Điện Biên lan tỏa trí tuệ số vào đời sống người dân qua 'Ngày hội AI'

GD&TĐ - Ngày 6/5, tỉnh Điện Biên tổ chức ‘Ngày hội AI’ với mục tiêu phổ cập AI, ứng dụng công nghệ, kỹ năng số cho người dân trong thời đại số.

Học sinh Điện Biên hào hứng tham gia "Ngày hội AI".
Học sinh Điện Biên hào hứng tham gia "Ngày hội AI".

Ngày hội được tổ chức nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Đặc biệt, sự kiện lần này là dấu mốc quan trọng, kỷ niệm hành trình Điện Biên trở thành tỉnh đầu tiên hoàn thành phổ cập AI cho toàn ngành GD&ĐT.

img-2710.jpg
Ông Lê Thành Đô - Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên phát biểu tại ngày hội.

Phát biểu tại ngày hội, ông Lê Thành Đô - Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên khẳng định: Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) hiệu quả là chìa khóa để tỉnh Điện Biên phát huy tiềm năng, nâng cao năng suất, cải thiện chất lượng sống, giúp các địa phương, nhất là vùng sâu, vùng xa vượt qua giới hạn về địa lý, hạ tầng, nguồn lực, tiềm năng thiên nhiên, văn hóa mở ra cánh cửa phát triển nhanh và bền vững.

img-2697.jpg
Học sinh tham gia trải nghiệm lập trình Scratch tại ngày hội.

Ngoài ra, sự kiện cũng là dịp để các cơ quan, đơn vị, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp, chuyên gia công nghệ, giáo viên, đông đảo học sinh, đoàn viên thanh niên trên địa bàn tỉnh Điện Biên cùng giao lưu, trải nghiệm những thành tựu mới nhất của công nghệ trí tuệ nhân tạo và công nghệ số.

Tại ngày hội, ông Lê Thành Đô đã phát động chiến dịch “Điện Biên Phủ - Hành trình phủ AI” và phong trào “Bình dân học vụ số” nhằm giúp người dân sử dụng thành thạo các thiết bị thông minh, tiếp cận các dịch vụ số, tham gia an toàn, hiệu quả vào môi trường mạng.

z6572796820939-ac0cc0061f5042eb5d8f51b575d9495c.jpg
Nhiều thiết bị tích hợp AI được trưng bày cho người dân trải nghiệm tại ngày hội.

Để phong trào lan tỏa sâu rộng, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên yêu cầu các cơ quan, sở, ban, ngành triển khai linh hoạt các giải pháp như: Ứng dụng các nền tảng học tập trực tuyến; tập huấn, đào tạo theo nhóm đối tượng; nhân rộng mô hình “Đại sứ số”, “Gia đình số”, “Chợ số” “Nông thôn số” và phát huy vai trò tổ công nghệ số với phương châm “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn từng người”.

Tỉnh Điện Biên đặt mục tiêu đến năm 2026, 100% người dân trong độ tuổi trưởng thành sẽ được trang bị kiến thức cơ bản về số hóa, có kỹ năng số phù hợp và sẵn sàng tham gia tích cực vào xã hội số.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ