Chiều 12/4, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cùng Đoàn công tác của Bộ GD&ĐT đã làm việc với tỉnh Điện Biên về tình hình phát triển giáo dục của địa phương.
Dự buổi làm việc về phía tỉnh Điện Biên có các ông: Trần Quốc Cường - Bí thư Tỉnh uỷ; Mùa A Sơn - Phó Bí thư thường trực Tỉnh uỷ; Lê Thành Đô - Chủ tịch UBND tỉnh; Vừ A Bằng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các Sở, ngành và đại diện một số cơ sở giáo dục của tỉnh Điện Biên.
Cần chính sách ưu tiên vùng khó
Tại buổi làm việc, ông Vừ A Bằng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên đã báo cáo tóm tắt về tình hình phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh Điện Biên.
Qua đó, đánh giá khái quát về kết quả ngành GD&ĐT đã đạt được cùng với những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách và khó khăn đặc thù của tỉnh Điện Biên trong việc phát triển toàn diện GD&ĐT.
Ông Vừ A Bằng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên báo cáo tóm tắt về tình hình phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo trên địa bàn. |
Từ thực tiễn khó khăn của giáo dục địa phương, tỉnh Điện Biên kiến nghị Bộ GD&ĐT ưu tiên được tham gia các chương trình, dự án đầu tư cơ sở vật chất, hỗ trợ thiết bị dạy học do Bộ quản lý. Kết nối, kêu gọi các tổ chức, cá nhân trong và ngoài ngành ủng hộ, giúp đỡ, hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị trường học, nhà ở cho học sinh bán trú, nhà công vụ giáo viên vùng đặc biệt khó khăn... cho các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Điện Biên.
Đồng thời, tỉnh kiến nghị Bộ GD&ĐT phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tham mưu Chính phủ nâng mức hỗ trợ học sinh nội trú, bán trú, mức hỗ trợ kinh phí tổ chức nấu ăn cho trẻ mầm non và học sinh bán trú; kéo dài thời gian được hưởng chính sách hỗ trợ tại các xã đặc biệt khó khăn khi xã được công nhận nông thôn mới; sớm triển khai Đề án kiên cố hoá trường lớp học tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Về chính sách cho đội ngũ nhà giáo, tỉnh Điện Biên kiến nghị không thực hiện cắt giảm số lượng người làm việc được hưởng lương từ ngân sách nhà nước đối với các tỉnh còn nhiều khó khăn và không có khả năng thành lập các trường ngoài công lập như tỉnh Điện Biên; có chính sách hỗ trợ cán bộ, giáo viên kiêm nhiệm làm công tác phổ cập giáo dục; nâng mức hỗ trợ cho giáo viên mầm non dạy lớp ghép, dạy tăng cường tiếng Việt cho trẻ vùng dân tộc thiểu số; sớm ban hành Luật Nhà giáo…
Ông Trần Quốc Cường, Bí thư Tỉnh uỷ Điện Biên phát biểu tại buổi làm việc. |
Tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh uỷ Điện Biên Trần Quốc Cường khẳng định, một điểm sáng nhất của Điện Biên là GD&ĐT. Kết quả đó có được là nhờ sự quan tâm của Trung ương, Bộ GD&ĐT và sự nỗ lực, quyết tâm của địa phương qua nhiều thế hệ. Thế mạnh của Điện Biên là học sinh ham học, các em có thể chất, trí tuệ. Kết quả giáo dục ở mức độ khá cao trong khu vực Trung du và miền núi phía Bắc.
“Với yếu tố đó, tỉnh càng quyết tâm hơn trình Chính phủ, Bộ GD&ĐT sớm thành lập Trường Đại học Điện Biên trên cơ sở Trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên để học sinh 19 dân tộc anh em được học lên cao hơn nữa”, Bí thư Tỉnh uỷ Trần Quốc Cường nói.
Cần huy động bằng mọi cách để có trường học kiên cố
Tại buổi làm việc, đại diện các đơn vị của Bộ GD&ĐT gồm: Vụ Cơ sở vật chất, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Vụ Giáo dục dân tộc, Vụ Giáo dục mầm non, Vụ Giáo dục tiểu học, Vụ Giáo dục trung học đã trao đổi, giải đáp các ý kiến, kiến nghị của tỉnh Điện Biên. Đồng thời, nêu các đề xuất, mong muốn với địa phương nhằm phát triển giáo dục và đào tạo.
Ông Nguyễn Văn Đoạt, Giám đốc Sở GD&ĐT Điện Biên phát biểu tại buổi làm việc. |
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề nghị tỉnh Điện Biên cần huy động bằng mọi cách để có trường học kiên cố. Với thực tế tỷ lệ kiên cố hoá trong nhóm thấp nhất cả nước như hiện nay, theo Bộ trưởng, vấn đề lớn nhất giáo dục Điện Biên phải làm trong thời gian tới là hạ tầng, cơ sở vật chất, trường học, trang thiết bị, các điều kiện phục vụ dạy và học.
Bộ trưởng gợi mở, Điện Biên cần rà soát tổng thể và đưa ra một số nguyên tắc trong đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất trường lớp nhằm giải quyết sự phân tán như hiện nay. Bộ trưởng cũng cho biết, dự kiến tới đây, Bộ GD&ĐT sẽ chủ trì tổ chức phát động toàn quốc huy động nguồn lực cho kiên cố hoá trường lớp học, trong phát động này sẽ tập trung cho nhóm các tỉnh khó khăn.
Đối với vấn đề mua sắm trang thiết bị học tập, Bộ trưởng cho biết: “Chương trình giáo dục phổ thông mới chỉ còn một năm nữa là hết chu trình. Đây là thời điểm cần đầu tư nhất. Do đó, mong địa phương có giải pháp cho vấn đề này, giúp giáo viên có thiết bị đồ dùng để hỗ trợ việc đổi mới phương pháp dạy học".
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi làm việc. |
Nhấn mạnh định hướng chung của ngành là quyết liệt quan tâm phát triển đội ngũ nhà giáo, chăm lo đội ngũ cả về số lượng, chất lượng, Bộ trưởng mong muốn tỉnh Điện Biên cũng quan tâm tới định hướng này. Trong đó, tận dụng chỉ tiêu biên chế được giao để tuyển dụng đủ số lượng; Sở GD&ĐT quan tâm tập huấn, hướng dẫn, hỗ trợ chuyên môn cho giáo viên trong quá trình đổi mới hiện nay.
Bộ trưởng đề nghị tỉnh Điện Biên tập trung quan tâm hoàn tất chương trình đổi mới giáo dục phổ thông; chuẩn bị kỳ thi THPT năm 2024. Chuẩn bị cho kỳ thi năm 2025; làm tốt công tác phân luồng, hướng nghiệp, với quan điểm không phân luồng máy móc, áp đặt. Đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục để giải quyết được cả hai vấn đề đang đặt ra với tỉnh hiện nay là địa hình phân tán, nhiều điểm trường lẻ và thiếu giáo viên.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cùng đoàn công tác trao tặng bức tranh lưu niệm cho lãnh đạo tỉnh Điện Biên. |
Về quan tâm lớn của tỉnh là thành lập Trường Đại học Điện Biên trên cơ sở Trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên, Bộ trưởng cho biết: “Chủ trương đã rõ, Bộ GD&ĐT sẽ đồng hành, hỗ trợ tỉnh Điện Biên trong quá trình hoàn thiện Đề án”.