Kỳ họp thứ 7 HĐND TP Hà Nội: Dự án chậm triển khai vào 'tầm ngắm'

GD&TĐ -Hà Nội kiên quyết cắt giảm vốn dự án không giải ngân, tỷ lệ giải ngân thấp để phát triển kinh tế - xã hội. Cử tri thành phố cũng mong muốn Trung ương tiếp tục quan tâm đến công tác cán bộ, nhất là chức danh Chủ tịch UBND TP Hà Nội.

Quang cảnh Kỳ họp thứ 7, HĐND TP Hà Nội khóa XVI.
Quang cảnh Kỳ họp thứ 7, HĐND TP Hà Nội khóa XVI.

Ngày 5/7, HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021 - 2026 khai mạc Kỳ họp thứ 7. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng tham dự. Kỳ họp dự kiến tổ chức trong 3,5 ngày (từ ngày 5/7 đến sáng 8/7).

Quan tâm chức danh Chủ tịch

Phát biểu tại kỳ họp, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam TP Hà Nội - Nguyễn Lan Hương cho biết, cử tri và nhân dân Thủ đô đánh giá cao sự điều hành quyết liệt, hiệu quả của lãnh đạo thành phố.

Trong đó, có những tầm nhìn chiến lược, dài hạn mang tính đột phá cho sự phát triển của Thủ đô. Đơn cử như: Đường vành đai 4, quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, sông Đuống...

Theo bà Nguyễn Lan Hương, bên cạnh kết quả đạt được, cử tri và nhân dân Thủ đô đã bày tỏ sự bất bình trước cá nhân, tổ chức lợi dụng các chính sách của Nhà nước trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 để trục lợi.

Một số vụ án có quy mô, phạm vi lớn liên quan nhiều bộ, ngành và địa phương, tình hình tội phạm vẫn diễn biến phức tạp. Ngoài ra, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công và tiến độ triển khai thực hiện một số dự án đầu tư công đạt tỷ lệ rất thấp...

“Công tác quản lý đất đai vẫn chưa thực sự minh bạch đầy đủ về quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Việc thanh toán bảo hiểm xã hội một lần dẫn đến nguy cơ không đảm bảo đời sống lâu dài, vấn đề ô nhiễm môi trường…

Tình trạng ngập úng tại một số quận nội thành, phòng, chống cháy nổ còn phức tạp. Tình trạng đuối nước trẻ em, sức khỏe tâm thần trẻ em, tâm lý lứa tuổi bị ảnh hưởng bởi học trực tuyến trong thời gian dài. Đời sống của một bộ phận người dân còn gặp khó khăn…”, bà Hương nêu những tồn tại.

Cũng tại kỳ họp này, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội đề nghị thành phố tăng cường công tác giám sát trong các lĩnh vực quy hoạch đô thị, tiến độ thực hiện các dự án giao thông, ô nhiễm môi trường, các vấn đề liên quan đến an sinh xã hội, phòng cháy chữa cháy...

Thành phố tiếp tục chỉ đạo quyết liệt công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán để phòng, chống vi phạm, tội phạm trong công tác đầu tư, mua sắm, thu chi ngân sách.

Cùng với đó, phải kiên quyết, xử lý đối với các dự án đầu tư có sử dụng đất đã quá hạn chưa thực hiện đầu tư hoặc đầu tư kéo dài. Ngoài ra, rà soát và thu hồi các dự án chậm triển khai, các dự án vi phạm sử dụng đất công, gây bất bình trong nhân dân...

Đặc biệt, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội đề nghị HĐND, UBND thành phố tham mưu với Thành ủy Hà Nội kiến nghị với Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ quan tâm công tác cán bộ đối với Thủ đô Hà Nội. Trong đó, nhất là nhân sự chức danh Chủ tịch UBND thành phố.

Đồng thời, đề nghị UBND thành phố kiến nghị với Chính phủ sớm phê duyệt phương án di dời các cơ sở nhà máy gây ô nhiễm khỏi khu vực nội đô. Công khai các cơ sở đã di dời ra khỏi nội đô và những cơ sở đã trả lại diện tích đất. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đường giao thông, trường học, chợ dân sinh, hệ thống thủy lợi, hệ thống xử lý nước thải, rác thải...

Bên cạnh đó, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội đề nghị UBND thành phố tập trung chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế, xã hội.

Đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công, có chính sách đặc thù thực hiện các công trình trọng điểm như dự án đường vành đai 4, đề án xây dựng, cải tạo các chung cư cũ. Chỉ đạo Sở Xây dựng có phương án khắc phục tình trạng ngập úng tại các quận nội thành.

Với Sở GD&ĐT nghiên cứu quy định thống nhất một bộ sách giáo khoa dùng cho các cấp học trên địa bàn, tránh tình trạng mỗi trường, mỗi quận, huyện lựa chọn 1 bộ sách gây lãng phí và bức xúc trong dư luận.

Xử lý nghiêm vụ án lớn, phức tạp

Cũng trong sáng 5/7, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội - Đào Thịnh Cường cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2022, tình hình an ninh chính trị trên địa bàn thành phố cơ bản ổn định.

Về tội phạm, cơ quan điều tra đã khởi tố mới 4.197 vụ, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố phê chuẩn quyết định khởi tố 6.280 bị can, giảm 767 vụ (15,4%), 567 bị can (8,3%) so với cùng kỳ năm 2021.

Cụ thể, với tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia: Phát hiện và khởi tố 2 vụ/2 bị can (giảm 2 vụ/1 bị can so với cùng kỳ năm 2021) về các tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, tội Tuyên truyền nhằm chống Nhà nước.

Kết quả công tác 6 tháng đầu năm 2022 của Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội cũng cho thấy, tội phạm về ma tuý đã khởi tố 1.529 vụ/2.035 bị can (giảm 314 vụ/223 bị can so với cùng kỳ năm 2021), chủ yếu về các tội tàng trữ trái phép, mua bán trái phép, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy.

Điển hình như vụ Trần Huy Thành cùng đồng phạm vận chuyển trái phép hơn 7kg ma túy. Tương tự là vụ Đoàn Văn Tùng cùng đồng phạm chứa chấp, tổ chức cho 28 đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy tại quán karaoke...

Tội phạm về tham nhũng và chức vụ: Khởi tố 13 vụ/24 bị can, khởi tố chủ yếu về các tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Với tội phạm về kinh tế và môi trường: Khởi tố 121 vụ/173 bị can.

Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội đánh giá, tình hình tội phạm 6 tháng đầu năm 2022 mặc dù giảm so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, tiềm ẩn gia tăng ở nhóm tội kinh tế, chức vụ, tham nhũng.

Bên cạnh đó, những ảnh hưởng tiêu cực từ đời sống xã hội và kinh tế cũng là một nguyên nhân dẫn đến các tội phạm liên quan đến trị an, sở hữu, tranh chấp dân sự, hành chính, kinh doanh thương mại diễn biến đa dạng, phức tạp. Đáng lưu ý số vụ án hình sự khởi tố mới ở các quận, huyện có tốc độ đô thị hóa nhanh tăng đột biến như: Huyện Gia Lâm, Sóc Sơn, Hà Đông, Đông Anh.

Do vậy, Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội đề nghị HĐND thành phố chỉ đạo các cơ quan có liên quan tăng cường hơn nữa công tác quản lý Nhà nước, quản lý xã hội trên tất cả các lĩnh vực, thường xuyên thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện, xử lý.

Đồng thời, duy trì hiệu quả hoạt động của các ban chỉ đạo công tác liên ngành. Ngoài ra, tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biển pháp luật đến người dân để phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật và giảm thiểu các mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ nhân dân.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ