Tai bay vạ gió...
Sáng 6/9, khi dư luận đã tạm lắng xuống sau hơn 1 ngày “nóng sốt” trước thông tin ngộ độc thực phẩm hàng loạt sau lễ mừng tân gia của gia đình anh Lò Văn Phênh, vợ chồng anh Phênh suy sụp hẳn đi.
Anh Phênh vẫn ngây ngất hơi men sau 1 ngày tiếp khách với 60 mâm cỗ từ khắp các xã lân cận và từ huyện Sốp Cộp của tỉnh Sơn La lên chia vui. Cả anh Phênh và chị Lò Thị Liên (vợ của Phênh) đều cảm thấy buồn và ái ngại với bà con chòm xóm.
“Tôi chỉ nghi là thịt ngan với thịt lợn bị ngộ độc thôi, chứ thịt bò thì không phải vì gia đình tôi đã ăn, đánh tiết canh từ chiều ngày mùng 3/9 rồi. Nếu có vấn đề gì thì nhà tôi phải bị trước.
Có người nói là do ngộ độc rượu nhưng cũng chẳng phải, vì hôm đấy cũng may thế nào tôi chẳng ăn được gì, chỉ đi uống rượu để cám ơn người ta. Cũng được khoảng 50 mâm là tôi đi mời được hết nhưng tôi chỉ bị say thôi chứ có làm sao đâu.
Mà qua kiểm tra mẫu thì rượu nhà tự nấu cũng không bị làm sao, người ta bảo thế”, anh Phênh nói.
Khi anh Phênh còn đang cùng mấy trai bản bàn tán về câu chuyện diễn ra hôm lên nhà mới thì chị Liên vẫn đang loay hoay thịt gà để làm bữa cơm trưa khi nhà có khách.
Trong bếp vẫn một rổ da bò luộc, 1 nồi to hỗn độn cả thịt lẫn xương bò và một nồi thịt bò xào còn sót lại sau bữa cỗ nhưng chẳng ai dám động đến.
“Trưa ngày 4/9, gia đình tôi đã tổ chức 60 mâm cơm mừng nhà mới. Gia đình dự tính mời khoảng 250 người, thế nhưng có đến hơn 600 người ăn vì nhiều người họ vẫn tự đến.
Sau bữa cơm trưa, đến khoảng 4 giờ sáng ngày 5/9, nhiều người bắt đầu bị sốt, nôn, hoa mắt chóng mặt, đau bụng, tiêu chảy nhiều lần. Mọi người mới báo cho gia đình, vợ chồng tôi vừa buồn, vừa sợ, chỉ sợ họ bị làm sao thì chúng tôi ân hận cả đời”, chị Liên tâm sự.
Theo những gì vợ chồng anh Phênh nhớ được thì gia đình có nhờ bạn bè, anh em đi mua 1 con bò ở bản Noong É xã Mường Lói, 1 con lợn ở xã Pom Lót và gần 50kg ngan thịt tại xã Thanh Yên (huyện Điện Biên), một số loại rau, củ quả và gia vị ngoài chợ về chế biến thức ăn để làm cỗ.
Gia đình anh cũng như bao hộ gia đình khác, mỗi khi có việc đều làm như vậy, song không hiểu sao “tai bay vạ gió” bỗng dưng ập đến khiến vợ chồng anh Phiêng thấy áy náy với xóm giềng. Giờ đây, vợ chồng anh chỉ biết ngồi cầu mong cho mọi người được bình an.
Bưng bít?
Sáng nay 6/9, tại UBND xã biên giới Mường Lói, trao đổi với phóng viên, ông Lò Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND xã xác nhận: Trong hai ngày 5 và 6/9 hơn một trăm người trên địa bàn xã đã phải đến Trạm Y tế xã điều trị, truyền dịch giải độc do bị tiêu chảy, đau bụng cấp. Hiện tại, số người có biểu hiện bệnh trên địa bàn vẫn tiếp tục tăng.
Thế nhưng, ông Lò Văn Triển, Phó chủ tịch UBND xã này lại không ít lần đính chính, đó là do “rối loạn tiêu hóa”. “Xin được đính chính với các anh chị (PV) thế này. Mình không nói đến chuyện ngộ độc nữa, mà phải nói là họ bị rối loạn tiêu hóa”, ông Lò Văn Triển nói.
Khi được hỏi dựa trên cơ sở nào để khẳng định rằng hơn 100 người kia không bị ngộ độc thì ông Triển cho biết, cán bộ y tế kiểm tra và kết luận như vậy.
10 giờ sáng 6/9, tại Trạm Y tế xã Mường Lói vẫn la liệt người nằm. Có mấy phòng khám, điều trị nội trú thì đã quá tải. Khoảng 30 người vẫn đang nhăn nhó trong đau đớn chờ đến lượt được khám. Họ được cán bộ y tế trạm trải cho cái chiếu để cùng nhau nằm, ngồi nhốn nháo ngoài sân.
Ông Phạm Duy Tùng, Phó trưởng Trạm Y tế xã Mường Lói cho biết, bệnh nhân đến trạm cấp cứu bắt đầu từ khoảng 3 giờ 30 phút ngày 5/9. Sau đó nhiều người lần lượt đến với cùng biểu hiện.
Riêng ngày 5/9, trạm đã thăm khám, cấp thuốc, truyền giải độc cho 97 người dân tộc Lào ở các bản Lói 1, Lói 2. Trước thực trạng số người điều trị tăng đột biến, trạm đã báo cáo Trung tâm Y tế huyện và đề nghị hỗ trợ.
Theo đó, trong ngày 5/9, Trung tâm Y tế huyện Điện Biên đã điều động 10 người từ Trung tâm Y tế huyện, Trạm Y tế xã Pu Luông, Trạm Y tế xã Mường Nhà và cán bộ y sĩ Đồn Biên phòng Mường Lói sang hỗ trợ tiếp nhận, điều trị. Với biểu hiện bệnh chung của người bệnh, là: Đau bụng, đau đầu, sốt, tiêu chảy cấp, Trạm Y tế xã Mường Lói đã tiến hành truyền giải độc, cho người bệnh uống giảm đau, thuốc tiêu hóa.
Khi hỏi về nguyên nhân nào khiến cho khoảng 100 người phải nhập viện sau cỗ mừng tân gia, ông Tùng cho biết, kết quả chẩn đoán ban đầu là do “rối loạn tiêu hóa” chứ không phải do bị ngộ độc thực phẩm.
Khi phóng viên đề cập đến các biểu hiện của ngộ độc thực phẩm, ông Tùng khẳng định: “Ngộ độc thực phẩm thì chỉ sau khi ăn tầm 4 tiếng là phải nhập viện rồi. Nếu ngộ độc nhanh, nặng thì tầm 4 tiếng phải đến trạm rồi. Biểu hiện chủ yếu của người bệnh là: Nôn, đau bụng, hoa mắt, chóng mặt kèm theo đi ngoài phân lỏng hoặc toàn nước nữa. Đấy là ngộ độc nặng đấy”.
Cuối giờ trưa 6/9, ngoài sân Trạm Y tế xã Mường Lói vẫn la liệt người đợi, khoảng hơn 30 người. Ông Tùng thì cho rằng tất cả đều là những người đã đến và điều trị từ hôm qua (5/9), song chị Lò Thị Pâng thì khẳng định hầu hết là những người mới được phát hiện.
Chỉ có chị và một vài người đã đến từ hôm qua nhưng hết thuốc, phải đợi cả 1 ngày mới có thuốc từ huyện gửi vào.