Dòng sông lịch sử
Sông Nậm Rốm bắt nguồn từ dãy núi Pú Huổi Luông thuộc xã Nà Tấu, thành phố Điện Biên Phủ. Đây là dãy núi có nhiều suối, khe với lượng nước dồi dào trực tiếp đổ vào sông Nậm Rốm. Theo tiếng của đồng bào dân tộc Thái, “nậm” là sông, suối, “rốm” là cây lát. Nơi đầu nguồn của Nậm Rốm có một rừng gỗ lát. Nậm Rốm tức là dòng sông bắt nguồn từ rừng gỗ lát.
Sông Nậm Rốm có chiều dài khoảng 35km, chảy theo hướng Bắc – Nam, qua địa phận thành phố Điện Biên Phủ, huyện Điện Biên, sau đó nhập với sông Nậm Núa trước khi hòa vào sông Mê Kông. Nậm Rốm được ví như dải lụa mềm chảy qua núi đồi của tỉnh Điện Biên. Nhiều đoạn sông Nậm Rốm vẫn giữ được vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ của một dòng sông ở miền núi. Khi chảy về đến khu vực lòng chảo Mường Thanh thì hai bên bờ sông mở rộng nuôi dưỡng cánh đồng Mường Thanh tươi tốt.
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, người Pháp cho xây dựng cây cầu Mường Thanh nối giữa đôi bờ sông Nậm Rốm (nay là di tích Cầu Mường Thanh). Người Pháp gọi là cầu “Bailey”. Cây cầu sắt duy nhất được xây dựng vào năm 1953, khi Pháp chiếm lại Điện Biên Phủ.
Cầu Mường Thanh lung linh trước thềm Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. |
Cây cầu là con đường huyết mạch quan trọng nối giữa các cứ điểm ở phía Tây sông Nậm Rốm với các cao điểm phía Đông của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, là con đường vận chuyển lương thực, vũ khí, đạn dược … nguyên vật liệu phục vụ cho việc xây dựng các cứ điểm phòng ngự ở khu vực phía Đông.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, đời sống của người dân Điện Biên vẫn gặp vô vàn gian nan, khó khăn. Dù có cánh đồng Mường Thanh rộng lớn nhưng do thiếu nước sản xuất nên chưa đáp ứng được nhu cầu lương thực của người dân.
Năm 1963, để tạo bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp trên mảnh đất Điện Biên lịch sử, Đảng và Nhà nước đã quyết định đầu tư công trình Đại thủy nông Nậm Rốm. Đây là công trình thủy lợi lớn thứ hai của cả miền Bắc khi đó chỉ sau công trình thủy nông Bắc Hưng Hải.
Dự án quản lý đa thiên tai
Với định hướng quản lý rủi ro đa thiên tại liên quan đến nước, dự án “Quản lý đa thiên tai lưu vực sông Nậm Rốm nhằm bảo vệ dân sinh, thích ứng biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế xã hội, tỉnh Điện Biên” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định 170/QĐ-TTg ngày 4/2/2021. Nguồn vốn vay ODA của Cơ quan Phát triển Pháp (AFD). Ban quản lý dự án các công trình Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Điện Biên làm chủ đầu tư thực hiện dự án.
Dự án được triển khai xây dựng trong 5 năm 2021-2025 với tổng số vốn hơn 981 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn cho dự án bao gồm 665,5 tỷ đồng từ nguồn hỗ trợ phát triển chính thức; 275 tỷ đồng từ vốn đối ứng và 40,5 tỷ đồng từ nguồn hỗ trợ không hoàn lại của EU. Theo đó, tỉnh Điện Biên sẽ xây dựng 14,7km kè dọc sông Nậm Rốm, xây đập tràn và nạo vét một số đoạn sông.
Hạng mục nạo vét lòng sông trong gói thầu số 4 hoàn thành trước tiến độ để dâng nước. |
Ông Nguyễn Hữu Hiệp, Giám đốc Ban quản lý dự án các công trình NNPTNT tỉnh Điện Biên cho biết: “Mục tiêu tổng quát của dự án là quản lý tổng hợp lưu vực sông Nậm Rốm với định hướng quản lý rủi ro đa thiên tại liên quan đến nước. Nâng cao năng lực ứng phó biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai. Chống sạt lở bảo vệ đất đai, an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân. Tăng cường khả năng tiêu thoát lũ, chống ngập. Cấp nước sinh hoạt, công nghiệp; hạn chế di dân, ổn định sản xuất nông nghiệp, góp phần ổn định dân sinh, phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn”.
Dự án nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai liên quan đến nước nhằm bảo vệ an toàn cho khoảng 40.000 dân thuộc các phường, xã của thành phố Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên. Chỉnh trị dòng sông Nậm Rốm đoạn qua thành phố Điện Biên Phủ, tăng khả năng thoát lũ, giảm ngập cho khoảng 150 km2 khu vực lòng chảo Điện Biên, bảo vệ cảnh quan, môi trường và phát triển hạ tầng đô thị.
Cùng với đó, góp phần phát triển ngành nông nghiệp đảm bảo cung cấp các sản phẩm chăn nuôi gia súc, gia cầm và trồng trọt rau củ quả phục vụ khoảng 45.000 người trên địa bàn tỉnh. Góp phần tăng cường khả năng cấp nước cho sản xuất nông nghiệp với diện tích khoảng 18.000ha, bổ sung nguồn nước mặt và nước ngầm để tăng khả năng cấp nước sinh hoạt với công suất 2000m3 cho người dân các xã thuộc huyện Điện Biên...
Sớm đẩy nhanh tiến độ
Hướng đến kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, UBND tỉnh Điện Biên đã chỉ đạo chủ đầu tư đốc thúc các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ thực hiện gói thầu số 4.
Theo ông Nguyễn Hữu Hiệp cho biết: “Đối với gói thầu số 4, tuyến kè từ cầu Thanh Bình đến cầu C4 các nhà thầu đã đẩy nhanh tiến độ thi công từng hạng mục. Theo đó, hạng mục nạo vét lòng sông trong khu vực trung tâm Thành phố Điện Biên Phủ đã hoàn thành 100% khối lượng đoạn từ cầu Thanh Bình đến đập dâng hiện hữu. Đài quan sát, lầu vọng cảnh; đường đi bộ dọc theo sông bao gồm cả hệ thống chiếu sáng quanh khu vực đường đi dạo và hệ thống lan can bảo vệ; tuyến đường đi xe máy qua đập dâng hiện hữu đều được hoàn thiện trước ngày 30/4”.
Ông Phạm Quý Hùng, quản lý của Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Việt Long cho biết: “Chúng tôi đảm nhiệm gói thầu không gian xanh của cải tạo khuôn viên bao gồm hạng mục lát đá và lắp lan can. Chúng tôi đã đẩy nhanh tiến độ, chia thành nhiều đoạn và bổ sung nhân công để hoàn thiện hạng mục này trước ngày 30/4”.
Công nhân của Công ty TNHH Đầu tư Thương mại và Dịch vụ Hoàng Anh thi công đường tránh cầu Mường Thanh. |
Còn Công ty TNHH Đầu tư Thương mại và Dịch vụ Hoàng Anh đảm nhiệm hạng mục nạo vét lòng sông và đường tránh cầu Mường Thanh. Ông Trần Quyết Thắng, quản lý công trường của Công ty cho biết: “Chúng tôi đã huy động mọi nguồn lực, máy móc, thiết bị và các biện pháp kỹ thuật, tăng ca, tăng kíp để hoàn thành các hạng mục trước thời gian diễn ra Lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ”.
Theo ông Nguyễn Hữu Hiệp, dự án được chia thành 7 gói thầu thì đến nay mới chỉ có gói thầu số 4 và số 5 là cơ bản hoàn thành. Các gói thầu còn lại đều vướng giải phóng mặt bằng. Hiện tại, đơn vị đang triển khai đúc sẵn phần mái kè của các gói thầu thi công.
“Bên cạnh việc đốc thúc các đơn vị thi công, chúng tôi mong muốn có được mặt bằng sạch để đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án theo đúng thời gian” – ông Nguyễn Hữu Hiệp cho biết.