Điềm tĩnh, hiểu biết để thấu tỏ từ mạng xã hội

GD&TĐ - Hiện nay, mạng xã hội đã trở thành một phần của đời sống, là nơi để mọi người có quyền bày tỏ tiếng nói cá nhân.

Ảnh minh họa/INT.
Ảnh minh họa/INT.

Tại buổi làm việc với Ủy ban Văn hóa, - Giáo dục của Quốc hội, đại diện Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội đã đề xuất cơ chế đặc thù cho NSND có bằng thạc sĩ đang giảng dạy tại trường được tính tương đương tiến sĩ, đáp ứng tiêu chí cần 5 tiến sĩ theo quy định khi mở mã ngành, đảm bảo về chỉ tiêu và chất lượng đào tạo theo Thông tư 08 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Đây là một đề xuất hợp lý của Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, xuất phát từ thực tế giảng dạy và học tập của đơn vị mình, phù hợp với tinh thần của Thông tư 02 và 03 mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành năm 2022.

Tuy nhiên khi thông tin này được đưa lên báo chí và mạng xã hội thì dư luận người đọc lại hiểu theo nhiều cách khác nhau. Bên cạnh những ý kiến tán đồng, ủng hộ lại có không ít ý kiến phản đối, giễu nhại, thậm chí là phê phán nặng nề, cho rằng đại diện trường đã đánh đồng giữa bằng cấp và danh hiệu, rằng việc đào tạo trong các trường nghệ thuật đang có vấn đề...

Chỉ trong một ngày, cụm từ “Tiến sĩ”, “Nghệ sĩ nhân Nhân dân” đã trở thành các từ khóa “hot”, làm dấy lên các cuộc tranh luận, tạo hiệu ứng đám đông ồn ào, vội vã, làm tổn thương không ít người trong cuộc.

Hiện nay, mạng xã hội đã trở thành một phần của đời sống, là nơi để mọi người có quyền bày tỏ tiếng nói cá nhân. Hiệu ứng từ mạng xã hội rất nhanh và mạnh mẽ.

Nếu cần biết ngày hôm nay có vấn đề gì nóng, chỉ cần bỏ chút thời gian lướt Faceboook hay Zalo là đã nắm được ít nhiều. Đặc biệt, tiếng nói từ các tài khoản cá nhân uy tín luôn thu hút nhiều lượt bình luận, có ảnh hưởng nhất định tới cộng đồng.

Không thể phủ nhận mặt tích cực từ những tranh luận trên mạng xã hội. Nó giúp chúng ta nhìn vấn đề cởi mở, đa chiều. Song mặt khác, sự nhanh nhạy nồng nhiệt cũng thường đi cùng với thái độ vội vàng, thiếu kiểm chứng, dẫn đến nhiều quy kết bình luận cực đoan, thiếu tinh thần xây dựng, ảnh hưởng xấu tới cộng đồng.

Mạng xã hội là môi trường mở, chấp nhận sự khác biệt, đa dạng. Các tranh luận là cần thiết, góp phần vào phản biện xã hội. Nhưng tranh luận chỉ có ích khi chúng ta điềm tĩnh, hiểu biết và thấu tỏ.

Văn hóa tranh luận cũng là một vấn đề rất đáng để lưu tâm, nhất là trong bối cảnh hiện nay khi các nền tảng mạng xã hội và trí tuệ nhân tạo đang phát triển mạnh mẽ, và con người chúng ta đang ngày một xa cách với thiên nhiên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Quy về thang điểm chung

GD&TĐ - Việc quy về một thang điểm chung là hoàn toàn khả thi; nếu khó cũng nên làm vì lợi ích chung của cả hệ thống...