Điểm mặt 4 chiêu thức lừa đảo trực tuyến người dân cần tránh xa

GD&TĐ - Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) điểm lại 4 hình thức lừa đảo trực tuyến trong tuần qua từ 17 - 23/6 để người dân chủ động phòng tránh.

(Nguồn ảnh: Cục An toàn thông tin)
(Nguồn ảnh: Cục An toàn thông tin)

Giả danh nhân viên rạp chiếu phim

Ngày 17/6, Công an TPHCM cho biết, gần đây trên địa bàn xuất hiện thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản dưới hình thức giả mạo nhân viên Lotte Cinema tuyển người làm nhiệm vụ kiếm tiền "hoa hồng".

Trên thực tế, đây là chiêu trò mời chào, tuyển cộng tác viên làm việc online bằng cách xem, đánh giá video để kiếm tiền, nhưng thực chất là yêu cầu nạn nhân chuyển khoản để thực hiện nhiệm vụ rồi lừa đảo chiếm đoạt tiền của người dân.

(Nguồn ảnh: Cục An toàn thông tin)

(Nguồn ảnh: Cục An toàn thông tin)

Trước thông tin trên, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân cần tuyệt đối cảnh giác khi tiếp nhận các thông tin trên mạng; tránh tâm lý nôn nóng ham muốn kiếm tiền trực tuyến để bị lừa đảo và cần tham khảo ý kiến chuyên gia, mọi người xung quanh để được tư vấn, cảnh báo. Không tin vào các lời mời tuyển dụng “việc nhẹ, lương cao” trên mạng xã hội.

Lừa đảo qua vay tiền bằng iCloud

(Nguồn ảnh: Cục An toàn thông tin)
(Nguồn ảnh: Cục An toàn thông tin)

Theo Công an TP Hà Nội, thời gian qua, các app cho vay tiền qua iCloud nở rộ, tuy nhiên, khách hàng sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro, nhất là chiêu trò cho vay nặng lãi “biến tướng”. Để được vay tiền, người vay phải có iPhone hoặc iPad chính chủ và phải là các sản phẩm đời mới.

Bên cho vay sẽ yêu cầu người vay đăng xuất iCloud và nhập tài khoản iCloud bên cho vay cung cấp hoặc đăng nhập vào đường link theo yêu cầu, bật tính năng Find My Phone và đồng bộ danh bạ, rồi mới làm hợp đồng cho vay. Trong khi thực hiện những thao tác này, tài khoản iCloud của người dùng sẽ có nguy cơ bị chiếm đoạt.

Do đó, Cục An toàn thông tin cảnh báo người dùng cần nói “không” với dịch vay tiền qua mạng nói chung và qua iCloud nói riêng. Không cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng dưới mọi hình thức.

Lựa chọn các tổ chức tài chính, ngân hàng uy tín để thực hiện vay tiền, không tìm đến các dịch vụ trên mạng xã hội. Cài đặt bảo mật 2 lớp để mọi thao tác cài đặt iPhone đều phải thông báo qua số điện thoại cá nhân.

Lừa đảo lắp ráp bút bi tại nhà

(Nguồn ảnh: Cục An toàn thông tin)
(Nguồn ảnh: Cục An toàn thông tin)

Ngày 14/6, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Liên Chiểu (TP Đà Nẵng) cho biết, đang điều tra vụ án hình sự "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra trên địa bàn.

Theo đó, khoảng thời gian năm 2021 và 2022, các đối tượng M.V.D. (SN 2005), B.V.C. (SN 2004), M.V.D. (SN 2004, đều trú thôn Phương Hải, xã Hải Ba, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) sử dụng các tài khoản Facebook: "Nguyễn Thị Trang", "Trần Thị Kim Anh" và tài khoản Zalo "Trần Tấn Thịnh" để đăng tải nội dung tuyển nhân viên làm công việc lắp ráp bút bi tại nhà nhằm thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Nếu người nào có nhu cầu làm việc nhắn tin qua ứng dụng tin nhắn messenger hoặc qua Zalo trên để trao đổi công việc, các đối tượng này sẽ yêu cầu chuyển tiền đặt cọc, tiền phí vận chuyển trước để được nhận hàng về nhà làm. Sau khi bị hại chuyển tiền, các đối tượng cắt đứt liên lạc rồi chiếm đoạt tiền để tiêu xài cá nhân.

Vì vậy, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân cần cẩn trọng trước các thông tin không rõ nguồn gốc trên mạng xã hội. Cần xác minh rõ ràng danh tính của đối tượng trước khi thực hiện bất cứ giao dịch nào, đặc biệt là giao dịch chuyển tiền. Không cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng dưới mọi hình thức.

Cảnh báo lừa đảo, cá độ mùa EURO

(Nguồn ảnh: Cục An toàn thông tin)
(Nguồn ảnh: Cục An toàn thông tin)

Giải bóng đá vô địch châu Âu (EURO 2024) và giải bóng đá vô địch Nam Mỹ năm 2024 (COPA AMERICA 2024) là các sự kiện thể thao, giải trí lớn, thu hút đông đảo người hâm mộ trên thế giới trong đó có Việt Nam.

Đây cũng là thời điểm gia tăng các hình thức cá độ bóng đá, lôi kéo số lượng người chơi lớn, gây ra rất nhiều hệ lụy, suy thoái kinh tế gia đình, xã hội.

Hiện nay các tổ chức cờ bạc đã lợi dụng không gian mạng để lập nhiều website cá độ bóng đá với hệ thống máy chủ đặt tại nước ngoài, đồng thời ra sức quảng cáo, lôi kéo dụ dỗ người chơi mở tài khoản tham gia cá độ bóng đá.

Với tâm lý đam mê bóng đá, đặt niềm tin vào các đội tuyển yêu thích và mong muốn có tiền ăn chơi nên nhiều người đã bị dụ dỗ, lôi kéo tham gia cá độ bóng đá trực tiếp hoặc trên không gian mạng.

Đây cũng là nguyên nhân làm các loại tội phạm và vi phạm pháp luật khác gia tăng, phức tạp như trộm cắp, cướp, cướp giật, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cố ý gây thương tích, cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, mua bán người…

Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân cần nâng cao ý thức chấp hành các quy định của pháp luật liên quan đến tệ nạn xã hội, đam mê và yêu thích bóng đá nhưng kiên quyết tránh xa cá độ bóng đá, phải ý thức được hậu quả, tác hại của cờ bạc đến đời sống của bản thân, gia đình và xã hội. Chủ các các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, vui chơi giải trí phải chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về an ninh trật tự.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Ứng xử nơi tôn nghiêm

GD&TĐ - Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam vừa mới khai trương đã thu hút sự chú ý của nhiều người.