nhưng hiện tại mới làm xong mặt bằng, tập trung cột và tre, nứa… Bởi việc vận động người dân trên địa bàn hết sức khó khăn, một phần do vào thời vụ, người dân đi làm thuê và chưa có nhận thức về tầm quan trọng của giáo dục nên đa số chỉ là công sức của giáo viên. Trường quyết tâm đến đầu năm học mới, có thể đảm bảo được 18 phòng học theo tiêu chí “3 cứng” cho học sinh, còn lại nhà ở cho các em thì làm dần, bằng việc tiếp tục vận động người dân các bản ra làm. Bên cạnh việc lo phòng học, phòng ở cho học sinh trong năm học mới thì các thầy cô giáo nơi đây đang đứng trước khó khăn “bất khả kháng” có thể rất khó đáp ứng được với yêu cầu học tập của học sinh và khó vận động các em ra lớp.
Cũng mang tâm trạng, nỗi lòng như các thầy, cô giáo tại Trường Tiểu học Chung Chải, ông Trần Ngọc Kiên, Trưởng phòng GD&ĐT Mường Nhé đang lo lắng việc vận động và duy trì sĩ số học sinh khi áp dụng nghị định mới của Chính phủ trên địa bàn huyện, học sinh phải đóng học phí và không được hỗ trợ tiền mua sách, vở, đồ dùng học tập… Hiện, Phòng đã trích kinh phí chi cho sự nghiệp giáo dục mua sách cho các em nhưng cũng chỉ đáp ứng được khoảng 60% số học sinh, còn lại 40% vận động học sinh các trường quyên góp.
Kết thúc năm học 2012 - 2013, toàn tỉnh Điện Biên có 491 trường, 7.057 lớp với 150.195 học sinh. Hiện chỉ có 3.940 phòng kiên cố, còn 1.654 phòng tạm, mượn (dù đã giảm được 164 phòng so với năm học trước). |
Phạm Kiên Cường