Các trường ĐH Mỹ xử lý thí sinh chạy trường như thế nào?

GD&TĐ - Các trường ĐH Mỹ đang cố gắng ngăn chặn những tác động tiêu cực của vụ bê bối chạy trường rúng động nước Mỹ có sự tham gia của nhiều người nổi tiếng khi có nhiều ý kiến cho rằng những gia đình giàu có có thể chi tiền để con mình được học tại 8 trường ĐH danh tiếng. Những trường học này đã phải đối mặt với những câu hỏi về số phận những thí sinh liên quan.

Chân dung William Rick Singer
Chân dung William Rick Singer

50 người, bao gồm các ngôi sao Hollywood, những CEO giàu có, các huấn luyện viên ở trường ĐH và những người quản lý bài thi tiêu chuẩn… đều được cho là tham gia vào vụ gian lận trong các bài thi và nhận thí sinh vào các trường ĐH hàng đầu nước Mỹ. Ít nhất 8 trường ĐH đã bị nêu tên trong một bản cáo trạng của liên bang và khiếu nại hình sự.

William Rick Singer, kẻ bị buộc tội là chủ mưu, đã nói với các khách hàng tiềm năng của mình rằng đã tạo ra một “cửa sau” cho các gia đình giàu có đưa con vào các trường ĐH hàng đầu. Singer được các bậc phụ huynh trả khoảng 25 triệu USD để giúp con cái họ vào các trường trên – các luật sư Mỹ cho biết. Phiên tòa xét xử Singer được cho là sẽ diễn ra vào ngày 19/6 và hắn phải đối mặt với 65 năm tù và khoản nộp phạt 1,25 triệu USD.

Các trường ĐH đang tránh xa các chuyên gia được xác định dính líu vụ bê bối và họ đang đối mặt với những câu hỏi liệu thí sinh đủ điều kiện có bị từ chối để thế chỗ cho con em các gia đình giàu có hay không.

Các công tố viên cũng nêu khả năng các thí sinh cũng có thể bị buộc tội. Dưới đây là cách các trường ĐH phản ứng sau bê bối chạy trường.

Diễn viên Felicity Huffman (trái) và Lori Loughlin đều chi tiền để chạy trường cho con
Diễn viên Felicity Huffman (trái) và Lori Loughlin đều chi tiền để chạy trường cho con

ĐH Nam California (USC)

ĐH Nam California là tâm điểm của vụ bê bối với một số tên tuổi lớn có liên quan, bao gồm nữ diễn viên Lori Loughlin và chồng cô – nhà thiết kế thời trang Mossimo Giannulli.

USC cho biết họ đã sa thải giám đốc thể thao cấp cao Donna Heinel và huấn luyện viên bóng nước Jovan Vavic – cả hai đều bị buộc tội trong vụ việc trên.

Nhà trường dự định sử dụng tất cả số tiền nào nhận được trong vụ bê bối để cấp quỹ học bổng cho những SV kém may mắn hơn – Hiệu trưởng của USC nói.

Ngoài ra, trường đang tiến hành đánh giá các thí sinh đã được tuyển và USC sẽ đưa ra quyết định phù hợp, sáng suốt sau khi việc này hoàn thành – phát ngôn viên Gary Palakovic của nhà trường cho biết.

Tất cả các thí sinh liên quan tới vụ gian lận sẽ bị từ chối nhập học – ông Polakovic nói. Nhà trường cho biết họ đã xác định 6 thí sinh bị từ chối.

Nhà trường cũng ngăn chặn những thí sinh có thể liên quan với vụ bê bối, không cho họ đăng ký các lớp học hay lấy bảng điểm trong khi nhà trường đang điều tra. USC không công khai danh tính các thí sinh liên quan tới vụ gian lận vì theo Đạo luật Quyền riêng tư và Quyền GD gia đình năm 1974, thông tin không thể được tiết lộ mà không có sự đồng ý trước bằng văn bản của thí sinh.

Đại học California tại Los Angeles (UCLA)

Trường đã cho thôi việc luấn luyện viên trưởng bóng đá nam, ông Jorge Salcedo. Họ đang xem xét các cáo buộc trong hồ sơ của Bộ Tư pháp liên quan tới các quyết định tuyển sinh.

Đối với thí sinh, UCLA đang xem xét một sinh viên hiện đang theo học và một sinh viên tiềm năng, cả hai có thể liên quan tới cuộc điều tra tuyển sinh – phát ngôn viên Tod Tambeg của trường cho biết.

ĐH Stanford

ĐH Standford đã sa thải huấn luyện viên trưởng thuyền buồm John Vandemoer, ông bị cáo buộc nhận đóng góp tài chính cho chương trình thuyền buồm của trường để đổi lấy việc đưa ra đề nghị cho 2 thí sinh để họ được vào trường Stanford. Tuy nhiên theo nhà trường, không có thí sinh nào vào được Standford. Một thí sinh ban đầu đã bị từ chối nhập học và định nộp đơn lại nhưng đã không làm việc này. Thí sinh kia chưa hoàn thành hồ sơ đăng ký.

Standford cho biết họ không có bằng chứng cho thấy các cáo buộc liên quan tới bất kỳ ai nhưng sẽ tiếp tục rà soát lại trong trường. Họ cũng sẽ xác định “cách thích hợp nhất” để phân bố lại các khoản đóng góp tài chính với tổng số 770.000 USD mà công ty The Key Worldwide của Singer chuyển tới.

ĐH Georgetown

Cựu huấn luyện viên quần vợt của ĐH Georgetown là Gordeon Ernst đã bị buộc tội trong vụ án này. Trường ĐH cho biết ông ta đã không làm huấn luyện viên tennis kể từ tháng 12/2017 sau một cuộc điều tra nội bộ.

Nhà trường cho biết đang hợp tác với các điều tra viên. Phát ngôn viên Matt Hill của trường nói rằng không có dấu hiệu cho thấy bất kỳ nhân viên nào của Georgetown liên quan tới vụ bê bối này.

ĐH Georgetown cho biết, năm 2018 họ đã lập ra một chính sách nhằm tăng cường quá trình tuyển dụng và tuyển sinh, trong đó bao gồm việc kiểm tra xem có sinh viên nào gian lận về thành tích thể thao để được tuyển vào hay không.

Bản cáo trạng chỉ ra 12 sinh viên đã hoặc đang học tại Georgetown có liên quan tới bê bối, ông Hill cho biết nhà trường đang xem xét các chi tiết của bản cáo trạng và kiểm tra hồ sơ để xác nhận con số này. Ngoài ra, phát ngôn viên của trường cũng từ chối bình luận về sinh viên liên quan vì tôn trọng Đạo luật về quyền riêng tư và Quyền GD gia đình.

ĐH Yale

Theo hồ sơ, cựu huấn luyện viên trưởng của đội bóng đá nữ Rodolph “Rudy” Meredith đã thông đồng với Singer nhận hối lộ để chọn các thí sinh vào đội bóng, theo hồ sơ của tòa án.

Nhà trường sẽ tiến hành điều tra xem “có ai khác liên quan tới các hoạt động gây ảnh hưởng tới quá trình tuyển dụng và tuyển sinh của trường hay không” – hiệu trưởng Peter Salovey cho biết – “Yale sẽ dùng các cố vấn bên ngoài để đưa ra những thay đổi giúp trường phát hiện và ngăn chặn các nỗ lực lừa đảo”.

Đối với một thí sinh được vào ĐH Yale nhờ gian lận về thể thao, ông Salovey cho biết  chính sách của trường là hủy bỏ việc tuyển những thí sinh có gian lận trong đơn đăng ký vào trường.

Ngày 25/3, phát ngôn viên Conroy cho biết nhà trường đã hủy bỏ việc nhập học của một SV liên quan tới vụ bê bối.

ĐH Wake Forest

Huấn luyện viên bóng chuyền Bill Ferguson của trường đã bị thôi việc sau khi ông bị buộc tội nhận tài chính để gây ảnh hưởng tới việc tuyển một thí sinh mà trước đó ở trong danh sách chờ.

Hiện trường Wake Forest chưa có kế hoạch xử lý đối với thí sinh trên và nhà trường cũng không có bằng chứng cho thấy thí sinh này biết về những giao dịch tài chính giúp cô được vào trường.

ĐH Texas

ĐH Texas đã đuổi việc huấn luyện viên tennis Michael Center vì bị cáo buộc nhận 100.000 USD hối lộ để nhận một thí sinh vào đội tennis. Tuy nhiên, sau khi được vào trường, thí sinh đã rời khỏi đội.

ĐH Texas chưa có hành động gì đối với thí sinh gian lận và cho biết sẽ xem xét kỹ lưỡng vấn đề này.

ĐH San Diego

Trường đã xác định huấn luyện viên bóng rổ Lamont Smith và 2 thí sinh là 3 người liên quan tới bê bối, hiện một thí sinh đang theo học và và một thí sinh đã bị từ chối nhập học.

Nhà trường cho biết sẽ làm việc với một công ty luật để tiến hành điều tra và chỉ định một ủy ban đặc biệt để giám sát phản ứng của trường.

Với thí sinh liên quan tới bê bối, nhà trường không nói rõ hình thức xử lý nhưng cho biết sẽ xử lý theo quy chế về Quyền và Nghĩa vụ của trường

Theo CNN

Tin tiêu điểm

Hệ thống HIMARS của Ukraine sẽ được sử dụng để phóng ATACMS.

Canh bạc nguy hiểm với ATACMS

Thế giới
GD&TĐ - Theo chuyên gia quân sự kỳ cựu Nga, Andrey Koshkin, hệ thống phòng thủ nhiều tầng của Moscow luôn sẵn sàng đánh chặn mọi tên lửa, kể cả ATACMS tầm xa.

Đừng bỏ lỡ