Điện Biên: Củ dong riềng “vượt mặt” chính quyền

GD&TĐ - Dòng suối Nậm Rốm (đoạn qua địa phận xã Nà Tấu, Nà Nhạn, TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên) đang “gánh” lượng nước thải đen kịt của gần 10 cơ sở sản xuất dong riềng.

Nước thải của cơ sở được hỗ trợ đầu tư bể lắng, nước thải chảy trực tiếp ra suối Nậm Rốm.
Nước thải của cơ sở được hỗ trợ đầu tư bể lắng, nước thải chảy trực tiếp ra suối Nậm Rốm.

Theo lời ông chủ tịch, nếu phạt hành chính theo thẩm quyền xã, cùng lắm là 3 – 5 triệu đồng, không đủ sức răn đe.

“Bóp chết” dòng Nậm Rốm

Tháng 9 - 12 là mùa thu hoạch và chế biến dong riềng của người dân nhiều xã vùng ngoài lòng chảo Điện Biên (tỉnh Điện Biên). Đây cũng là mùa con suối Nậm Rốm “chuyển màu”.

Đoạn suối (thuộc bản Phiêng Ban, xã Nà Tấu) đen kịt, mùi nồng nặc. Hai bên bờ suối chừng vài trăm mét có 4 – 5 đường nước thải từ các cơ sở sản xuất dong riềng xả trực tiếp.

Trong khu dân cư tại bản Phiêng Ban, nước thải và bã dong riềng lênh láng tràn qua vườn ngô, mận, xen lẫn nhà ở của dân. Trước cửa nhà anh Lường Văn Thành là 2 bãi nước thải dong riềng lớn.

Anh Thành cho biết: “Thực trạng này đã diễn ra nhiều năm rồi. Bã dong riềng thải ra chúng tôi có thể tận dụng để bón cho cây cũng tốt. Nhưng cứ khoảng 3 – 6 giờ sáng và từ 9 giờ trở đi đến trưa, mùi bốc lên nồng nặc. Chúng tôi ở lâu thành quen, chứ mùi khó tả lắm, nhất là với trẻ nhỏ”.

Cách các cơ sở sơ chế, sản xuất dong riềng trên địa bàn xã Nà Tấu gần chục km, nhưng dòng suối Nậm Rốm chảy qua địa phận bản Huổi Hẹ (xã Nà Nhạn, TP Điện Biên Phủ) vẫn đen ngòm, bốc mùi hôi thối.

Theo Trưởng bản Lò Văn Hiệp, thì trong số hơn 90 hộ của bản có khoảng 15 gia đình sống gần suối Nậm Rốm là chịu ảnh hưởng trực tiếp. Ngoài mùi hôi thối, thì việc sản xuất của người dân cũng bị gián đoạn.

“Trước kia, nhiều người thường đánh bắt cá dưới suối để bán kiếm sống hoặc cải thiện bữa ăn cho gia đình. Nhưng giờ nước rất bẩn và hôi thối, dân bản đi qua không ai dám động chân tay vào dòng nước. Năm nào dân bản cũng yêu cầu các cơ sở sản xuất này xử lý dòng nước nhưng cứ đến mùa là lại thế” – ông Hiệp cho hay.

Gia đình ông Quàng Văn Lẻ có 3.500m2 ruộng trước nay vẫn sử dụng nguồn nước suối Nậm Rốm để gieo cấy. Nhưng từ năm 2018 đến nay, việc đảm bảo nước tưới cho lúa lại gặp nhiều khó khăn. “Cứ hết mùa sản xuất dong riềng tôi mới lấy được nước suối. Còn trước đó thì phải tìm đủ cách “gánh” nước từ nơi khác về để cứu lúa. Vất vả hơn, nhưng như thế mới giữ được lúa mà ăn” – ông Lẻ nói.

Còn đối với gia đình ông Lường Văn Điện, bản Nà Nhạn 1 (xã Nà Nhạn) thì vài năm nay 2.000m2 ao gần như phải bỏ không. “Trước nay ao cứ thiếu nước là tôi lại lấy ở suối Nậm Rốm dẫn sang, nhưng giờ suối ô nhiễm quá không cho nước vào được. Ao không thể thả các loại cá đem lại giá trị kinh tế, chỉ nuôi mấy con linh tinh không có thu nhập” – ông Điện bộc bạch.

Cam kết một đằng, làm một nẻo

Hệ thống nước thải từ một cơ sở sản xuất dong riềng tại bản Phiêng Ban.
Hệ thống nước thải từ một cơ sở sản xuất dong riềng tại bản Phiêng Ban.

Trao đổi với ông Lò Văn Toản, Chủ tịch UBND xã Nà Tấu về thực trạng trên, ông Toản cho biết: Ngay đầu vụ, chính quyền xã đã trực tiếp cho các chủ cơ sở ký cam kết. Các chủ cơ sở phải chủ động chuẩn bị cho vụ thu hoạch và khắc phục bể chứa, nạo vét ao chứa nước thải, bã thải. Đồng thời chỉ đạo cán bộ trực tiếp quản lý, giám sát các cơ sở thực hiện đúng theo bản cam kết với thời gian hoạt động phải đảm bảo.

Tuy nhiên, ông Toản cũng thừa nhận, trên thực tế ao chứa của các cơ sở mới chỉ giải quyết một phần. Còn lại chủ yếu nước và bã thải vẫn đang được xả trực tiếp ra môi trường. Hàng năm, chính quyền địa phương vẫn ghi nhận kiến nghị của người dân liên quan đến vấn đề ô nhiễm môi trường, ô nhiễm tiếng ồn do các cơ sở này gây ra.

Tiếp cận một cơ sở tại bản Phiêng Ban mới thấy đúng là những cam kết chỉ nằm trên “giấy”. Đây là cơ sở duy nhất trong xã được Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ 80 triệu đồng để đầu tư hệ thống bể chứa nước thải theo tiêu chuẩn vào năm 2020.

Song, thời điểm chúng tôi có mặt các bể chứa đều trong trạng thái quá tải. Nước thải của toàn bộ số dong riềng đang sản xuất tại thời điểm kiểm tra không được đi theo đường dẫn vào hệ thống bể chứa này. Nó có đường riêng xả trực tiếp xuống suối Nậm Rốm.

Một cơ sở khác tại bản Tà Cáng mặc dù mới đi vào sản xuất khoảng 1 tháng nay, song cả 2 ao chứa có diện tích khoảng 1.600m2 đều đã gần đầy bã và nước thải. Ông Lò Văn Tâm, chủ cơ sở, cho biết: Trung bình mỗi năm, cơ sở chế biến khoảng 2.000 tấn củ dong riềng. Tuy nhiên, diện tích ao chứa chỉ đáp ứng được khoảng 30 - 40% lượng nước thải.

“Để đầu tư hệ thống xử lý nước thải hoàn chỉnh cũng rất khó khăn vì hoạt động sản xuất dong riềng chỉ theo thời vụ, thời gian sản xuất ngắn, chỉ 2 tháng. Cơ sở không đủ kinh phí đầu tư nên chỉ đào ao chứa tạm thời” – ông Tâm cho biết.

“Loay hoay” xử lý

Năm 2021, Nà Tấu có 8 cơ sở sơ chế tinh bột dong riềng đang hoạt động. Trung bình mỗi ngày chế biến từ 120 – 150 tấn củ tươi. Để chế biến 1 tấn củ thường sử dụng khoảng 3 – 4m³ nước. Tỷ lệ tinh bột thu được chỉ khoảng 15%, số còn lại (85%) là bã và nước thải.

Với sức “nóng” của vấn đề môi trường tại Nà Tấu, được biết, ngày 8/4/2016, Phòng Cảnh sát môi trường (Công an Điện Biên) đã ban hành Kế hoạch số 98B về chuyển hóa địa bàn trọng điểm về môi trường đối với địa phương này. Nhiệm vụ của kế hoạch là tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất, sơ chế dong riềng.

Cùng với đó, Sở Tài nguyên và Môi trường địa phương cũng có Hướng dẫn số 1010/STNMT-MT về quy trình xử lý chất thải, nước thải trong sơ chế dong riềng. Yêu cầu các cơ sở sản xuất phải đảm bảo xây dựng các bể chứa chất thải, nước thải.

Tuy nhiên, theo ông Lò Văn Toản, văn bản hướng dẫn là vậy, còn trên thực tế rất khó thực hiện. “Để đầu tư hệ thống bể chứa như hướng dẫn phải mất vài trăm triệu. Các hộ sản xuất ở đây quy mô còn nhỏ lẻ, chưa đủ nguồn lực để đầu tư. Chúng tôi cũng tính toán là tập hợp họ lại, theo mô hình hợp tác xã nhưng không thống nhất được giữa các chủ cơ sở” – ông Toản nói.

Về việc kiểm tra, siết chặt các quy định đảm bảo về môi trường đối với các cơ sở sản xuất, theo ông Toản rất khó thực hiện. Lý do là dong riềng đã trở thành cây trồng chủ lực được xã xác định mang lại nguồn lợi kinh tế lớn giúp người dân xóa đói giảm nghèo. Chính vì vậy, việc xử lý “mạnh tay” với các cơ sở sản xuất lại sợ ảnh hưởng đến “đầu ra” cho người dân.

“Với thẩm quyền của xã, việc xử lý cũng chỉ ở mức nhắc nhở, cùng lắm là phạt hành chính từ 3 – 5 triệu đồng, không đủ sức răn đe. Không những vậy, mỗi lần muốn kiểm tra là phải có kế hoạch, thông báo trước. Nên muốn xử lý dứt điểm thì cần phải có sự hỗ trợ của các ngành chức năng” – ông Toản nói thêm.

Trong khi chính quyền địa phương vẫn mãi “loay hoay” với bài toán môi trường và kinh tế, thì mỗi năm một mùa, con suối Nậm Rốm vẫn tiếp tục “chuyển màu”, kéo theo nhiều hệ lụy cho đời sống, sức khỏe của người dân…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Café chủ nhật: Cõi nhớ

GD&TĐ - Nắng đầu Đông yếu ớt hai ngày qua đã phải nhường chỗ cho đợt gió mùa tràn về.

Chuyên gia khuyến cáo bệnh nhân cao huyết áp nên ăn ít muối. (Ảnh: ITN)

Những cách tự nhiên giúp hạ huyết áp

GD&TĐ - Khi già đi, chúng ta cần đặc biệt chú ý đến huyết áp. Theo giới chuyên gia, chế độ ăn uống chắc chắn có hiệu quả trong việc kiểm soát huyết áp.

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.