Nhân việc Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến đóng góp, Báo GD&TĐ đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Xuân Hoàn – Phó hiệu trưởng phụ trách Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM về các điểm mới trong dự thảo lần này.
PV: Điểm mới nhận được sự chú ý và quan tâm lớn nhất của phụ huynh và học sinh lần này là việc thay đổi về cách tính điểm ưu tiên( từ 0,5 đ xuống còn 0,25 đ cho mỗi khu vực), ông nhận định thế nào về điều này?
PGS. TS Nguyễn Xuân Hoàn:
Điều đầu tiên cần khẳng định đây là một chính sách đúng đắn. Mục tiêu của các chính sách ưu tiên trong tuyển sinh không gì khác nhằm đảm bảo tính công bằng, khách quan.
Trong những năm qua, chính sách cộng điểm ưu tiên trong tuyển sinh vào ĐH- CĐ được thực hiện và điều chỉnh, bổ sung trong từng giai đoạn phát triển kinh tế, xã hội, nhằm bảo đảm sự công bằng về cơ hội học tập của người học giữa các vùng miền, dân tộc và chính sách ưu đãi của nhà nước đối với người có công hoặc thân nhân của họ.
Chính sách cộng điểm ưu tiên tuyển sinh vào ĐH-CĐ bao gồm 2 loại: Ưu tiên theo đối tượng chính sách xã hội và ưu tiên theo khu vực các vùng miền có điều kiện phát triển kinh tế, xã hội và điều kiện học tập còn khó khăn.
Chính sách trên ra đời bởi trong điều kiện thực tế, sự chênh lệch về điều kiện sống, làm việc khác nhau ở các vùng miền là khá lớn, khiến một số vùng khó khăn không thu hút được lao động có trình độ cao.
Chính vì thế, ngoài các chính sách hỗ trợ về điều kiện tăng trưởng kinh tế xã hội cho các địa phương, vùng miền thì chính sách ưu tiên cho những học sinh các vùng này đã được Bộ GD&ĐT thực hiện trong nhiều năm nhằm khuyến khích người học sau khi tốt nghiệp trở về làm việc ngay tại quê hương.
Tuy nhiên, theo kết quả điểm thi THPT năm 2017 của thí sinh xét tuyển ĐH- CĐ có sự chênh lệch không xa giữa các vùng miền. Đồng thời điều kiện KT-XH thay đổi nhanh chóng đã thu hẹp nhanh khoảng cách khó khăn vùng miền./Vì thế, các chế độ, chính sách cũng cần có sự điều chỉnh cho phù hợp nhằm vừa tạo điều kiện cho học sinh vùng sâu, vùng xa nhưng vẫn thu hút được sinh viên giỏi, thực sự tâm huyết với ngành nghề, mà vẫn tạo ra sự công bằng cho các thí sinh không được hưởng ưu tiên.
Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển vào Trường ĐH Tôn Đức Thắng |
PV: Ông có lo lắng gì khi Bộ GD&ĐT không còn quy định “điểm sàn” cho các ngành không thuộc khối sư phạm hay không?
PGS TS Nguyễn Xuân Hoàn:
Thực tế vấn đề này đã được thảo luận từ lâu và theo chủ trương giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường ĐH thì Bộ GD&ĐT cũng đã có chủ trương bỏ “điểm sàn” từ khá sớm.
Cá nhân tôi nhận thấy, với các phương án xét tuyển đa dạng hiện nay của các trường thì “điểm sàn” không còn nhiều ý nghĩa nữa. Sự lo lắng về chất lượng sẽ giảm sút khi bỏ “điểm sàn” chung là không cần thiết vì thực tế các trường vẫn phải công bố “điểm sàn” của riêng mình để phục vụ công tác xét tuyển.
Mặt khác, bên cạnh ngưỡng điểm sàn riêng của từng trường những quy định ràng buộc về công tác kiểm định chất lượng, đảm chất lượng luôn được Bộ GD&ĐT thực hiện hậu kiểm thì tôi tin rằng xã hội có thể an tâm về vấn đề chất lượng đào tạo của các trường.
PV: Ông đánh giá thế nào về việc dự thảo yêu cầu các trường phải công bố tỉ lệ việc làm sinh viên tốt nghiệp và xem đây là một yếu tố quan trọng trong công tác xét tuyển?
PGS TS Nguyễn Xuân Hoàn:
Tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương này. Xã hội đang rất lo ngại về việc tỉ lệ cử nhân tốt nghiệp xong lại thất nghiệp và đây là “điểm thắt” đang gây ra sự lãng phí cho xã hội rất lớn.
Việc bắt buộc các trường công bố tỉ lệ việc làm của các ngành nghề không những giúp người học đánh giá được tình hình thực tế về nghề nghiệp xã hội đang có nhu cầu, mặt khác nó còn là thông tin hữu ích để người học chọn trường có chất lượng đào tạo được xã hội, doanh nghiệp công nhận để theo học.
Yêu cầu là đúng đắn và rất cần thiết, tuy nhiên về phía người học chỉ nên xem đây là một kênh tham khảo trước khi quyết định lựa chọn ngành nghề cho mình. Bởi trong thực tế, có thể tại thời điểm khảo sát do nhu cầu việc làm của ngành đó bị dôi dư nhưng trong tương lai các năm tiếp theo có thể sẽ tăng lên do sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và khu vực.
PV: Về phía trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM thì trong năm 2018 có gì thay đổi trong chính sách tuyển sinh ĐH-CĐ hay không?
PGS TS Nguyễn Xuân Hoàn:
Về cơ bản trong năm 2018 trường chúng tôi vẫn giữ tương đối ổn định phương án tuyển sinh như các năm trước.
Đó là vẫn duy trì hai phương thức xét tuyển bằng học bạ THPT và điểm thi THPT Quốc gia 2018.
Năm nay củng có một số điểm mới trong công tác tuyển sinh của trường như: bổ sung thêm các khối có môn tiếng Anh trong xét tuyển; bổ sung thêm ngành mới có nhu cầu lao động trong khu vực cao như: Khoa học chế biến món ăn; tăng chỉ tiêu các ngành như Khoa học dinh dưỡng và ẩm thực, Công nghệ hóa học, Công nghệ kỹ thuật môi trường, Quản lý tài nguyên và môi trường, Công nghệ chế biến thủy sản.
Riêng với hệ Cao đẳng, trường chúng tôi triển khai chương trình Việc làm Nhật Bản, cam kết 100% có việc làm tại Nhật Bản sau khi tốt nghiệp với thu nhập hàng tháng từ 25 triệu – 30 triệu.
PV: Xin cảm ơn ông!