Gieo con chữ nơi cửa Phật
Thầy Thích Thiện Quý - Trụ trì chùa Liên Hoa kể: Xung quanh chùa có nhiều trẻ cùng gia đình sống trong căn nhà thuê tạm bợ. Đa phần các em không có giấy khai sinh và quá tuổi đi học. Kế sinh nhai hàng ngày của các em và gia đình dựa vào nghề bán vé số, nhặt ve chai, bán hủ tiếu gõ, đạp xích lô, chạy xe ôm…
Theo thầy Thích Thiện Quý, điều kiện gia đình khó khăn, cha mẹ phải đầu tắt, mặt tối lo miếng cơm manh áo, ít quan tâm đến việc GD con cái... Hàng ngày, các em thường tập trung trong khuôn viên nhà chùa nghịch ngợm, phá phách và dùng những lời lẽ thiếu văn hóa. Sau nhiều đêm thức trắng với trăn trở “tạo môi trường học tập, vui chơi và rèn luyện, tạo điều kiện để các em tham gia các hoạt động bổ ích, ý nghĩa; nhận thức đúng, vươn lên làm người tốt, chứ không trở thành gánh nặng cho xã hội”, năm 2005 thầy Quý mở lớp học tình thương ngay tại chùa Liên Hoa.
Những ngày đầu thành lập lớp học tình thương, thầy Thích Thiện Quý phải đi vận động GV từ các trường học trên địa bàn đã về hưu tham gia đứng lớp. Đồng thời, thầy huy động nguồn kinh phí trang bị cơ sở vật chất, sửa chữa các phòng học ẩm thấp cho khang trang hơn, mua đồng phục, sách giáo khoa, tập vở, dụng cụ học tập cho các em. Thời gian đầu, cha mẹ các em không mấy quan tâm, thầy Quý đích thân đến nhà hỗ trợ gạo, nhu yếu phẩm cho gia đình và động viên cha mẹ cho con được đến lớp.
Với tinh thần “Tốt đạo - đẹp đời” thông qua lớp học tình thương, thầy Quý cùng chính quyền địa phương, các thầy cô đã thuyết phục được nhiều gia đình cho con em đi học. Số trẻ đến lớp dần ổn định, mỗi năm duy trì từ 100 - 130 em, theo học lớp 1 - 5. Nhiều HS của lớp đạt danh hiệu HS giỏi, HS tiên tiến. Có em được chùa gửi về lớp phổ cập tại các trường trong quận để học tiếp lên lớp 6 - 12 và tiếp tục học ở các trường dạy nghề trong thành phố…
Cô Quỳnh Thị Anh (72 tuổi), GV về hưu gắn bó với nhiệm vụ gieo con chữ cho học trò nghèo ở đây từ năm 2006 đến nay cho biết: “Khi gặp và tiếp xúc với những ánh mắt, sự hồn nhiên ngây thơ của con trẻ, biết được hoàn cảnh khó khăn của các em, tôi có thêm động lực để gắn bó, cống hiến. Nhiều em có hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh, nhưng luôn có ý thức học tập. Chúng tôi trở thành điểm tựa để các em tiếp tục đi tới. Và chính các em cũng đem lại niềm vui và hạnh phúc cho chúng tôi”.
Tự tin nhờ biết đọc, biết viết
Ở lớp học tình thương, khi cô giáo cho nghỉ, cả lớp đồng loạt đứng lên, nghiêm túc chào rồi xếp thành hai hàng lần lượt ra cửa. Cũng nghiêm chỉnh như thế, trước mỗi giờ học, HS chắp tay niệm Phật và nhẩm đọc 10 lần câu “Nam mô a di đà Phật” để lòng thanh thản. Đó là một trong những nền nếp mà các thầy cô của lớp học tình thương ở chùa Liên Hoa tập cho bọn trẻ.
“Cuộc sống các em đã khó khăn, nên việc đi học và rèn luyện cách sống thư thả, tịnh tâm là điều cần thiết. Chúng tôi tạo nên không khí học vui vẻ, lành mạnh để các em nhìn thấy mặt tích cực của cuộc sống này”, cô Anh chia sẻ.
Ông Nguyễn Trần Anh Kiệt (quận Bình Tân) là phụ huynh của bé Nguyễn Trần Anh Tín (16 tuổi) và Nguyễn Trần Anh Tiền (13 tuổi). Cả 2 bé cùng học lớp 3 tại lớp học tình thương ở chùa Liên Hoa. Ông Kiệt cho biết: Do mẹ các cháu mất (năm 2017), gia đình khó khăn không có khả năng cho con đi học ở trường công. Tìm hiểu biết ở chùa Liên Hoa có lớp học tình thương, gia đình đến xin học cho con. Các cháu đi học được thầy Quý và GV, nhà hảo tâm chăm lo, không phải mất học phí, còn được nhận quần áo, sách giáo khoa, cặp, tập viết, đầy đủ đồ dùng học tập khi bước vào đầu năm học. Nhờ đi học ở chùa và đã biết đọc, viết rành rẽ, biết tính toán. Khi đi ngoài đường bảo các cháu đọc tên đường, công ty, các cháu tự tin đọc thành thạo, không còn mắc cỡ, tự ti như trước nữa.
Không chỉ được học chữ, các em còn được thầy, cô dạy cách giao tiếp, ứng xử lễ phép với mọi người. Ngoài học văn hóa, cuối giờ học mỗi ngày trẻ còn được GV hướng dẫn những bài kinh ngắn, pháp môn tu đơn giản như niệm Phật, ngồi thiền tịnh tọa để lắng tâm, đồng thời được học những bài Giáo pháp nhằm ổn định đạo đức nếp sống văn hóa trong cuộc sống hàng ngày, giúp các em trở thành con ngoan, trò giỏi và biết phụ giúp, đỡ đần cha mẹ việc nhà. Nhiều em trưởng thành từ lớp tình thương này hiện đã có công ăn việc làm, thu nhập ổn định và đã lập gia đình.