Công ty Cổ phần Đầu tư Hải Phát (Hải Phát Invest - mã chứng khoán HPX) được xem là một “ông lớn” trên thị trường bất động sản ở Việt Nam. Được thành lập năm 2003 với tiền thân là Công ty Cổ phần Xây dựng – Du lịch Hải Phát, sau nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, đến nay Hải Phát Invest đã sở hữu nhiều dự án phân khúc trung, cao cấp tại Thủ đô.
Tuy nhiên, trong lĩnh vực bất động sản của Việt Nam, Công ty Cổ phần Đầu tư Hải Phát thường được bêu tên gắn với những dự án “dính” lùm xùm, tai tiếng.
Dự án chung cư HPC Landmark 105
Dự án chung cư HPC Landmark 105 của chủ đầu tư Công ty Cổ phần đầu tư Hải Phát Thủ đô (người đại diện pháp luật là ông Đỗ Quý Hải - Chủ tịch HĐQT) – một đơn vị thành viên của Hải Phát Invest.
Thuộc Khu đô thị mới La Khê (Hà Đông, Hà Nội), HPC Landmark 105 được quảng cáo là một trong những dự án có kiến trúc hiện đại và tiện ích bậc nhất trên trục đường Lê Văn Lương kéo dài (nay là đường Tố Hữu), hứa hẹn sẽ mang tới môi trường sống lý tưởng, đẳng cấp cho các cư dân.
Tuy nhiên, trong quá trình đi vào hoạt động, Dự án HPC Landmark 105 dường như đi ngược với những kỳ vọng này.
Ngày 15/10/2019, Công ty CP Đầu tư Hải Phát Thủ đô đã bị Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị quận Hà Đông đã lập Biên bản vi phạm hành chính số 08/BB-VPHC về hoạt động đầu tư xây dựng.
Theo đó, chủ đầu tư đã có các hành vi vi phạm hành chính như: Bàn giao, đưa hạng mục công trình, công trình xây dựng vào sử dụng khi chưa có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định.
Với vi phạm trên, UBND quận Hà Đông đã có Quyết định số 4261/QĐ-XPVPHC ngày 24/10/2019 xử phạt Vi phạm hành chính đối với Công ty CP Đầu tư Hải Phát Thủ đô mức tiền phạt là 75 triệu đồng.
Ngoài ra, UBND quận Hà Đông cũng yêu cầu Công ty CP Đầu tư Hải Phát Thủ đô phải có văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền kiểm tra theo quy định. Thời hạn thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả là 15 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định này.
Sau đó Hải Phát Thủ đô đã chậm trễ trong việc khắc phục hậu quả vì vậy ngày 17/3/2020 UBND phường La Khê tiếp tục có Văn bản số 59/UBND đề nghị công ty này hoàn thiện hồ sơ giấy tờ, văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền chấp nhận kết quả nghiệm thu, bàn giao đưa hạng mục công trình vào sử dụng. Đồng thời, dừng ngay việc bàn giao căn hộ cho khách hàng đưa vào sử dụng.
Dù đã bị xử phạt và “nhắc nhở” như vậy nhưng theo thông tin trên báo chí, đến nay Hải Phát Thủ đô vẫn chây ì “chưa chịu” khắc phục sai phạm. Bằng chứng là đến nay, sau hơn 1 năm bị xử phạt, dự án vẫn tiếp tục nhận cư dân vào ở dù chưa có Văn bản chấp thuận nghiệm thu hoàn thành công trình của cơ quan có thẩm quyền.
Dự án Khu nhà ở xã hội Phú Lãm - The Vesta
Nhắc đến những dự án “tai tiếng” tai tiếng của Hải Phát Invest, không thể không nhắc đến Dự án Khu nhà ở xã hội Phú Lãm (tên thương mại là The Vesta). Vào trung tuần tháng 9/2020, hàng trăm cư dân tại dự án này đã căng băng rôn tố chủ đầu tư lừa dối khách hàng.
Cụ thể, tại quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu nhà ở xã hội Phú Lãm tỷ lệ 1/500, ô đất ký hiệu P-01, P-02 tại Khu vực sân vườn cây CX3, CX4 có chức năng là bãi đỗ xe.
Tuy nhiên, trong thời điểm quảng cáo và mở bán, Hải Phát Invest đã xây vườn hoa và khu vui chơi trẻ em ở vị trí này. Đến khi bán xong dự án, bàn giao toàn bộ nhà cho cư dân, khoảng giữa tháng 9/2020, chủ đầu tư lại đập vườn hoa và khu vui chơi trẻ em để khôi phục lại đúng chức năng phê duyệt là bãi đỗ xe. Tuy nhiên, do gặp phải sự phản đối của đông đảo hộ dân, chủ đầu tư đã tạm dừng.
Cư dân cho rằng chủ đầu tư đã cố tình sử dụng đất sai mục đích, lừa dối khách hàng để nhanh chóng bán được nhà.
Trước những lùm xùm trên, thông tin với báo chí, phía Hải Phát phủ nhận việc cố tình xây dựng sai quy hoạch để “câu” khách và khẳng định sẽ cùng cư dân ở dự án The Vesta kiến nghị các sở, ban ngành về việc xin giữ nguyên khu vui chơi cho trẻ em như đã có.
Dự án The Pride
Tổ hợp thương mại dịch vụ và căn hộ The Pride (đường Tố Hữu, phường La Khê, quận Hà Đông, Hà Nội) do Hải Phát Invest làm chủ đầu tư.
Cư dân The Pride phản ánh hàng loạt sai phạm của chủ đầu tư như ô nhiễm môi trường kéo dài không xử lý dứt điểm; thang máy thường xuyên rơi tự do; không chịu bàn giao 80 tỷ đồng quỹ bảo trì; thu giá dịch vụ quá cao…
Theo đó, 2 vấn đề nhức nhối nhất mà cư dân The Pride phải “đấu tranh” là vấn đề ô nhiễm môi trường và việc chủ đầu tư không chịu bàn giao quỹ bảo trì. Suốt thời gian dài, khu vực hầm để xe bốc mùi hôi thối, thậm chí mùi hôi xuất hiện ở cả khu vực thang máy.
Cư dân nhiều lần phản ánh nhưng chủ đầu tư đều không chịu thực hiện các biện pháp kiểm tra hoặc chỉ làm cho có. Cũng theo cư dân The Pride, quỹ bảo trì của các tòa nhà khoảng 80 tỷ đồng có dấu hiệu bị chủ đầu tư chiếm dụng trái phép khi cố tình kéo dài việc thành lập Ban quản trị tòa nhà (theo quy định, khi thành lập được ban quản trị thì chủ đầu tư phải bàn giao quỹ bảo trì).
Theo phản ánh của các cư dân, sau khi dự án đi vào vận hành, người dân về ở thì phát hiện ra hàng loạt vấn đề khiến cuộc sống bất an. Cụ thể, tình trạng thang máy rơi tự do và hỏng liên tục quanh năm.
Đặc biệt, điều đáng chú ý và gây cho cư dân bức xúc trong suốt thời gian qua là việc chủ đầu tư Hải Phát áp mức giá dịch vụ 7.000 đồng/m2 nhưng lại cho cư dân hưởng những dịch vụ không tương đương với mức tiền trên. Điều này đã khiến cư dân phản đối kịch liệt và dừng nộp phí dịch vụ, dẫn đến việc chủ đầu tư cắt dịch vụ trông giữ xe dù các hộ dân vẫn đóng loại phí này đầy đủ.
Nhiều lần cư dân The Pride đã phản ánh lên phía chủ đầu tư nhưng vẫn không được giải quyết dứt điểm khiến hàng trăm cư dân vô cùng bức xúc. Phản đối vấn đề này, nhiều hộ dân dừng nộp phí dịch vụ dẫn đến việc ban quản lý cắt dịch vụ trông giữ xe mặc dù các hộ dân vẫn đóng loại phí này đầy đủ.
Đỉnh điểm, vào ngày 3/6, chủ đầu tư và Ban quản lý dự án chặn cổng không cho người dân gửi xe ô tô ở cả khu vực 2 tầng gửi xe là tầng 3 và 4 của tòa nhà khiến cho cả khu chung cư rơi vào tình trạng kẹt cứng và tắc nghẽn. Những bức xúc, mâu thuẫn bị đẩy lên cao trào, một số cư dân đã căng băng rôn, khẩu hiệu đấu tranh đòi đối thoại trực tiếp với chủ đầu tư và ban quản lý tòa nhà.
Dự án HHB Tân Tây Đô
Khu Đô thị mới Tân Tây Đô (Đan Phượng, Hà Nội) do Hải Phát Invest làm chủ đầu tư đã bàn giao nhiều chung cư cho cư dân kể từ năm 2014. Cũng từ đây, cư dân nơi đây phải đối mặt với muôn vàn bức xúc như thang máy gặp sự cố, nước sinh hoạt không đảm bảo...
UBND huyện Đan Phượng từng cũng phải lên tiếng “chỉ mặt đặt tên” sai phạm của chủ đầu tư Hải Phát.
Theo đó, chung cư CT2A-B và HHB được bàn giao từ năm 2014, nhưng đến cuối 2015 Hải Phát mới ký Hợp đồng cung cấp nước sạch với Công ty CP Đầu tư Công nghệ Môi trường Việt Nam để cung cấp nước sạch cho cư dân (Hợp đồng số 61/HĐCCNSHP-MTVN). Đặc biệt, trong thời gian cung cấp nước cho cư dân Khu đô thị Tân Tây Đô, trạm cấp nước đã được ban ngành chức năng kiểm tra chất lượng nhiều lần, khẳng định chất lượng nước không đảm bảo theo quy định của Nhà nước.
Đặc biệt, Hải Phát đã bàn giao gần 100% căn hộ cho dân vào ở từ khi công trình vẫn chưa được Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, Bộ Xây dựng chấp thuận đưa vào sử dụng.
Không những vậy, cư dân Tây Tây Đô còn tố phần diện tích chung của cư dân bị chủ đầu tư “phù phép” để sử dụng riêng. Theo phản ánh của nhiều cư dân tòa nhà HHB thì diện tích sử dụng chung được ghi trong Hợp đồng mua bán là 16.072m2, nhưng thực tế khi chủ đầu tư đi làm Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà cho cư dân thì một bộ phận không nhỏ chủ căn hộ ở Tòa nhà HHB hiện chỉ được cấp với diện tích sử dụng chung là 3.307,4m2. Trong khi gần một nửa số hộ dân còn lại vẫn được cấp Giấy chứng nhận có ghi trên đó phần diện tích sử dụng chung là 16.072m2. Cư dân thắc mắc tại sao lại có sự khác nhau như thế giữa các đồng chủ sở hữu trong cùng một tòa nhà?
Sau nhiều lần phản ánh nhưng không được chủ đầu tư giải quyết thỏa đáng, cư dân Tòa nhà HHB đã căng băng rôn đen, đỏ cả tòa yêu cầu Chủ đầu tư trả lại diện tích đất sử dụng chung.
Liên quan đến sự việc, tháng 7/2019, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Hà Nội đã văn bản đề nghị Công ty CP Đầu tư Hải Phát nghiêm túc khắc phục các sai phạm tại dự án Khu đô thị mới Tân Tây Đô.