Điểm mới trong tuyển sinh đầu cấp tại Vĩnh Phúc

GD&TĐ - Không sổ hộ khẩu giấy, cộng điểm cho học sinh có chứng chỉ tiếng Anh, tin học quốc tế... là điểm mới trong tuyển sinh đầu cấp tại Vĩnh Phúc.

Ảnh minh họa. Nguồn: Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc
Ảnh minh họa. Nguồn: Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc

Cộng điểm ưu tiên

Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc vừa ban hành hướng dẫn tuyển sinh vào lớp 6 THCS năm học 2023-2024. Theo đó, các trường THCS có số lượng học sinh đăng ký dự tuyển lớn hơn số chỉ tiêu được giao, thực hiện phương thức tuyển sinh kết hợp giữa xét tuyển với tổ chức kiểm tra đánh giá năng lực học sinh.

Thí sinh thực hiện bài kiểm tra đánh giá năng lực 3 môn là: Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh. Phương thức, lấy điểm từ cao xuống thấp theo chỉ tiêu được giao đối với học sinh vào lớp 6 các trường THCS trọng điểm của các huyện, thành phố. Điểm thi là tổng của 3 môn và mỗi môn được quy về thang điểm 10.

Đề kiểm tra đánh giá năng lực học sinh do các phòng GD&ĐT thành lập Hội đồng ra đề thực hiện đối với học sinh của đơn vị mình. Nội dung kiến thức chủ yếu ở lớp 5. Hình thức kết hợp giữa tự luận và trắc nghiệm. Thời gian làm bài kiểm tra không quá 90 phút.

Ngoài ra, điểm xét tuyển còn có: Điểm kiểm tra từng lớp. Điểm khuyến khích đối với học sinh có chứng chỉ tiếng Anh, Tin học quốc tế.

Điểm đáng chú ý trong hướng dẫn tuyển sinh vào lớp 6 của Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc chính là quy định cộng điểm ưu tiên cho học sinh có chứng chỉ tiếng Anh, Tin học quốc tế.

Cụ thể, chứng chỉ tiếng Anh (TOEFL Primary, Cambridge) được cộng điểm ưu tiên cụ thể như sau:

Đạt trình độ bậc 1 (A1): cộng 2,0 điểm.

Đạt trình độ bậc 2 (A2): cộng 3,0 điểm.

Đạt trình độ bậc 3 (B1): cộng 4,0 điểm.

Đạt trình độ bậc 4 (B2): cộng 5,0 điểm.

Học sinh có chứng chỉ tin học quốc tế IC3-Spark cộng 2,0 điểm.

Ngoài ra, các thí sinh cũng sẽ được điểm ưu tiên (chỉ áp dụng cho các đối tượng cuối chỉ tiêu có điểm xét tuyển bằng nhau) với các trường hợp như con thương binh, liệt sĩ, anh hùng lực lượng vũ trang, người dân tộc thiểu số…

Hướng dẫn tuyển sinh của Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc yêu cầu các huyện, thành phố ưu tiên phương thức tuyển sinh trực tuyến trên hệ thống phần mềm tuyển sinh lớp 6. Và, giao các Phòng GD&ĐT hướng dẫn cụ thể về quy trình, thời gian và hồ sơ đăng ký bảo đảm chính xác, minh bạch, hiệu quả.

Bên cạnh đó, hướng dẫn của sở còn yêu cầu về kết nối dữ liệu, sử dụng thông tin về dân cư của học sinh đăng ký tuyển sinh. Không yêu cầu học sinh nộp hoặc xuất trình sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy, giấy xác nhận thông tin về cư trú…

Không khảo sát học sinh vào lớp 1

Ngoài hướng dẫn tuyển sinh vào lớp 6 THCS, Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc còn ban hành hướng dẫn tuyển sinh với lớp 1 năm học 2023-2024.

Học sinh vào lớp 1, Trường Tiểu học Đống Đa. Ảnh: Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc

Học sinh vào lớp 1, Trường Tiểu học Đống Đa. Ảnh: Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc

Tại hướng dẫn tuyển sinh này, Sở GD&ĐT yêu cầu Phòng GD&ĐT các huyện, thành phố phối hợp với UBND các xã, phường, thị trấn, các trường tiểu học trong công tác điều tra học sinh trong độ tuổi tuyển sinh vào lớp 1. Tổ chức phân tuyến tuyển sinh, không để xảy ra hiện tượng quá tải ở các trường trên địa bàn.

Công khai việc phân tuyến tuyển sinh, chỉ tiêu tuyển sinh, các quy định về độ tuổi, hồ sơ tuyển sinh tại các trường tiểu học. Đồng thời, phối hợp với UBND các xã, phường, thị trấn tuyên truyền, công khai trước khi bắt đầu tuyển sinh ít nhất 15 ngày để cha mẹ học sinh biết và chuẩn bị nộp hồ sơ nhập học cho học sinh.

Đặc biệt, Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc còn nhấn mạnh yêu cầu các nhà trường không tổ chức khảo sát học sinh đầu năm học, tuyệt đối không tổ chức thi tuyển học sinh vào lớp 1. Cùng với đó là xây dựng giải pháp quan tâm đến đối tượng tuyển sinh là con công nhân các khu công nghiệp trên địa bàn.

Năm học 2023-2024, phương thức tuyển sinh vào lớp 1 tại Vĩnh Phúc vẫn là xét tuyển. Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc còn yêu cầu các nhà trường tuyệt đối không được nhận trẻ thiếu tuổi vào lớp 1.

Hướng dẫn tuyển sinh vào lớp 1 của Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc nêu rõ: Với trẻ em khuyết tật, kém phát triển về thể lực hoặc trí tuệ, trẻ em người dân tộc thiểu số, trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em ở nước ngoài về nước, con em người nước ngoài học tập, làm việc ở Việt Nam có thể vào học lớp một ở độ tuổi cao hơn so với quy định nhưng không quá 3 tuổi. Trường hợp trẻ em vào học lớp một vượt quá 3 tuổi so với quy định sẽ do trưởng Phòng GD&ĐT quyết định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ