Điểm nhấn du lịch

GD&TĐ - Ngày 8/8 vừa qua, tại Quảng Ngãi đã diễn ra Hội nghị sơ kết Diễn đàn liên kết phát triển du lịch giữa TP Hà Nội, TPHCM và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Vào tháng 11/2020, tại tỉnh Quảng Nam, lãnh đạo các tỉnh, thành phố trong nhóm liên kết gồm Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định đã cùng nhau ký kết Thỏa thuận liên kết phát triển du lịch giữa TP Hà Nội, TPHCM và Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, trong đó tập trung vào 4 nội dung chính: Công tác quản lý Nhà nước, phát triển nguồn nhân lực, sản phẩm du lịch, quảng bá, xúc tiến du lịch.

Trong những nội dung nói trên, có lẽ quảng bá, xúc tiến du lịch được quan tâm nhất. Khách có đến với mình hay không là tùy thuộc rất lớn vào khâu này. Tuy nhiên, có quảng bá, xúc tiến hay ho cho mấy mà không phát triển sản phẩm du lịch, chí ít cũng củng cố cơ sở hạ tầng sao cho “vừa lòng khách đến” thì mọi nỗ lực ở các khâu khác cũng bằng thừa.

Liên kết vùng là xu thế tất yếu của mọi hoạt động hiện nay chứ không riêng gì du lịch. Nhưng du lịch có những đặc điểm riêng mà nếu chỉ nói suông về “liên kết” hoặc làm theo kiểu phong trào thì hiệu quả mang lại sẽ không cao, thậm chí thất bại.

Mỗi địa phương, tùy theo điều kiện và đặc thù của mình, việc tạo điểm nhấn là quan trọng nhất. Chính điểm nhấn ấy sẽ thu hút du khách. Khách du lịch hiện nay không phải như 10 năm trước, miễn được đi đây đi đó là vui rồi. Nay khách đi chơi rất kén chọn địa điểm, nghĩa là “chỗ đó có gì vui không?”; rồi “ở đó có món ngon nào hấp dẫn không?”.

“Có gì vui không?”, không chỉ là các trò chơi như lặn biển ngắm san hô, đi cáp treo, xem các con vật trong sở thú, xem hát bài chòi, hát bội, mà còn phải được ngắm vẻ đẹp của giang sơn ở nơi khách sẽ đến nữa.

Ví dụ như ruộng bậc thang ở Hà Giang, Bắc Kạn chẳng hạn, giá trị của lúa trên mảnh ruộng ấy có khi không bằng kéo du khách đến xem… lúa trên những bậc thang ấy.

Họ đến xem, ắt phải ăn tiêu, ngủ nghỉ. Người dân sẽ bán các sản phẩm du lịch hoặc các dịch vụ ăn uống, tức là có nguồn thu bền vững từ những du khách này. Hoặc như Hội An, một đô thị cổ được xếp hạng Di sản văn hóa thế giới, nếu chỉ đến xem sự cổ kính của thành phố này thì sẽ chán ngay.

Tuy nhiên, người Hội An luôn biết tạo ra nhiều sản phẩm du lịch để khách mỗi lần đến là một lần thấy mới lạ. Xem các nghệ nhân làng gốm Thanh Hà biểu diễn cách tạo ra các sản phẩm gốm, xem nông dân làng rau Trà Quế trồng rau, được đi trong những cánh rừng dừa nước vô cùng lý thú…

Phải nhắc một vài “điểm nhấn” về du lịch nói trên để thấy có một số địa phương trong vùng không đáp ứng được yêu cầu đó. Ví dụ như ở Quảng Ngãi, du khách đến Lý Sơn một lần là không muốn quay trở lại vì các sản phẩm du lịch thiếu điểm nhấn và nghèo nàn.

Ngay cả việc đua thuyền tứ linh (long ly quy phụng) là “đặc sản” của hòn đảo này mà các nhà tổ chức nhân sự kiện “sơ kết” muốn trình diễn cho quan khách xem cũng chả ra làm sao cả. Ngày giờ ấn định thì thay đổi liên tục, giờ đua cũng xê dịch không theo thủy triều nên không đua được vì nước cạn trơ san hô!

Còn vụ liên kết du lịch, tiêu biểu là mở tour du lịch bằng tàu biển từ Đà Nẵng vào, sau một lần đi là dẹp luôn vì không có khách. Đi 130km đường biển, khách nôn thốc nôn tháo nên lên đất đảo là nằm vùi chứ không còn sức để đi ngắm cảnh nữa.

Hy vọng đó là những bài học về “điểm nhấn” du lịch mà mỗi tỉnh trong vùng cần rút ra để hoàn thiện hơn trong tương lai.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ