Điểm tựa, người truyền cảm hứng cho lưu học sinh, sinh viên Lào

GD&TĐ - Cô giáo Cầm Thị Nghiệp, giảng viên trường Cao đẳng Yên Bái được sinh viên Lào luôn coi là điểm tựa, người truyền cảm hứng.

Cô Cầm Thị Nghiệp và sinh viên Lào trong 1 buổi gặp mặt. (Ảnh: NVCC)
Cô Cầm Thị Nghiệp và sinh viên Lào trong 1 buổi gặp mặt. (Ảnh: NVCC)

Thấu hiểu và sẻ chia cùng sinh viên

Vừa đảm nhiệm vai trò quản lý, giảng dạy, chăm sóc sức khỏe cho học sinh sinh viên, cô Cầm Thị Nghiệp còn là chủ nhiệm của Câu lạc bộ Bạn trẻ Việt - Lào, nơi tổ chức các hoạt động giao lưu, trao đổi văn hóa giữa sinh viên hai nước.

“Nhiều em về đi làm hay tiếp tục học ở các trường khác vẫn giữ liên lạc và chia sẻ, tư vấn về học tập. Tôi rất sẵn lòng lắng nghe và hỗ trợ các em”, cô Nghiệp chia sẻ.

1.jpg
Các em sinh viên Lào chụp ảnh kỷ niệm cùng cô Nghiệp. (Ảnh: NVCC)

Năm 2021, Hội Văn nghệ Trường Sơn tỉnh Yên Bái đề xuất với Ban Giám hiệu trường Cao đẳng Y tế Yên Bái ( nay là Trường Cao đẳng Yên Bái) muốn tổ chức một sân chơi cho các em Lưu học sinh sinh viên Lào. Tháng 10/2021, Câu lạc bộ Bạn trẻ Việt - Lào được thành lập và ra mắt do cô giáo Cầm Thị Nghiệp làm chủ nhiệm.

Cầu nối giữa các tổ chức với nhà trường, cô Nghiệp càng có nhiều thời gian đồng hành cùng các bạn Lưu học sinh sinh viên Lào. Bản thân cô là người Thái nên giao tiếp được với các bạn Lưu học sinh sinh viên Lào vì ngôn ngữ có nhiều nét tương đồng.

2.jpg
Cô Nghiệp cùng sinh viên đi trải nghiệm. (Ảnh: NVCC)

Hầu hết hoạt động của học sinh sinh viên Lào đều do cô phụ trách. Năm học 2023 - 2024, xuất phát từ thấu hiểu tâm tư nguyện vọng của sinh viên Lào, cô hướng dẫn một bạn sinh viên Lào cùng thực hiện sáng kiến nghiên cứu khoa học “Biên soạn tài liệu Danh mục thuật ngữ Việt - Lào môn giải phẫu sinh lý cho Lưu sinh viên Lào ngành Điều dưỡng Trường Cao đẳng Yên Bái’.

Môn học Giải phẫu sinh lý là môn học cơ sở rất quan trọng trong Y học, là kiến thức nền tảng cho các môn học chuyên ngành khác. Hai cô trò nhiều đêm trăn trở và tiến hành lựa chọn tỉ mỉ, chính xác 860 thuật ngữ chuyên ngành từ 11 bài học thuộc giáo trình môn học Giải phẫu sinh lý trong chương trình đào tạo ngành Điều dưỡng, trình độ Cao đẳng của Trường Cao đẳng Yên Bái.

Thuật ngữ sau khi lựa chọn được biên soạn bằng thuật ngữ Lào, có phiên âm tiếng Lào. Một số thuật ngữ đặc biệt ngôn ngữ Lào cũng không mô tả được đúng nhất chi tiết giải phẫu thì sử dụng thuật ngữ quốc tế (tiếng Anh). Cô không biên soạn sắp xếp theo thứ tự vần mà trọng tâm của giải pháp là khắc phục khó khăn và nâng cao chất lượng môn học cho Lưu sinh viên.

3.jpg
Gần gũi với sinh viên. (Ảnh: NVCC)

Với phương châm “Lấy người học làm trung tâm” Danh mục thuật ngữ giải phẫu sinh lý được cô biên soạn theo từng bài học, thứ tự của thuật ngữ trong Danh mục sắp xếp theo trình tự xuất hiện của thuật ngữ trong nội dung của từng mục, tiểu mục…

Sự sáng tạo trong cách biên soạn này rất tiện lợi, hữu ích để các bạn sinh viên Lào hiểu và vận dụng chính xác, nhanh chóng, hiệu quả một từ ngữ, thuật ngữ giải phẫu sinh lý ngay trong giờ học chính khóa mà hoàn toàn không phải mất thời gian tra cứu, sắp xếp và giải nghĩa của từ ngữ, thuật ngữ. Với sáng kiến này cô Cầm Thị Nghiệp đã đạt giải khuyến khích Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Yên Bái lần thứ XI năm (2023 - 2024).

Cô không coi đó là mục tiêu thành tích mà cô mong muốn mang tới sự thuận lợi giúp sinh viên Lào, giúp các em tiếp thu kiến thức nhanh chóng, dễ dàng hơn. Cũng từ sáng kiến này, cô Nghiệp được tỉnh Đoàn Yên Bái tặng Danh hiệu Nhà giáo trẻ tiêu biểu cấp tỉnh năm 2024.

Em Xayyaseuay Noynilanh, sinh viên lớp Cao đẳng Điều dưỡng 23C bày tỏ: “Cô Nghiệp không chỉ là người thấu hiểu chúng em mà còn luôn chia sẻ, giúp đỡ sinh viên ngay cả những giờ ngoại khóa, ngoài giảng đường”.

Còn em Sisengphet Olaphanh nói: “Cô giáo Cầm Thị Nghiệp không chỉ là một người thầy, mà còn là người mẹ, người bạn, và là nguồn động lực cho nhiều thế hệ sinh viên chúng em”.

Luôn quan tâm đến đời sống học trò

Với vai trò chủ nhiệm Câu lạc bộ Bạn trẻ Việt – Lào, cô Nghiệp thường xuyên tham mưu với lãnh đạo nhà trường phối hợp với Hội văn nghệ Trường Sơn tỉnh Yên Bái tổ chức nhiều hoạt động giáo dục, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho các em.

Các bạn Lưu học sinh sinh viên Lào được cô Nghiệp cho đi tham quan, giao lưu, trải nghiệm tại nhiều nơi như: xã Đại Lịch (Văn Chấn) nghe các cựu chiến binh kể chuyện chiến đấu tại Lào, đến thăm nhà cụ Tích lưu giữ những kỷ vật chiến tranh…

4.jpg
Cô Nghiệp - Người truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ sinh viên Lào. (Ảnh: NVCC)

Cô Nghiệp chia sẻ: “Khi được về dự Đại hội Hội văn nghệ Trường Sơn Việt Nam tôi có chia sẻ với các bác về Câu lạc bộ của mình, các bác đã tặng rất nhiều sách. Về trường, hàng tuần sinh hoạt Câu lạc bộ tôi lại cho các em đọc cho nhau nghe, vừa rèn tiếng Việt vừa hiểu thêm về những câu chuyện văn hoá, lịch sử của Việt Nam”.

Cô Nghiệp luôn tìm mọi cách để hỗ trợ, động viên các em sinh viên người dân tộc thiểu số. Cô chia sẻ: "Nhiều em rất e ngại nhận sự giúp đỡ, nên tôi thường biến những phần hỗ trợ các em thành các món quà, rồi bảo rằng tôi vừa được tặng, chứ không phải tôi mua dành cho các em".

5.jpg
Các sinh viên Lào luôn gần gũi, coi cô Nghiệp như người chị, người mẹ của mình. (Ảnh: NVCC)

Cô Nghiệp chia sẻ: xuất phát từ hoàn cảnh bản thân là người dân tộc thiểu số, hoàn cảnh gia đình khó khăn, bản thân phải vượt lên những khó khăn và mình cũng nhận được sự giúp đỡ của các thầy cô. Tôi nhớ mãi một thầy giáo của tôi đã nói rằng, em tiếp tục giúp đỡ những người khác đó là sự trả ơn rất lớn đối với các thầy cô rồi. Nên bây giờ tôi cũng nói lại câu đó với các em sinh viên của mình.

Cô luôn tâm niệm, sức mình thì nhỏ bé nên giúp đỡ các em được không nhiều nhưng cô muốn truyền cho các em động lực để nỗ lực vượt khó phấn đấu từ chính câu chuyện vượt lên khó khăn của bản thân.

7.jpg
Không chỉ gần gũi sẻ chia về kiến thức, cô Nghiệp còn luôn quan tâm cuộc sống hàng ngày của các em. (Ảnh: NVCC)

Nhà giáo, Thạc sĩ Đỗ Thị Thanh Thuỷ - Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng trường Cao đẳng Yên Bái nhận xét: “Cô Nghiệp là cô giáo tận tâm, hết lòng vì sinh viên, cô tạo động lực, truyền cảm hứng cho sinh viên vượt lên khó khăn, chinh phục tri thức”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ