Điểm đến hấp dẫn của sinh viên ngành kinh doanh

GD&TĐ - Với sự bùng nổ kinh tế mạnh mẽ, cùng việc mở khoa “hot”, khiến Trung Quốc và các nước Đông Nam Á đang trở thành điểm đến hấp dẫn với thí sinh theo học các trường kinh doanh.

Một lớp học MBA tại Trường ĐH Tổng hợp Quốc gia Singapore (NUS), có 88% sinh viên quốc tế
Một lớp học MBA tại Trường ĐH Tổng hợp Quốc gia Singapore (NUS), có 88% sinh viên quốc tế

Thay đổi cán cân

Mỹ và châu Âu được coi là nơi sản sinh ra các khóa học thạc sĩ quản trị kinh doanh (MBA) có ưu thế vượt trội về thị trường kinh doanh giáo dục. Thế nhưng sự năng động đã làm cán cân thay đổi - châu Á Thái Bình Dương bây giờ mới là thị trường đào tạo MBA phát triển nhanh nhất thế giới. Theo báo cáo của Ủy ban Tiêu chuẩn hóa đánh giá thí sinh bậc trên đại học, việc đăng ký học tại châu Á Thái Bình Dương tăng vọt lên gần 9% vào năm 2018 so với tăng 3,2% ở châu Âu, và ở Mỹ sụt giảm 6,6% đơn xin học.

Năm 1999 theo xếp hạng các chương trình học thạc sĩ quản trị kinh doanh tốt nhất của của tờ Financial Times thì không một trường châu Á nào được lọt vào danh sách này. Thế nhưng, hiện thế giới có 16 trường nổi bật, trong đó 2 trường là: Trường INSEAD liên kết Singapore - Pháp, Trường Kinh doanh Quốc tế Trung Quốc - châu Âu tại Thượng Hải (CEIBS) đang đứng trong top 10.

Andrew Crisp, người đồng sáng lập Carrington Crisp - một đơn vị tư vấn giáo dục marketing, nơi khảo sát việc nhập học của sinh viên tương lai nói rằng, các trường ở Trung Quốc và Đông Nam Á nhìn chung đang dẫn đầu. Họ phát triển rất nhanh, gây chú ý đặc biệt với các sinh viên học kinh doanh trong tương lai. “Ở các nơi này có một số trường đẳng cấp thế giới nhưng học phí lại chỉ bằng một phần so với ở Mỹ và Anh”, ông này nói thêm.

Hơn nữa khi sinh viên tốt nghiệp họ có nhiều triển vọng ở châu Á - hoặc là làm ở công ty Trung Quốc ở Trung Quốc, hay công ty đang kinh doanh với Trung Quốc. Ông Andrew Crisp nói thêm rằng, tất cả các khu vực này nhìn chung đang phát triển mạnh mẽ, đôi khi là ngoạn mục khiến điều đó chuyển thành các cơ hội việc làm như các công ty Tencent hay Alibaba ở Trung Quốc.

Sức hút từ phương Đông

Đông Nam Á với dân số và thu nhập cá nhân tăng nhanh kéo theo nhu cầu học MBA tăng, vì vậy các trường đào tạo kinh doanh mỗi quốc gia cũng dựa vào lượng thí sinh sở tại để mở lớp cho phù hợp. Các quốc gia châu Á cho thấy sự hấp dẫn hơn nhiều đối với các thí sinh quốc tế học MBA. Ví dụ, Tess Wartanian, một người Australia chuyển đến Singapore làm luận văn thạc sĩ quản trị kinh doanh tại Trường Kinh doanh NUS. Hàng năm NUS nhận khoảng 1.500 đơn xin học và tuyển chọn 120 sinh viên vào khóa thạc sĩ quản trị kinh doanh. Mỗi khóa học hiện nay có 88% là sinh viên quốc tế.

“Việc phát triển kinh tế trong vài thập kỷ trở lại đây đã tạo ra một môi trường kinh doanh lớn mạnh, là nơi tuyệt vời để trở thành quốc gia tiên phong của đột phá công nghệ và các lĩnh vực khác. Singapore là nơi tụ hội của những doanh nhân chuyên nghiệp và cung cấp rất nhiều cơ hội việc làm từ các công ty đa quốc gia có trụ sở đặt ở đây”, ông Tess Wartanian nói.

“Nhiều học giả hàng đầu châu Á đang trở về quê hương mình sau khi hoàn thành luận văn giáo sư hoặc sau một thời gian làm việc tại Mỹ hay châu Âu. Tốt nghiệp các trường kinh doanh châu Á cũng được bảo đảm công việc tốt sau khi ra trường, hơn nữa việc này còn làm tăng cường uy tín cho chính các trường đó”, GS Nitin Pangarkar (Trường ĐH Quốc gia?Singapore) nói.

Ví dụ, theo báo cáo việc làm năm 2018 của Trường CEIBS, gần 94% thạc sĩ tốt nghiệp khóa quản trị kinh doanh nhận được lời mời làm việc và 95% người có lương trung bình tăng vọt. Điều tương tự cũng đến với Trường Kinh doanh CUHK tại Hồng Kông, con số này là 98% tỷ lệ nhân viên, với 88% sinh viên tốt nghiệp khóa MBA được bảo đảm việc làm tại châu Á.

Malaysia là một quốc gia đang nổi lên như một điểm đến của các thí sinh học MBA. Trường Kinh doanh châu Á (ASB) là trường khởi nghiệp ở Kuala Lumpur, là đối tác của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT - Hoa Kỳ) và Ngân hàng Trung ương Malaysia. Trong 2 năm trở lại đây, trường đã phát triển được 2 khóa học thạc sĩ nội trú MBA.

SeanO Ferguson, Giám đốc Chương trình đào tạo MBA, từng là Phó trưởng khoa của Trường Kinh doanh HKUST tại Hồng Kông, nói rằng Malaysia là bàn đạp cho các sinh viên quốc tế muốn xây dựng sự nghiệp ở châu Á. Malaysia, một xã hội đa văn hóa, là đại diện tuyệt vời của tính đa dạng châu Á. Sinh viên đến đây có thể xây dựng những kỹ năng cốt lõi.

Trong khi Mỹ và châu Âu đang chiếm ưu thế ở hầu hết cấp đào tạo MBA thì Trung Quốc và Đông Nam Á nổi lên với tính cạnh tranh cao hơn nhờ vào những biến động bất thường về chính trị ở Mỹ và Anh. Các trường này cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ các nghiệp đoàn giáo dục, ví dụ như Học viện Toàn cầu hàng đầu Alibaba (AGLA). Cần nói thêm rằng AGLA không cố gắng biến doanh nhân Trung Quốc thành các doanh nhân quốc tế mà họ biến những doanh nhân quốc tế thành các doanh nhân của Alibaba và AGLA là cốt lõi của nỗ lực đó. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ