Điểm tựa vững chắc nơi vùng cao biên giới

GD&TĐ - Những người lính quân hàm xanh đang không quản ngại khó khăn đồng hành cùng ngành Giáo dục...

Tiết học biên giới do Đồn Biên phòng Hướng Phùng, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị tổ chức. Ảnh: NVCC
Tiết học biên giới do Đồn Biên phòng Hướng Phùng, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị tổ chức. Ảnh: NVCC

Không chỉ đảm nhiệm vai trò bảo vệ từng đường biên, cột mốc… của Tổ quốc, những người lính quân hàm xanh còn đồng hành cùng ngành Giáo dục và trở thành điểm tựa cho học trò nghèo cả vật chất, tinh thần, giúp các em yên tâm tới trường, hướng tới tương lai tươi sáng.

Không quản ngại khó khăn

Nhiều năm qua, để học sinh đến trường đúng độ tuổi, tránh tình trạng bỏ học giữa chừng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, Đồn Biên phòng Hướng Phùng (BCH, BĐBP Quảng Trị) đã phối hợp với các trường học trên địa bàn đi từng ngõ, gõ từng nhà vận động học sinh đến lớp. Không những thế, đồn còn tổ chức nhiều hoạt động thiết thực về giáo dục pháp luật, tình yêu quê hương đất nước, bảo vệ Tổ quốc cho học trò vùng biên.

"Chứng kiến và nghe phụ huynh trao đổi về những khó khăn, chúng tôi cùng tìm cách tháo gỡ, để học sinh yên tâm học tập. Không chỉ vậy, quá trình học sinh học tập, đồn còn kết hợp cùng thầy cô tiếp tục theo dõi, kèm cặp giúp các em tiến bộ…”, thiếu tá Nguyễn Văn Bằng chia sẻ.

Thiếu tá Nguyễn Văn Bằng, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Hướng Phùng, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị, chia sẻ: “Chúng tôi xem các hoạt động này như nhiệm vụ chính trị, trách nhiệm của đồn và những người lính biên phòng. Đặc biệt với hoạt động vận động học sinh đến trường, bất kì khi nào nhận được thông tin từ nhà trường việc học sinh nghỉ học, những người lính sẽ lập tức vào cuộc, đến tận nhà gặp phụ huynh, học sinh để vận động, thuyết phục"

Công tác vận động học sinh đến trường được Đồn Biên phòng Hướng Phùng triển khai nhiều năm qua. Thiếu tá Nguyễn Văn Bằng chia sẻ: “Học sinh Trường Phổ thông DTBT THCS Hướng Phùng trên 98% con em đồng bào dân tộc, đời sống khó khăn. Vào đợt nghỉ dài (Hè, Tết…) các em thường đi làm thêm phụ giúp bố mẹ cải thiện cuộc sống, nhiều em mải mê kiếm tiền quên thời gian đến trường.

Mặt khác, nhà xa trường, đường đi vượt núi băng rừng… cũng là nguyên nhân khiến học sinh bỏ học; Tình trạng học sinh đi học muộn so với tuổi còn tồn tại (có em sinh năm 2005, đúng tuổi đang học lớp 12 nhưng ở đây mới học tới lớp 7), cũng khiến nhiều em vì xấu hổ, ngại ngùng mà sẵn sàng nghỉ học…”.

Bộ đội Biên phòng Đồn Biên phòng Môn Sơn chăm sóc bữa ăn cho học sinh. Ảnh: NVCC

Bộ đội Biên phòng Đồn Biên phòng Môn Sơn chăm sóc bữa ăn cho học sinh. Ảnh: NVCC

Mới đây, sau nghỉ Tết Nguyên đán, Trường Phổ thông DTBT THCS Hướng Phùng có 7 học sinh nghỉ học. Nhận được tin báo từ trường, đoàn công tác của đồn đã đến tận nhà vận động. Kết quả, 6/7 em đã quay trở lại học tập. Không những thế, để giúp các em có điểm tựa, yên tâm học tập, đồn đã hỗ trợ chi phí, cử cán bộ chiến sĩ thay phiên kèm cặp giúp các em tiến bộ.

“Một học sinh (sinh năm 2007) đang học lớp 6, không quay trở lại trường vì ngượng ngùng lệch tuổi. Chiến sĩ đồn đã cất công đến nhà nhiều lần, phân tích, vận động nhưng em ấy vẫn không đồng ý. Chúng tôi chưa yên tâm, thời gian tới sẽ tiếp tục tìm giải pháp kéo em đi học…”, Thiếu tá Nguyễn Văn Bằng chia sẻ.

“Ngoài vận động, hỗ trợ học sinh đến trường, Đồn Biên phòng Hướng Phùng đang tổ chức hiệu quả nhiều hoạt động đồng hành cùng giáo dục như: Giáo dục tinh thần yêu nước cho học sinh qua tuyên truyền kiến thức biên giới, quốc gia, pháp luật; tổ chức mô hình “Tiết học biên giới” tại cột mốc; Tổ chức hội thi phòng chống ma túy theo hình thức vẽ tranh, triễn lãm và cho học sinh tự thuyết trình ý tưởng, thông điệp tại đồn biên phòng. Các hoạt động được triển khai hàng năm và ở cả ba cấp học trên địa bàn…”, Thiếu tá Bằng cho biết.

Thầy Phiệt cho biết thêm, Đồn Biên phòng Hướng Phùng đã và đang triển khai hiệu quả chương trình Con nuôi đồn Biên phòng, “Nâng bước em tới trường”… Từ đây, học sinh thêm vững tin vào học tập, sự thay đổi cuộc sống trong tương lai nhờ kiến thức.

Theo thầy Ngô Quang Phiệt – Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông DTBT THCS Hướng Phùng (huyện Hướng Hóa), có sự đồng hành của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hướng Phùng mà hành trình mang kiến thức, con chữ đến với học sinh DTTS huyện Hướng Hóa đỡ gian nan hơn.

Đặc biệt, trong công tác giáo dục, vận động học sinh đi học, nhờ uy tín, tiếng nói của các anh đã tiếp thêm niềm tin, động lực cho thầy trò. Đồn còn triển khai nhiều chương trình hữu ích giúp học sinh bớt đi vất vả nhọc nhằn, giúp nhà trường cơ bản xóa xong tình trạng học sinh bỏ học.

Bộ đội Biên phòng Đồn Biên phòng Môn Sơn hướng dẫn học sinh trồng rau, tăng gia sản xuất. Ảnh: NVCC

Bộ đội Biên phòng Đồn Biên phòng Môn Sơn hướng dẫn học sinh trồng rau, tăng gia sản xuất. Ảnh: NVCC

Đồng hành cùng ký túc xá học sinh

Bên cạnh đó, Đồn Biên phòng Môn Sơn, Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An ngoài hỗ trợ nhà trường giáo dục học sinh về kỹ năng sống, phụ đạo kiến thức buổi tối còn kêu gọi các nhà hảo tâm, đơn vị, doanh nghiệp hỗ trợ bữa ăn, sách, bút, quần áo. Gần đây, đồn còn xây dựng mô hình “Đồng hành cùng ký túc xá xã vùng biên” giúp học sinh khó khăn vùng DTTS yên tâm đến trường, theo đuổi ước mơ học tập.

Theo chia sẻ của Thượng tá Lê Văn Hải – Chính trị viên Đồn Biên phòng Môn Sơn, Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An: “Đồn đang đồng hành với 70 học sinh sinh sống tại ký túc xá Trường THCS Môn Sơn. 100% các em thuộc diện hộ nghèo, dân tộc Đan Lai; nhà cách trường 15 đến 20km, đường đi không thuận lợi. Mỗi học sinh được hỗ trợ theo chế độ 18 nghìn đồng/ngày, vì vậy chi phí sinh hoạt còn hạn chế. Với thực tế này, Đảng ủy Ban Chỉ huy đơn vị đã đặc biệt quan tâm và tập trung nguồn lực để hỗ trợ, giúp đỡ các em…”.

Đồn Biên phòng Môn Sơn đã phối hợp với nhà trường kêu gọi các nhà hảo tâm, doanh nghiệp hỗ trợ thêm tivi, chăn màn, giường chiếu, tủ, bàn ghế, quần áo ấm… duy trì công tác học tập, sinh hoạt khu ký túc để bảo vệ an ninh, an toàn cho học sinh. Hướng dẫn các em cách sắp xếp phòng ký túc, sinh hoạt tập thể và cách sắp xếp thời gian học tập sớm hòa nhập với môi trường sống mới.

“Trong số 70 học sinh, nhiều em lần đầu tiên xa gia đình, kỹ năng giao tiếp, ứng xử hạn chế, tính cách bẽn lẽn, khép kín. Vì vậy, chúng tôi đã cử ba chiến sĩ vừa làm công tác địa bàn, vừa túc trực ở ký túc xá để hướng dẫn, giáo dục các em đi vào nền nếp sinh hoạt, ôn bài khi lên lớp.

Đồng thời, vào buổi chiều các ngày, các chiến sĩ và học sinh cùng tăng gia sản xuất, qua đó hướng dẫn các kỹ năng trồng rau, chăn nuôi. Thông qua hoạt động tập thể, học sinh không những thêm hiểu, chia sẻ và đùm bọc nhau, các em còn được rèn luyện các kỹ năng, kiến thức… khi bước vào cuộc sống”, Thượng tá Lê Văn Hải trao đổi.

Cảm kích trước tấm lòng của những chiến sĩ biên phòng, thầy Lê Duy Thuận – Hiệu trưởng Trường THCS Môn Sơn (huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An) - nói: “Có sự chung tay của người lính biên phòng, nhà trường không còn tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng, nền nếp tại ký túc xá quy củ hơn, nhiều hoạt động giáo dục được hỗ trợ tổ chức đã tạo hứng thú, nâng cao đời sống tinh thần học sinh. Đặc biệt, phong trào học tập buổi tối đã đi vào quy củ. Từ đó nâng cao chất lượng giáo dục toàn trường…”.

“Chứng kiến học sinh sống xa gia đình tìm đến con chữ thay đổi cuộc đời điều kiện sinh hoạt, học tập thiếu thốn đủ bề, Đảng ủy Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng Môn Sơn đã xây dựng “mô hình đồng hành cùng ký túc xá xã vùng biên”. Mô hình thực hiện được 2 năm, chúng tôi mong muốn sẽ trở thành điểm tựa, giúp các em yên tâm học hành, theo đuổi ước mơ cùng kiến thức…”, Thượng tá Lê Văn Hải chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Môn học công cụ

GD&TĐ - Theo kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm học 2024 - 2025, Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đoạt giải.